Giúp học sinh tiểu học học tốt Toán hình

GD&TĐ - Trong chương trình Toán lớp 3, cùng với kiến thức số học, giải toán có lời văn thì mạch kiến thức hình học giúp các em phát triển năng lực trí tuệ, trí tưởng tượng không gian.

Giúp học sinh tiểu học học tốt Toán hình

Khi học các yếu tố hình học, học sinh phải nhận biết các góc từ trực quan hình ảnh, vẽ được góc bằng thước thẳng và ê ke, nhận biết góc vuông, góc không vuông; nhận biết các yếu tố của hình (góc, cạnh và đỉnh) và đặc điểm của hình chữ nhật, hình vuông;

Dựa vào đặc điểm về cạnh, góc của hình chữ nhật, hình vuông hình thành cách tính chu vi, diện tích hình chữ nhật, hình vuông và bước đầu ứng dụng vào thực tế;

Phân biệt điểm ở giữa, trung điểm của đoạn thẳng; biết sử dụng com pa để vẽ hình tròn và nắm được tâm, bán kính, đường kính, hình tròn, thực hành vẽ và trang trí hình tròn.

Từ những kiến thức trên học sinh ứng dụng vào việc nhận dạng hình, ghép hình, vẽ hình và giải toán có lời văn liên quan đến các yếu tố hình học.

Một số tồn trại trong dạy học hình học ở tiểu học

Qua quá trình giảng dạy, qua dự giờ thăm lớp đồng nghiệp cùng với việc tìm hiểu nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài soạn, cô Lê Thị Mười (Trường Tiểu học Ái Thượng, Bá Thước, Thanh Hóa) nhận thấy, phần thực hành của học sinh chưa đạt hiệu quả cao, một số em thao tác vẽ hình còn chậm; chưa biết cách sử dụng ê ke, com pa để vẽ hình hoặc vẽ hình chưa chính xác.

Các em cũng chưa thật nắm chắc đặc điểm của một số hình: Hình vuông ( có 4 góc vuông và có 4 cạnh bằng nhau), hình chữ nhật ( có 4 góc vuông và có hai cạnh dài bằng nhau, hai cạnh ngắn bằng nhau).

Bên cạnh đó, tính thực tế của học sinh còn hạn chế. Việc phát hiện những đồ vật có dạng hình học còn chậm.

Một số giáo viên còn coi nhẹ kiến thức, chưa nghiên cứu kĩ bài trước khi đến lớp, đôi khi chưa xác định chính xác nội dung bài dạy cần truyền đạt tới đâu, giới hạn kiến thức ở mức độ nào, đâu là kiến thức trọng tâm của bài... Đôi lúc còn yêu cầu quá cao đối với các em (vượt ra ngoài trình độ chuẩn).

Ví dụ: Khi dạy biểu tượng về góc, một số giáo viên đã yêu cầu học sinh nắm khái niệm về góc. Trong khi đó mục tiêu của bài chỉ cần học sinh có biểu tượng về góc qua hỉnh ảnh hai kim đồng hồ tạo thành góc, từ đó nhận biết, nêu tên góc vuông, góc không vuông; kiểm tra góc vuông bằng ê ke.

Hay khi dạy về hình tròn đã yêu cầu học sinh xác định khái niệm hình tròn, đường tròn mà thực tế ở lớp 3 chỉ giới thiệu cho học sinh nhận dạng hình tròn cùng với tâm, bán kính, đường kính của nó.

Khi hướng dẫn học sinh thực hành, giáo viên đã hướng dẫn các em cách sử dụng đồ dùng để vẽ hình hoặc vẽ góc vuông.... Song chỉ hướng dẫn một cách qua loa, chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến các em không nắm chắc cách vẽ và vẽ chưa đúng.

Với loại bài luyện tập hoặc thực hành, giáo viên còn coi nhẹ việc cho học sinh được hoạt động ( tự vẽ, xếp, ghép hình, tính toán tìm ra kết quả …), đôi khi còn làm thay các em.

Quá trình hình thành biểu tượng ban đầu của một số yếu tố hình học như biểu tượng về góc vuông, góc không vuông còn hạn chế, cứng nhắc.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục những hạn chế nói trên, Cô Lê Thị Mười cho rằng, trước hết, khi dạy các yếu tố hình học, giáo viên cần phải xác định được nội dung chương trình, các kiến thức hình học, phương pháp dạy học, kiến thức cần đạt ở mỗi dạng bài. 

Đồng thời cần chú ý đến biểu tượng về hình, các kĩ năng nhận dạng hình, vẽ hình kết hợp với việc rèn óc quan sát và trí tưởng tượng về hình học cho các em.

Cùng với đó, phân loại dạng bài, tìm cách dạy cho từng dạng bài sao cho hợp lý, giúp các em dễ hiểu, nắm kiến thức mới một cách tự nhiên, thoải mái và chắc chắn. Từ đó các em vận dụng kiến thức mới vào luyện tập thực hành một cách linh hoạt.

Khi giới thiệu về biểu tượng hình học, giáo viên cần liên hệ thực tế qua việc lấy thêm các đồ vật khác ngoài sách giáo khoa để giới thiệu cho phong phú, bớt phần cứng nhắc, dập khuôn máy móc.

Khi hướng dẫn học sinh thực hành sử dụng các đồ dùng học tập để vẽ hình, vẽ góc vuông, hay kiểm tra góc vuông...., giáo viên cần tiến hành theo các bước sau:

Trước tiên, cho học sinh biết về đồ dùng, cách sử dụng đồ dùng đó như thế nào. Khi hướng dẫn thao tác mẫu, giáo viên cần hướng dẫn từ từ, cụ thể, rõ ràng từng bước để các em quan sát, nắm vững cách vẽ.

Sau khi hướng dẫn xong, giáo viên cho học sinh thao tác lại trên hình mẫu giáo viên vừa làm.

Cuối cùng cho học sinh thực hành vẽ hình, vẽ góc vuông hay kiểm tra góc vuông....

Giáo viên cũng cần lựa chọn cách tổ chức dạy học phù hợp đối với từng dạng bài.

Cụ thể: Đối với dạng bài giới thiệu về biểu tượng, khái niệm hoặc nhận dạng hình học, giáo viên tổ chức dạy học bằng cách khai thác từ tính trực quan tổng thể đến cụ thể chi tiết để học sinh nắm vững và sâu sắc hơn về khái niệm.

Ví dụ: Bài Hình vuông, Hình chữ nhật. Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận dạng hình qua các yếu tố cạnh, góc bằng cách thực hành đo đạc, kiểm tra. 

Hay khi dạy khái niệm diện tích và đo diện tích, giáo viên cho học sinh đo rồi rút ra quy tắc tính, có thể liên hệ tới việc đếm số ô vuông trong các hình đã được học trước đó,…sau đó tổng hợp đưa ra công thức tính cụ thể.

Trong quá trình dạy, giáo viên sử dụng đồ dùng trực quan hoặc gắn với các đồ vật trong thực tế có hình dạng hình học phù hợp để học sinh có biểu tượng hình học phong phú và nhận biết được hình đó một cách nhanh chóng.

Ví dụ khung ảnh, con tem, tờ giấy, … có dạng hình chữ nhật; viên gạch bông, mặt quân súc sắc, khăn mùi soa có dạng hình vuông,…; mặt đồng hồ treo tường, miệng rổ, miệng nón có dạng hình tròn, …; hình ảnh 2 kim đồng hồ, 2 cánh quạt trần tạo thành một góc; ê ke hoặc thước thợ mộc giúp học sinh làm quen với góc vuông....).

Hướng dẫn học sinh liên hệ khái niệm, kiến thức đã học với khái niệm, kiến thức mới. Bên cạnh đó, cần phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh khi củng cố hiểu biết về hình dạng các hình đã học thông qua việc quan sát, lựa chọn trong tập hợp gồm nhiều hình (hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác, hình tứ giác, hình tròn) hoặc hình có các góc vuông và góc không vuông.

Với bài luyện tập hoặc nội dung thực hành, giáo viên cho học sinh được chủ động vẽ, xếp, ghép hình, tính toán để tìm ra kết quả…. Tránh áp đặt hoặc làm thay học sinh.

Sau khi làm một số bài tập luyện tập thực hành có tính chất làm mẫu, giáo viên nên đưa thêm các bài tập khác khi củng cố bài ( nếu còn thời gian) hoặc khi dạy buổi 2 sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh để tạo hứng thú học tập cho các em, đặc biệt là những em khá, giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.