Hình thành khái niệm ban đầu về các hình
Để dạy tốt dạng toán này, cô Nguyễn Thị Kim Liên, Trường tiểu học Tề Lỗ (Vĩnh Phúc) cho rằng, trước tiên, giáo viên cần hình thành khái niệm ban đầu về các hình hình học cho học sinh.
Ví dụ: Khái niệm ban đầu về góc (góc nhọn, góc tù, góc bẹt); về hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song; về hình bình hành, hình thoi.
Khi dạy học các nội dung trên, giáo viên cần lưu ý:
Yêu cầu hình thành khái niệm ban đầu về các hình hình học trong Toán 4 mới ở mức độ hình thành các biểu tượng về hình học là chủ yếu.
Ví dụ: Giáo viên chỉ vào “hình ảnh” một góc nhọn đã vẽ sẵn trên bảng rồi giới thiệu “đây là góc nhọn”; hoặc xuất phát từ hình ảnh hai cạnh đối diện của hình chữ nhật (kéo dài) để có biểu tượng về hai đường thẳng song song; từ hình ảnh cặp cạnh vuông góc với nhau của hình chữ nhật (kéo dài) để có biểu tượng về hai đường thẳng vuông góc,…
Giáo viên có thể cho học sinh thông qua quan sát các hình ảnh trực quan (đồ dùng dạy học), các hình ảnh có trong thực tế (góc tạo bởi hai kim đồng hồ, tạo bởi hai cạnh của compa, ê ke, …; hình ảnh các chấn song cửa sổ song song với nhau, các cặp cạnh của khung ảnh, khung cửa sổ vuông góc, song song với nhau,… ) để củng cố các biểu tượng về hình hình học. Đồng thời, đưa ra các hoạt động thực hành để hình thành các biểu tượng về một hình học.
Dạy về góc nhọn, góc tù, góc bẹt
Theo cô Nguyễn Thị Kim Liên, ở lớp 4 các biểu tượng về góc nhọn, góc tù, góc bẹt được học sâu hơn. Ví dụ : Nêu một đặc điểm (một dấu hiệu nhận biết) về góc (góc nhọn bé hơn góc vuông, góc tù lớn hơn góc vuông, góc bẹt bằng hai góc vuông).
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh giới thiệu “góc nhọn, góc tù, góc bẹt” trong Toán 4 theo các hoạt động sau :
Giới thiệu góc nhọn: Giáo viên cho học sinh quan sát hình vẽ góc nhọn (trên bảng hoặc bảng phụ ) rồi giới thiệu “đây là góc nhọn”, “góc nhọn đỉnh O, cạnh OA, OB”.
Giáo viên cho học sinh nêu ví dụ “hình ảnh”góc nhọn có trong thực tế, chẳng hạn: Góc nhọn tạo bởi hai kim đồng hồ, góc nhọn tạo bởi hai cạnh lá cờ đuôi nheo, cái ê ke có hai góc nhọn và một góc vuông…
Giáo viên “áp” góc vuông của ê ke vào góc nhọn (như sách giáo khoa) để học sinh quan sát rồi nhận ra: Với hình ảnh đó, ta biết được góc nhọn bé hơn góc vuông.
Cuối cùng có thể cho học sinh tự vẽ vào vở (giấy nháp) một số góc nhọn rồi tự đọc lên mỗi góc đó.
Dạy về hai đường thẳng vuông góc
Cô Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ cách giáo viên giúp học sinh giới thiệu về hai đường thẳng vuông góc:
Giáo viên vẽ hình chữ nhật ABCD, nhấn mạnh hai cạnh BC và DC là hai cạnh có góc vuông đỉnh C (dùng ê ke để xác nhận điều đó).
Kéo dài cạnh BC và cạnh DC về hai phía rồi tô màu hai cạnh BC và DC đã kéo dài đó. Cặp đường thẳng BC và DC cho ta hình ảnh hai đường thẳng vuông góc với nhau.
Dùng ê ke để vẽ hai đường thẳng vuông góc nào đó (tách ra khỏi hình chữ nhật), rồi cho biết hai đường thẳng vuông góc đó tạo thành bốn góc vuông.
Giáo viên cho học sinh nhận biết hình ảnh hai đường thẳng vuông góc với nhau có trong thực tế. Ví dụ: Hai cạnh của góc bảng đen vuông góc với nhau; hai đường mép cắt nhau của một bìa quyển sách vuông góc với nhau; hai kim đồng hồ chỉ lúc 3 giờ đúng nằm trên hai đường thẳng vuông góc với nhau.
Để học sinh có sự sáng tạo và tư duy tốt trong quá trình nhận biết hai đường thẳng vuông góc với nhau, giáo viên có thể làm như sau:
Dạy về hai đường thẳng song song
Nhằm phát huy sự sáng tạo về dạng toán Hai đường thẳng song song, theo cô Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên cần hướng học sinh đến tư duy: Hai đường thẳng song song là hai cạnh đối diện của hình chữ nhật được kéo dài về hai phía. Nội dung dạy học đó có thể thực hiện như sau:
Vẽ hình chữ nhật ABCD, lưu ý góc A vuông, góc D vuông (đánh dấu góc vuông trên hình vẽ ).
Kéo dài về hai phía cạnh AB và cạnh DC (tô màu hai đường thẳng AB, DC đã kéo dài).
Ta có hai đường thẳng AB và DC song song với nhau (hai đường thẳng song song không bao gời cắt nhau).
Quan sát trực quan (tách rời hình chữ nhật) hai đường thẳng song song nào đó, chẳng hạn: Đường thẳng MN và PQ song song với nhau, rồi giới thiệu: Đây là hai đường thẳng song song.
Giáo viên cho học sinh nhận biết hình ảnh hai đường thẳng song song với nhau có trong thực tế. Ví dụ: Hai chấn song cửa sổ song song với nhau; hai cạnh đối diện của bảng lớp học hình chữ nhật song song với nhau; hai đường ray tàu hỏa song song với nhau,…
Học sinh tự sáng tạo và vẽ vào giấy kẻ ô li (hoặc giấy có kẻ ô vuông) hai đường thẳng song song (dựa vào các đường kẻ song song có trong giấy ô li như là hai cạnhcủa hình chữ nhật được kéo dài ra).
Ở mức độ ban đầu có thể quan sát trực giác, nhận dạng tổng thể để nhận ra hai đương thẳng song song .
Dạy khái niệm ban đầu về hình bình hành, hình thoi
Cô Nguyễn Thị Kim Liên cho biết: Trong chương trình Toán 4, mức độ chỉ là giới thiệu hình bình hành, giới thiệu hình thoi. Học sinh bước đầu làm quen với biểu tượng hình bình hành, hình thoi thông qua các hình ảnh thực tế (hình ảnh các hình được trang trí bởi các đường thẳng song song ). Học sinh nhận biết hình chủ yếu ở các dạng tổng thể, trực giác .
Tri thức mới hình thành cho học sinh cần có sự kiểm nghiệm kết quả qua nhiều học sinh khác nhau. Giáo viên yêu cầu học sinh hợp tác theo nhóm nhỏ để tổ chức hoạt động dạy học và đạt được hiệu quả cao nhất.
Những lưu ý chung
Áp dụng phương pháp giảng dạy các yếu tố hình học trong Toán 4 nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, cô Nguyễn Thị Kim Liên lưu ý:
Giáo viên cần chuẩn bị các kiến thức gần gũi, cần thiết cho học sinh; thường xuyên tổ chức các hình thức dạy học phong phú nhằm thu hút sự sáng tạo của các em.
Tập cho học sinh có kĩ năng tự phân tích đề bài, tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả bài làm của mình, tập đặt câu hỏi gợi mở cho các bước giải trong bài toán.
Khuyến khích, động viên và gần gũi những em học yếu môn Toán. Nên động viên, tạo niềm tin để học snh đưa ra phương pháp giải hợp lí, chính xác.
Phải coi việc làm và giải toán là cả một quá trình, không hấp tấp, vội vã mà phải kiên trì.
Khi hướng dẫn học sinh giải bài toán có liên quan đến yếu tố hình học ở tiểu học cần chú ý: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu kỹ đề bài.
Tìm hiểu cách giải mới, độc đáo, hữu hiệu, xác định chuẩn các kiến thức có liên quan đến bài toán như công thức tính chu vi, diện tích, kĩ thuật tính toán, đổi đơn vị đo…
Khi vẽ hình cần đảm bảo tính chính xác, thao tác vẽ hình đúng và phải đảm bảo phù hợp với tư duy học sinh.
Yêu cầu từ dễ đến khó về đặt lời cho từng phép tính và cách phân tích; đối với học sinh giỏi yêu cầu ở mức khó hơn.
Khi dạy thực hành luyện tập, giáo viên cần lưu ý giúp mọi học sinh đều tham gia vào hoạt động thực hành, luyện tập theo khả năng của mình.