Bí quyết đạt điểm cao: Môn Địa lý - Tự tin nhờ kỹ năng sử dụng Atlat

GD&TĐ - Atlat Địa lý là tài liệu học tập không thể thiếu - cuốn sách giáo khoa thứ 2 - với môn Địa lý. Thành thạo kỹ năng sử dụng Atlat vô cùng quan trọng, giúp thí sinh tự tin hơn nhiều khi làm bài thi.

Học sinh Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội).
Học sinh Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội).
Bí quyết đạt điểm cao: Môn Địa lý - Tự tin nhờ kỹ năng sử dụng Atlat ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung

15 câu sử dụng Atlat trong đề tham khảo

Cô Bùi Thị Hậu, giáo viên Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), cho biết: Đề tham khảo môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT năm nay lựa chọn kiến thức trong chương trình Địa lý 11 và 12, loại trừ kiến thức nội dung giảm tải.

Chương trình Địa lý 11 có 2 câu hỏi về kiến thức khu vực Đông Nam Á dưới dạng thực hành kĩ năng. Kiến thức tập trung ở chương trình Địa lý lớp 12 với 48 câu hỏi, trong đó 15 câu sử dụng Atlat, 2 câu kĩ năng thực hành.

Còn lại 31 câu phân chia đều toàn bộ kiến thức: Về tự nhiên - 2 câu, dân cư - 2, kinh tế chung - 1 câu, các ngành kinh tế - 7 câu, các vùng kinh tế - 7 câu chia ra mỗi vùng 1 câu, nội dung biển đảo 2 câu.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ  họa: An Nhiên

Nhận định của cô Bùi Thị Hậu, đề minh họa phân hóa ở các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Số lượng câu hỏi ở cấp độ nhận biết chiếm phần lớn nhưng không quá dễ. Các câu hỏi thông hiểu cũng đòi hỏi thí sinh phải tư duy và hiểu sâu. Những câu hỏi ở mức vận dụng đòi hỏi HS không chỉ có kiến thức, biết suy luận mà còn phải vận dụng hiểu biết thực tế mới có thể làm được.

Từ những phân tích trên, cô Bùi Thị Hậu cho rằng: HS sẽ phải học tập nghiêm túc mới đạt được mức 5 - 6 điểm. Để đạt điểm 8 – 9, thí sinh phải có khả năng tư duy tốt, không chỉ có kiến thức chắc chắn mà còn cần có kinh nghiệm thực tế nhất định. Các em cần tập trung, học hiểu kiến thức thay vì học theo cách ghi nhớ máy móc.

“Dành thời gian nhất định để học cách sử dụng Atlat cũng như luyện các dạng câu hỏi phần Atlat là có thể làm tốt các dạng bài nhận biết và thông hiểu.

Để làm tốt phần vận dụng không chỉ biết tư duy liên hệ các kiến thức với nhau mà phải dành thời gian tìm hiểu các vấn đề thực tế hiện nay”,  cô Bùi Thị Hậu cho hay.

Cô Bùi Thị Hậu - GV Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: TG
Cô Bùi Thị Hậu - GV Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: TG

3 bước sử dụng Atlat Địa lý

Như phân tích ở trên, đề thi tham khảo có 15 câu hỏi yêu cầu kĩ năng sử dụng Atlat, tương đương 3,75 điểm. Làm thế nào để ăn chắc phần điểm này? Gợi ý của cô Bùi Thị Hậu nêu rõ 3 bước quan trọng như sau:

Bước 1 - Hiểu về cấu trúc Atlat Địa lý Việt Nam. Cô Bùi Thị Hậu cho biết: Atlat Địa lý Việt Nam được trình bày với phần đầu là kí tự chung, giải thích các kí hiệu được sử dụng trong các trang bản đồ. Phần thứ hai là nội dung, chia theo 3 mảng kiến thức chính: Địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế - xã hội, địa lý các vùng. Mạch nội dung đi từ phần chung đến phần riêng, từ khái quát đến cụ thể phù hợp với cách sắp xếp mạch kiến thức trong sách giáo khoa Địa lý 12.

Bước 2 - Đọc kĩ yêu cầu của đề bài và gạch chân những từ ngữ quan trọng. Cụ thể: Đâu là trang Atlat cần tìm? Đối tượng, đặc điểm kèm theo của nội dung cần tìm là gì? Khu vực phân bố, vị trí thể hiện của đối tượng đó ở đâu? (nếu có).

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Bước 3 - Nhận biết đối tượng và xác định đối tượng trên Atlat. Với bước này, cô Bùi Thị Hậu lưu ý trước tiên đến nhận biết đối tượng trên bản đồ. Theo đó, cần phải biết được kí hiệu thể hiện đối tượng đó trên bản đồ, bằng cách tìm kí hiệu trong trang bản đồ yêu cầu, hoặc trang kí tự chung ở đầu của cuốn Atlat. Tốt nhất học sinh nên sử dụng nhiều và ghi nhớ các kí hiệu để tránh bị nhầm lẫn hoặc mất thời nhiều gian tìm. Tìm vị trí của đối tượng trên bản đồ bằng cách sử dụng kết hợp các bản đồ trong một trang, hoặc bản đồ các trang Atlat khác để xác định vị trí phân bố của đối tượng. Tiếp theo là nhận biết đối tượng trên biểu đồ: Xác định biểu đồ cần tìm đối tượng; nhận biết đối tượng bằng kí hiệu thể hiện trong biểu đồ; tính toán hoặc tìm các đặc điểm biểu hiện như đề bài yêu cầu.

“Thực hiện 3 bước đơn giản trên, chắc chắn HS sẽ cảm thấy tự tin hơn với phần kĩ năng sử dụng Atlat của mình. Tuy nhiên, ngoài những câu hỏi yêu cầu sử dụng Atlat, học sinh hoàn toàn có thể sử dụng Atlat để trả lời những câu hỏi lý thuyết khác một cách dễ dàng nếu trong quá trình học tập các em biết cách sử dụng Atlat để ghi nhớ kiến thức, phát triển tư duy tổng hợp theo lãnh thổ” – cô Bùi Thị Hậu lưu ý.

Thầy Phan Ánh Quang – GV Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) nhấn mạnh: “Việc ôn tập kết hợp với sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam nhằm khắc sâu kiến thức và rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat. Ngoài ra, trong quá trình ôn tập, GV chia nội dung chương trình lớp 12 thành các chuyên đề: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý ngành kinh tế, Địa lý vùng kinh tế. Sau mỗi đơn vị kiến thức, GV cần cho HS rèn luyện các câu hỏi trắc nghiệm theo 4 mức độ. GV cần bám sát theo dõi và đánh giá đúng năng lực từng HS. Đặc biệt, thầy cô nên biên tập đề theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT cho HS làm càng nhiều càng tốt, nhằm rèn luyện kỹ năng làm bài và ôn tập các dạng câu hỏi và bài tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ