Khiến con hào hứng làm việc nhà

GD&TĐ - Không dễ dàng để giao việc nhà cho trẻ. Vì thế, cha mẹ cần có “chiêu” để con hào hứng và làm việc thật hiệu quả.

Cha mẹ cần có “chiêu” để trẻ hào hứng khi được giao việc nhà. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần có “chiêu” để trẻ hào hứng khi được giao việc nhà. Ảnh minh họa

Cho con quyền được chọn

Cô Lê Thu Trang, giảng viên tâm lý Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, trẻ nhỏ thường rất thích được nghe những câu mang tính trao quyền hơn là sự ra lệnh. Chẳng hạn, nếu muốn con dọn bàn ăn, đừng hét lên “dọn cơm đi”. Thay vào đó, có thể nói: “Bố mẹ cần sự giúp đỡ của con”.

Có những gia đình sử dụng danh sách công việc nhà và bàn giao trách nhiệm cho các thành viên một cách công bằng. Theo đó, cha mẹ có thể tạo một biểu đồ với ba cột: Danh sách công việc, thời hạn kết thúc, và cột ghi chú đã hoàn tất hay chưa. Bên dưới danh sách công việc có thể là chia làm hai loại, việc hàng ngày và việc hàng tuần.

Tuy nhiên, cũng như người lớn, nên để trẻ thoải mái trong hạn mức của công việc thay vì deadline dồn dập. Điều này bảo đảm trẻ vẫn thoải mái làm việc cá nhân và hoàn thành nhiệm vụ lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự cam kết và điều kiện bảo đảm.

Cha mẹ cũng cần giao việc cụ thể cho con. Chẳng hạn, với nội dung “dọn phòng của con”. Việc này vẫn mang tính chung chung, thực sự mơ hồ và có thể được ngụy biện theo nhiều cách. Thay vào đó, người lớn nên ghi rõ ràng bằng những hành vi cụ thể như: “Cất quần áo vào trong tủ, đặt sách lên kệ, cất hết đồ chơi vào trong giỏ, dọn rác trong phòng...” thì sẽ hiệu quả hơn.

Cô Trang cũng cho rằng, người lớn khi bàn giao công việc nên ở thái độ nhẹ nhàng. Điều này cũng khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn và không ghét việc này. Vì thế, cha mẹ cần chỉ bảo từng bước nhưng đừng bảo con sẽ làm như thế, mà nói cách mẹ làm như thế này, con có thể học theo. Sau đó, để con giúp vài ba khâu. Một khi con bạn đã chuyên nghiệp, hãy yên tâm để trẻ tự thể hiện.

Đặc biệt là với trẻ nhỏ, đừng chờ đợi cho đến khi công việc được hoàn tất để ca ngợi. Cha mẹ hãy đem lại nguồn cổ vũ cho một đứa trẻ trong lúc con làm việc. Điều này sẽ khích lệ chúng trở lên tự tin hơn.

Tung chiêu thích hợp

Cô Lê Thu Trang cho rằng, mỗi cha mẹ cần có “chiêu” để giao việc nhà cho trẻ thật hiệu quả. Bởi chính cha mẹ là người hiểu con cái nhất.

Cô Trang gợi ý, người lớn cần biến công việc nhà thành các trò chơi. Thay vì quát mắng trẻ: “Con hãy cất dọn đồ chơi ngay” thì cha mẹ hãy nghĩ tới việc biến chúng thành trò chơi “cả nhà cùng thi xem ai cất được đồ chơi nhiều nhất”. Hoặc: “Con cất đồ chơi và mẹ đi tắm xem ai làm xong trước?”. Khi công việc này biến thành các trò chơi trẻ sẽ hào hứng tham gia và hoàn thành tốt hơn.

Hơn nữa, người lớn đừng coi việc nhà là một hình phạt. Nhất là khi trẻ làm sai điều gì sẽ phạt bằng cách dọn nhà, cọ nhà vệ sinh... Nếu trẻ luôn được nghe những câu như: “Hôm nay con hư nên con phải tự dọn dẹp quần áo của mình” thì việc dọn dẹp đó sẽ trở thành hình phạt mà trẻ đang phải thực hiện chứ không phải công việc trẻ muốn thực hiện. Hãy nói với con: “Con đã lớn rồi và sẽ được tự xếp quần áo vào tủ theo ý của con.”

Đặc biệt, khi trẻ còn lúng túng và chưa biết cách làm đúng cha mẹ hãy làm cùng con. Qua đây trẻ sẽ học được cách làm đúng để lần sau có thể tự làm một mình. Cha mẹ nên lưu ý là làm cùng chứ không làm thay. Trẻ sẽ khó có kĩ năng nếu chỉ đứng nhìn và nghe cha mẹ hướng dẫn cách làm.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên nhớ, “chiêu thức” tối kị khi giao việc cho con là chê bai và thiếu kiên nhẫn. Ai cũng cần có lần đầu tiên vụng về và lóng ngóng. Trẻ cũng vậy, sẽ mất 1 lần hoặc nhiều hơn để trẻ có thể làm tốt công việc. Đừng chê bai khi trẻ chưa làm tốt.

Đồng thời cũng khéo léo tránh sự có mặt của trẻ khi cha mẹ cần làm lại công việc trẻ vừa làm để trẻ không tự ti ở những lần sau. Hãy quét lại nhà khi bé đã đi vào phòng hoặc giải thích với bé rằng: “Mẹ lại vừa làm bẩn” khi bé nhìn thấy bạn quét lại nhà. Và cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi, cho con thời gian khi thực hiện vì mọi thói quen tốt đều cần một quá trình hình thành dài ngày.

Ngoài ra, trẻ sẽ chẳng còn hào hứng nếu những cố gắng của trẻ không được ghi nhận một cách cụ thể. Mỗi khi trẻ giúp cha mẹ việc gì nhỏ cha mẹ hãy luôn tỏ ra ghi nhận sự đóng góp của trẻ. Hôm nay, có con giúp nên mẹ cảm thấy đỡ mệt hơn khi dọn nhà…

“Một điều cần lưu ý nữa khi cùng trẻ làm việc nhà là đừng bao giờ cha mẹ lấy vật chất làm phần thưởng sau khi bé giúp mẹ làm việc nhà. Điều này sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực cho trẻ khi làm việc nhà. Đó là con làm vì phần thưởng chứ không phải vì mong muốn giúp đỡ cha mẹ và cảm thấy mình có trách nhiệm trong công việc này. Đến lúc nào đó, trẻ sẽ đưa ra từ chối khi không muốn làm”, cô Trang lưu ý.

Cô Trang cũng chia sẻ, có nhiều cách để việc nhà trở nên thú vị. Cha mẹ chỉ cần bỏ chút công sức và dành thời gian để cùng con thực hiện. Một số gợi ý khiến trẻ thích thú. Đó là cha mẹ có thể cắt các vòng tròn kích cỡ khác nhau bằng bìa cứng. Dùng đinh ghim gắn vào lượng công việc và số “nhân công”. Trẻ nhìn vào đó có thể nhắc việc “ngày mai đến mẹ dọn nhà”…

Hoặc, cũng có thể sử dụng phân công việc nhà kiểu cắm cờ. Đó là cha mẹ sử dụng que kem hay que đè lưỡi mua ở hiệu thuộc, gắn các mẩu giấy làm cờ. Trên đó, ghi tên việc nhà muốn trẻ làm. Sau đó, cắm cờ vào những vị trí con cần dọn dẹp. Hoặc cũng có thể cho cờ vào cốc đựng yêu cầu việc nhà mỗi ngày cho con.

Thậm chí, có thể dùng việc nhà để “bốc thăm”. Phân công việc nhà kiểu này giúp thay đổi không khí, tạo cảm giác bất ngờ, hồi hộp. Người lớn có thể ghi tên việc nhà vào các mẫu giấy, cho vào mũ/hộp/rổ… để mỗi thành viên trong nhà tự bốc thăm. Áp dụng vào ngày nghỉ cuối tuần, cả nhà sẽ cùng làm hết sức để sau đó được thảnh thơi nghỉ ngơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ