Bí quyết ra đề mở môn Ngữ văn

GD&TĐ - Một trong những định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá đang được quan tâm hiện nay là ra đề theo hướng mở. Với bộ môn Ngữ văn, phương pháp kiểm tra, đánh giá còn mang tính đặc thù cần được đặt lên hàng đầu.

Một tiết học Ngữ văn của cô và trò Trường THPT Long Châu Sa - tỉnh Phú Thọ
Một tiết học Ngữ văn của cô và trò Trường THPT Long Châu Sa - tỉnh Phú Thọ

Mở những phương diện nào

Theo ông Đỗ Đức Quế - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Phú Thọ), một đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng mở được đánh giá dựa trên tính chất sáng tạo, tự do của đề đó.

Thông thường, do nhiều nguyên nhân, đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn thường có xu hướng đóng kín. Hệ lụy của xu hướng ra đề này là triệt tiêu sự năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động của học sinh trong học tập. Chính vì vậy, để có thể có những đề thi, kiểm tra theo hướng mở trong môn Ngữ văn, cần nhận rõ tính chất mở của đề thi, kiểm tra trên các phương diện:

Mở về phạm vi kiến thức bộ môn cần vận dụng: Đề thi, kiểm tra phải đáp ứng được yêu cầu vận dụng nhiều kiến thức của bộ môn để giải quyết các nhiệm vụ đề nêu; kiến thức đó nhất định không dùng lại những điều thầy đã giảng trên lớp. Phải sử dụng năng lực được hình thành, các kiến thức cơ bản (có tính chất công cụ) để giải quyết những vấn đề đặt ra;

Mở về tính liên môn và tích hợp kiến thức: Đề thi cần nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn, kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực được học và tìm hiểu để giải quyết. Tình trạng học lệch, học tủ của đa số học sinh sẽ được giảm thiểu rất nhiều nếu đề thi có tính liên môn tốt.

Mở về yêu cầu năng lực: Đề mở phải thể hiện ở sự rộng mở về các yêu cầu năng lực cần vận dụng để giải quyết vấn đề. Các năng lực chung, năng lực chuyên biệt mà môn Ngữ văn có ưu thế thì cần ưu tiên để yêu cầu vận dụng trong quá trình làm bài.

Mở về yêu cầu tăng tính thực tiễn, thực hành vận dụng giải quyết các tình huống cụ thể: đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Đề cần đưa ra những vấn đề có tính thời sự, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc để gắn việc học của học sinh vào đời sống. Đề mở theo hướng này sẽ tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho học sinh.

Đề mở môn Ngữ văn phải tạo điều kiện để học sinh thể hiện tư tưởng của mình trong bài
Đề mở môn Ngữ văn phải tạo điều kiện để học sinh thể hiện tư tưởng của mình trong bài

Một yêu cầu quan trọng nữa thể hiện tính chất mở của đề thi môn Ngữ văn là khả năng mở về tư tưởng và phẩm chất cho người học. Đề thi sẽ phải tạo điều kiện để học sinh thể hiện tư tưởng của mình. Tôn trọng những ý kiến, cách nhìn nhận, quan điểm của cá nhân người học về các vấn đề được đặt ra.

Đề mở còn thể hiện ở yêu cầu về cách biểu đạt, trình bày của học sinh để thực hiện yêu cầu của đề. Theo hướng này, đề thi không nên gò bó, bắt buộc học sinh trình bày, biểu đạt theo một cách nào cứng nhắc. Khuyến khích sử dụng sáng tạo các phương tiện biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ để diễn đạt suy nghĩ và ý kiến của mình.

Mở đến mức độ nào

Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Quế cũng cho rằng: Đề mở trong môn Ngữ văn không vì mở mà có thể tùy tiện trong nội dung, không thể phá vỡ mọi quy chuẩn, giới hạn. Nói như vậy có nghĩa là cần định hướng đóng cho một đề bài mở. Cần lưu ý một số vấn đề (tạm gọi là đóng) khi ra đề mở môn học này:

Mở không có nghĩa là phá vỡ mọi giới hạn chuẩn mực: Đề thi mở rất dễ dẫn đến việc hiểu cực đoan về mặt tư tưởng, suy nghĩ. Cần tập cho giáo viên ra đề mở nhưng hướng đến những chuẩn mực của luật pháp, văn hóa, đạo đức tốt đẹp.

Không chấp nhận những biểu hiện lệch lạc, xấu xa khi thể hiện quan điểm qua việc ra đề mở. Bản thân giáo viên phải đưa ra những vấn đề, những yêu cầu sát với chuẩn mực. Tránh tình trạng đưa vào đề thi những thứ tạp hóa của cuộc sống và văn chương;

Mở không chấp nhận tùy tiện về kỹ năng, năng lực: Người ra đề mở môn Ngữ văn cũng cần phải làm sao đưa ra được những yêu cầu để học sinh vừa phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình, nhưng không vì thế mà tùy tiện trong cách trình bày, diễn đạt. Bên cạnh đó, nếu không có định hướng đúng về kỹ năng, năng lực, đề mở lại trở thành cản trở cho sự phát triển năng lực người học đã được định hướng.

Như vậy, việc ra đề mở có nhiều ưu điểm và cũng có những hạn chế nhất định. Cái hay của dạng đề này là phân hóa được trình độ và năng lực học sinh rất rõ, kích thích được học sinh bộc lộ cá tính và sắc thái riêng, người viết bài không thể dựa vào văn mẫu, phải tự mình suy nghĩ và viết ra những ý nghĩ của chính mình, mới thấy được cái hay, cái đẹp trong văn chương.

“Việc ra đề mở môn Ngữ văn nói riêng và các môn KHXH nói chung là định hướng đổi mới đúng đắn, nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI đã đề ra” – Ông Đỗ Đức Quế nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.