Bí quyết giao việc nhà phù hợp với trẻ

GD&TĐ - Những công việc nhỏ trong gia đình đều có ý nghĩa đối với trẻ. 

Tuỳ từng độ tuổi của trẻ để giao việc nhà cho phù hợp.
Tuỳ từng độ tuổi của trẻ để giao việc nhà cho phù hợp.

Ngoài nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, trẻ cũng muốn chúng là những người có ích với gia đình và bạn bè.

Thấy mình có thẩm quyền

Với trẻ, những việc nhỏ có tác dụng mang lại cảm giác mình có thẩm quyền. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ hiểu những việc thường xuyên xuất hiện trong nhà. Đồng thời, tạo cho trẻ những thói quen tốt về thái độ đối với công việc.

Cô Nguyễn Phương Thảo, giáo viên Trường Mầm non song ngữ Anh Quốc (Hà Nội) cho biết, giao việc cho trẻ sẽ giảm bớt quá trình rèn luyện lúc trưởng thành. Việc thiếu trách nhiệm đối với các công việc nhỏ sẽ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ lúc lớn.

Theo cô Thảo, có rất nhiều sai lầm phụ huynh thường mắc phải khi giao việc nhà cho trẻ, nhất là đòi hỏi hoàn hảo ngay từ đầu.

Ví dụ, thấy con lau bàn vẫn còn vết bẩn thì khó chịu và khó kiên nhẫn để chỉ bảo lại. Bởi nhiều mẹ nghĩ “thời gian nhắc việc thà mình làm một loáng là xong” và từ lần sau không cho con làm nữa.

Chắc chắn, khi con bạn 5 tuổi, việc gấp khăn hoặc lau quầy bếp có thể không gọn gàng như mong đợi. Tuy nhiên, khi bạn làm việc nhà cho trẻ em, dù chúng ở độ tuổi nào, là đang làm mất đi cảm giác thấy mình có ích và có thể tự hoàn thành nhiệm vụ của trẻ.

Hãy chấp nhận rằng cách trẻ làm việc nhà sẽ không hoàn hảo, nhưng chúng sẽ trở nên tốt hơn. Với mỗi thành tích, hãy ghi nhận sự tham gia và đóng góp của con. Bằng cách để con tự làm những việc nhỏ, bạn đang giúp con tự gánh vác những việc lớn trong tương lai.

Thực tế, trẻ con có thể làm được nhiều việc hơn chúng ta nghĩ, từ việc quét nhà, tưới cây, phơi, cất quần áo hay rửa bát, lau dọn bếp... nhưng người lớn thường nghĩ “đợi ít nữa lớn thì giao việc”.

Công việc nhà không nên là tùy ý hoặc có thể thương lượng, bất kể bạn sống ở đâu, vì lý do gì. Bỏ qua các lý do trì hoãn như: “Con sẽ làm việc đó sau”, “Không công bằng”, “Con có quá nhiều bài tập về nhà”...

Cô Thảo cho rằng, người lớn giao việc nhà cho trẻ càng sớm càng tốt. Tự lập, làm các công việc cơ bản như dọn phòng, nấu ăn, lập ngân sách chi tiêu… là một số kỹ năng cần phải có. Đây cũng là những kỹ năng cần thiết nhưng trường học chưa thể giúp con trang bị đầy đủ nên cha mẹ có thể giao việc tại nhà để rèn luyện.

Những công việc cá nhân ảnh hưởng đến con như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng, giặt quần áo… có thể giúp con trở nên tự chủ và tự tin hơn.

Các thành viên đều có trách nhiệm với gia đình và với thành viên khác thông qua công việc chung. Vì thế, thông qua việc nhà, con sẽ học được cách hỗ trợ, liên kết và những hậu quả xảy ra khi các thành viên không đáp ứng được kỳ vọng của nhau. Qua đó, giúp trẻ biết cảm thông, đặt mình vào vị trí của người khác và những lỗi lầm sẽ dễ được tha thứ hơn.

Người lớn có thể đưa tất cả công việc vào một cuốn nhật ký và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Đây không chỉ là cách giúp trẻ làm việc nhà một cách khoa học mà còn giúp con xây dựng thói quen tốt. Đồng thời, biết cách sắp xếp thời gian học bài, vui chơi và giúp đỡ mọi người.

Độ tuổi và việc nhà phù hợp với trẻ

Từ 2 tuổi, con đã hiểu và nhận thức được những lời cha mẹ nói nên hoàn toàn có thể bắt đầu dạy con từ những việc đơn giản nhất như thu dọn đồ chơi, vứt rác đúng nơi quy định, tự đánh răng, đi vệ sinh, bày khăn giấy… Cha mẹ nên tập cho con làm việc nhà ngay từ thời điểm này. Bởi vì con đang cảm thấy thú vị với việc giúp đỡ và dễ đón nhận bài học hơn.

Người lớn cần hiểu, giá trị của việc dạy con làm việc nhà không phải là giúp cha mẹ hoàn thành công việc, mà chính là tạo thói quen giúp đỡ và tinh thần trách nhiệm cho con.

Đối với trẻ từ 2 - 4 tuổi, làm việc nhà giống như một trò chơi mới mẻ. Con rất thích được nhờ giúp đỡ, được công nhận và khen ngợi. Vì vậy người lớn nên “khai thác” điều đặc biệt này bằng cách dạy trẻ những công việc nhà đơn giản, dễ dàng. Khi con lớn hơn, hãy hướng dẫn con thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn và bắt đầu tự lập.

Chuyên gia cho rằng, kỹ năng giao việc nhà hiệu quả chính là “đúng người đúng việc”. Tức là công việc phải phù hợp với lứa tuổi và tính cách của trẻ. Không nên để con làm việc nhà quá khó, cũng không nên giao những việc nhà nguy hiểm liên quan đến dao sắc, đồ dễ vỡ… Con sẽ nản lòng và sợ hãi, không muốn tiếp tục làm nó lần thứ hai.

Theo đó, cô Nguyễn Phương Thảo khuyên rằng, với trẻ từ 2 - 3 tuổi, người lớn có thể hướng dẫn con cất đồ chơi, đổ thức ăn cho chó mèo, cất quần áo vào tủ, lau vết bụi, cất sách báo đúng quy định.

Trẻ từ 4 - 5 tuổi có thể cộng thêm việc lau bàn, nhổ cỏ dại, nhặt và vứt rác bẩn đúng chỗ, tưới cây. Trẻ từ 6 - 7 tuổi có thể cộng thêm việc sắp xếp đồ giặt, quét nhà, và lau dọn bàn, quét lá ngoài vườn, giữ phòng ngủ gọn gàng, trang trí nhà cửa cùng bố mẹ.

Trẻ từ 8 - 9 tuổi có thể được hướng dẫn cách vận hành máy giặt, đi mua đồ lặt vặt, quét và lau nhà, phụ giúp mẹ làm bữa tối, lau bàn sau bữa ăn, dắt chó mèo đi dạo. Trẻ từ 10 tuổi trở lên có thể biết giặt quần áo, kỳ cọ phòng tắm, lau cửa sổ, lau bếp và phòng ăn, phụ rửa xe, trông em khi có người lớn trong nhà, tự bố trí giường ngủ, làm những món ăn đơn giản…

Giao việc nhà cho trẻ có thể giúp con chia sẻ sự vất vả với người lớn. Con sẽ có thể nhận thức rõ hơn về những rắc rối hay mớ hỗn độn chúng gây nên sau khi chơi đồ chơi, hoặc sự vất vả của ông bà cha mẹ nếu chúng được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà… Qua đó, con biết tôn trọng, giúp đỡ người khác và thêm yêu quý lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ