Vật lý là môn khó lấy điểm cao nên những gợi ý của GV có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp HS ôn tập hiệu quả để “ẵm trọn” điểm 10.
“Gốc chắc, rễ khỏe”
Cô Nguyễn Thị Thủy, GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Điện Biên) có nhiều năm kinh nghiệm trong dạy học và ôn luyện môn Vật lý. Các thế hệ học trò qua bàn tay dìu dắt của cô đã gặt hái được nhiều thành công ở mỗi mùa thi.
Theo cô Thủy, để có kiến thức tốt ở môn Vật lý, HS cần phải nắm vững, thuộc làu những kiến thức mang tính nền tảng. Nó được coi như phần gốc và bộ rễ của một cái cây.
“Toàn bộ kiến thức môn học này nằm ở 7 chương, trong đó chương I là nền tảng. HS phải thuộc kiến thức cơ bản ở chương này mới học được các chương tiếp theo. Vì vậy, “gốc chắc, rễ khỏe” cây mới có thể phát triển được”, cô Thủy chia sẻ.
Cô Thủy cũng cho biết: Để HS học tốt môn Vật lý, vấn đề cốt lõi nằm ở phương pháp truyền thụ của GV.
“Phương pháp dạy là yếu tố quan trọng. GV phải làm sao đưa ra cách học tốt nhất, HS mới có kết quả học tập như ý. Phương pháp dạy học của tôi là: Nhớ đủ công thức, song HS lại làm được nhiều bài tập, hệ thống được kiến thức tốt, đầy đủ các dạng.
Ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, việc ôn luyện kiến thức cho HS trước mỗi kỳ thi được chia hai giai đoạn, đó là: Chuyên đề và ôn luyện đề. Theo cô Thủy, thời gian luyện đề quan trọng hơn và cần nhiều thời gian cho giai đoạn này.
“Sau khi rút ra được kinh nghiệm qua mỗi mùa thi, tôi điều chỉnh, nhận thấy điểm thi của HS cao hơn bởi đã tăng thời gian luyện đề”, cô Thủy bộc bạch.
Nhớ ít, làm nhiều
So sánh với môn Hóa, Toán, Vật lý có nhiều công thức hơn. Bởi vậy, cô Thủy cho rằng chỉ có những bộ óc “siêu đẳng” mới có thể ghi nhớ toàn bộ các công thức ở môn học này. Vì thế cô chỉ cho HS của mình ghi nhớ những công thức căn bản, nền tảng thông qua “mẹo” nhỏ.
“Ví dụ với công thức: (T bằng 2 pi căn bậc 2 của M trên K) tôi thường đùa với HS rằng hãy ghi nhớ câu “Tiền mua kẹo”. Bằng phương pháp này, các em sẽ nhớ lâu hơn. Và từ công thức này, HS phải phát triển ra các công thức khác khi gặp dạng bài khác. Kinh nghiệm này tôi áp dụng từ cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!”, cô Thủy chia sẻ.
Theo cô Thủy, trên thực tế không phải công thức nào cũng có thể vận dụng một cách hài hước như vậy, song với mỗi dạng kiến thức cô đều liên hệ đến thực tiễn để làm sao HS có thể dễ tiếp thu và vận dụng hiệu quả nhất.
Từ những kiến thức nền tảng, cô Thủy hướng dẫn cho HS làm các bài mẫu, còn lại chủ yếu khơi gợi tư duy sáng tạo, vận dụng để các em có nền tảng kiến thức bền vững.
“Tôi để HS tự làm là chính. Cô giáo chỉ trợ giúp từng HS nếu gặp khó khăn. Tuyệt đối không giảng ào ào từng bài toán một vì làm như vậy sẽ không đạt hiệu quả cao. Với những dạng bài nhiều thế hệ HS đều gặp khó, GV mới giảng cho tất cả cùng nghe và rút kinh nghiệm chung”, cô Thủy nói.
Với những kinh nghiệm rút ra, cô Thủy hệ thống toàn bộ chương trình ôn luyện thi tốt nghiệp THPT chỉ gói gọn trong 50 trang vở. Trong quá trình làm bài, tôi yêu cầu lời giải của HS phải cô đọng, dễ hiểu: 2/3 trang A4 là đề bài, 1/3 trang bên cạnh là phần giấy trắng để các em viết cách giải. Như vậy, HS không được viết quá nhiều, không lan man, phương pháp ngắn gọn để có thể giải được nhanh 40 câu trong 50 phút của đề thi.
Để “ẵm” trọn điểm cao
Qua nhiều năm nghiên cứu và trực tiếp tổ chức ôn luyện cho HS, cô Thủy nhận thấy đề thi minh họa trước mỗi kỳ thi với môn Vật lý có mức độ khó ít hơn so với đề thi thật. Nếu HS chỉ tập trung ôn tập vào những dạng bài đơn thuần như đề tham khảo sẽ khó lấy được điểm cao.
“Để có điểm cao, HS phải tập trung ôn tập kỹ kiến thức ở 3 chương khó, gồm: Dao động điều hòa; Sóng cơ học và Dòng điện xoay chiều. Khó nhất là chương Dòng điện xoay chiều. Nói vậy bởi 2 năm gần đây, tôi thấy xu hướng ra đề hay tập trung vào 3 chương này. HS muốn đạt 9, 10 điểm chỉ có cách là học Dòng điện xoay chiều tốt. Điều này liên quan đến biến đổi toán học. Phải nhớ công thức gốc, rồi tự biến đổi”, cô Thủy bày tỏ.
Theo cô Thủy, ở chương Dòng điện xoay chiều có nhiều công thức. Một số GV thường áp dụng phương pháp: Cho HS nhớ công thức để áp dụng khi giải theo từng dạng bài. Song cô Thủy lại làm ngược lại. Cô cho học trò của mình nhớ ít công thức nhất, để từ đó các em tự biến đổi.
“Làm như vậy, HS buộc phải tiết kiệm thời gian khi gặp 6 chương còn lại. Các em phải làm nhanh nhất có thể, tiết kiệm từng giây một. Nổi trội nhất là phương pháp dùng bản đồ vecto nối. Người khác gọi là bản đồ vecto trượt. HS phải tự biến đổi. Làm được như vậy, các em hoàn toàn có thể lấy được điểm cao”, cô Thủy chia sẻ thêm.
Bình luận