Bí quyết giúp trẻ tự giác làm việc được giao

GD&TĐ - Trẻ em thường phớt lờ các yêu cầu và chỉ dẫn của cha mẹ. Điều đó khiến các ông bố, bà mẹ không khỏi thất vọng.

Phụ huynh sẽ cần nhiều thời gian và sự thực hành để phá vỡ xu hướng phớt lờ hoặc chống đối của trẻ.
Phụ huynh sẽ cần nhiều thời gian và sự thực hành để phá vỡ xu hướng phớt lờ hoặc chống đối của trẻ.

Đôi khi, trẻ vờ như không nghe thấy những gì cha mẹ truyền đạt. Những lần khác, trẻ lại quên lời hướng dẫn của cha mẹ. Ngoài ra, trẻ có thể cố tình bỏ qua những gì đã nghe.

Làm thế nào để trẻ tự giác làm việc được giao?

Trẻ em thường phớt lờ các yêu cầu và chỉ dẫn của cha mẹ. Điều đó khiến các ông bố, bà mẹ không khỏi thất vọng. Đôi khi, trẻ vờ như không nghe thấy những gì cha mẹ truyền đạt. Những lần khác, trẻ lại quên lời hướng dẫn của cha mẹ. Ngoài ra, trẻ có thể cố tình bỏ qua những gì đã nghe.

Trẻ có những hành động này vì không muốn bị bắt buộc cũng như tập trung vào yêu cầu của phụ huynh. Đây là một hình thức phản đối, hoặc trẻ đang cố gắng tiếp tục một hành vi bản thân muốn.

Bà Ann-Louise T. Lockhart - nhà tâm lý học nhi khoa tại Mỹ - cho biết, vấn đề này có thể hết khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp để đặt kỳ vọng về khả năng đáp ứng và bắt đầu kiềm chế hành vi này ở trẻ. Việc phải lặp đi lặp lại các yêu cầu nhưng trẻ không thực hiện là nguyên nhân gây thất vọng lớn đối với nhiều phụ huynh. Trong không ít trường hợp, cha mẹ luôn đưa ra nhiều yêu cầu đối với trẻ.

Phụ huynh có thể yêu cầu con làm điều gì đó. Sau 10 phút và 30 phút, phụ huynh thường tiếp tục nói lại, khi nhận thấy trẻ vẫn chưa làm những gì được yêu cầu. Khi đó, phản ứng của cha mẹ thường không bình tĩnh.

Trước khi quá tức giận, các phụ huynh cần lưu ý là trẻ có thể không cố tình phớt lờ cha mẹ. Chúng thực sự có thể không nghe thấy hoặc đã quên. Bởi, trí nhớ làm việc của trẻ không hiệu quả như cha mẹ mong đợi.

Ngoài ra, trẻ có thể hoàn toàn có ý định làm những điều cha mẹ yêu cầu, nhưng sẽ thực hiện sau. Tuy nhiên, có nhiều chiến lược khác nhau mà các phụ huynh có thể áp dụng để khiến trẻ làm theo yêu cầu ngay từ lần đầu tiên.

Nếu trẻ làm theo những gì được yêu cầu, cha mẹ hãy nói rằng, con đã làm rất tốt.

Nếu trẻ làm theo những gì được yêu cầu, cha mẹ hãy nói rằng, con đã làm rất tốt.

Thu hút sự chú ý

Khoa học đã chứng minh rằng, khi trẻ mải mê với những gì đang làm, chúng sẽ không chú ý đến mọi thứ diễn ra xung quanh. Thực tế, các nghiên cứu cho thấy, trẻ em dưới 14 tuổi thiếu “nhận thức ngoại vi”. Điều đó có nghĩa là nếu trẻ tập trung vào một món đồ chơi, sách, trò chơi hoặc chương trình truyền hình, não của chúng sẽ chỉ chú ý tới những thứ đó. Vì vậy, phụ huynh cần giao tiếp bằng mắt khi yêu cầu con làm điều gì đó.

Sẽ hiệu quả nhất nếu cha mẹ có thể tiến lại gần con, chạm vào cánh tay hoặc đặt một tay lên vai trẻ. Sau đó, cúi xuống ngang tầm mắt trẻ. Khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt để đáp lại và lặp lại những gì cha mẹ vừa yêu cầu con làm. Bằng cách đó, cả phụ huynh và trẻ đều biết rằng, yêu cầu đã được đưa ra và lắng nghe.

Thay đổi cách tiếp cận

Nếu đã tiếp cận con mình như trên và vẫn phải lặp đi lặp lại yêu cầu để khiến chúng làm theo, các phụ huynh có thể cần một kế hoạch khác. Nhiều trẻ em có một số chiến lược để trì hoãn mọi thứ càng lâu càng tốt. Trẻ em hoàn toàn không hiểu hậu quả khi không làm những nhiệm vụ như vậy. Thậm chí, trẻ cảm thấy vui hơn khi trì hoãn, thay vì hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tế của vấn đề là hầu hết người lớn cũng không coi những hoạt động đó thú vị. Vì vậy, trẻ học cách làm cha mẹ mất tập trung bằng cách kêu ca, đưa ra một việc khác cần làm vào lúc đó, bắt đầu tranh cãi hoặc hoàn toàn phớt lờ yêu cầu. Để ngăn trẻ trì hoãn hoặc phớt lờ, cha mẹ sẽ cần dành thêm một chút thời gian và sự chú ý trong cách tiếp cận tình huống.

Kiên nhẫn

Phụ huynh sẽ cần nhiều thời gian và sự thực hành để phá vỡ xu hướng phớt lờ hoặc chống đối của trẻ. Tuy nhiên, kết quả là cha mẹ sẽ bớt thất vọng, tức giận và căng thẳng hơn. Đồng thời, hy vọng trẻ sẽ tôn trọng, tuân thủ và có kỷ luật hơn.

Đặt khung thời gian

Các phụ huynh hãy tự quyết định xem muốn trẻ làm gì. Sau đó, đưa ra khung thời gian chấp nhận để trẻ tuân thủ. Thời gian có thể là ngay lập tức, hoặc trong vòng 15 phút...

Cụ thể hóa yêu cầu

Phụ huynh không nên diễn đạt yêu cầu như một câu hỏi. Thay vào đó, nói với trẻ một cách cụ thể những gì cha mẹ muốn con làm. Ví dụ, thay vì hỏi: “Bây giờ con đã có thể đi đánh răng được chưa?”, hãy nói: “Con cần đi đánh răng ngay để ngủ đúng giờ”.

Theo dõi sự tuân thủ của trẻ

Cha mẹ cần kiểm tra xem trẻ có thực hiện những gì được yêu cầu không. Bằng cách đó, trẻ sẽ có trách nhiệm giải trình và hiểu rõ sự nghiêm túc về việc tuân thủ yêu cầu.

Kiểm tra sự hiểu biết

Nếu trẻ không bắt tay vào làm những gì được yêu cầu hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, phụ huynh hãy bình tĩnh hỏi: “Cha/mẹ đã yêu cầu con làm gì?”. Hãy chắc chắn rằng, trẻ hiểu rõ về những gì cha mẹ mong đợi. Nếu trẻ có thể nói chính xác, phụ huynh hãy đáp lại: “Tốt lắm, bây giờ hãy bắt tay vào việc”.

Khen ngợi sự nỗ lực

Nếu trẻ làm theo những gì được yêu cầu, cha mẹ hãy nói rằng, con đã làm rất tốt. Đồng thời, bày tỏ sự đánh giá cao về hành động của trẻ. Việc đưa ra lời khen có thể giúp củng cố hành vi này một cách lâu dài ở trẻ.

Hãy nhất quán và làm theo

Nếu trẻ thể hiện sự giận dữ và có thái độ thách thức hơn dù yêu cầu của cha mẹ hợp lý, đã đến lúc phụ huynh phải đưa ra hậu quả. Hãy kiên định và nhất quán về các hậu quả. Bởi, đó là chìa khóa để trẻ biết rằng, cha mẹ nghiêm túc khi đưa ra yêu cầu.

“Những bước này có vẻ không hiệu quả trong vài lần đầu tiên áp dụng. Tuy nhiên, các phụ huynh hãy kiên trì. Sau cùng, cả cha mẹ và con sẽ quen với phương pháp này. Phụ huynh sẽ giỏi hơn trong việc diễn đạt các yêu cầu của mình một cách chắc chắn và có chủ đích ngay lần đầu tiên. Trong khi đó, trẻ sẽ hiểu rằng, cha mẹ không yêu cầu chúng một cách tùy tiện hoặc vô lý”, bà Ann-Louise T. Lockhart chia sẻ.

Theo Verywellfamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ