GS.TS Đặng Văn Minh chia sẻ:
Chúng ta phải “cởi mở” ĐH hơn nữa, muốn hội nhập giáo dục ĐH thì phải cho các trường ĐH điều kiện để hội nhập. Chính bởi vậy không riêng ĐH Thái Nguyên, các nhà trường ĐH Việt Nam đều mong chờ Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi được hiện thực hóa. Hy vọng những sửa đổi trong Luật Giáo dục đại học lần này cũng như những Nghị định, hướng dẫn sẽ đi vào cuộc sống nhiều hơn.
Chúng tôi thấy Dự thảo Luật Giáo dục ĐH đã có nhiều điều “cởi mở” hơn, đó là các nhà trường sẽ được nhiều quyền hơn, có quyền tự chủ. Các văn bản trước kia không phù hợp hay những vấn đề liên quan đến chương trình, tín chỉ đào tạo nay đã được điều chỉnh. Đáng chú ý, việc đánh giá về quản trị đại học, hệ thống hội đồng trường được thể hiện trong Luật GD ĐH sửa đổi với nhiều đổi mới.
Tham gia khóa học trong khuôn khổ Aus4Skills (Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi được sang Úc học hỏi cách quản lý và mô hình đào tạo, hoạt động của các trường nước bạn, có thể thấy các trường ĐH ở Úc đi trước chúng ta khá xa cả về cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng, chương trình đào tạo. Và hiện chúng ta đang trên con đường đi theo họ.
Tôi cũng nhận thấy rằng ở Úc, số lượng trường ĐH không quá nhiều như Việt Nam. Các giáo sư trao đổi với tôi rằng ở Úc có gần 40 trường ĐH, CĐ. Tự chủ ĐH ở Úc đã được một thời gian dài, các trường có bề dày và thương hiệu, thu hút được sinh viên quốc tế, có trường sinh viên quốc tế chiếm 1/3 tổng số sinh viên, tạo ra nguồn thu nuôi sống nhà trường.
Ở Úc, tỷ lệ sinh viên đào tạo ra có việc làm rất cao. Trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ sinh viên ra trường không có việc làm lại đang có chiều hướng tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến “đầu vào” của sinh viên, khi số lượng trường nhiều, chất lượng chưa được khẳng định, các điều kiện chưa được đảm bảo, và thị trường lao động đang là một câu hỏi lớn với các trường ĐH.
Hy vọng với Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, giáo dục ĐH của chúng ta sẽ tiếp cận với quốc tế nhiều hơn.