Nền tảng tốt
Cô Lê Thị Minh Phương - Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Thừa Thiên - Huế) lưu ý: “HS cần ôn tập sớm, nhất quán và thường xuyên theo dõi tiến trình học của mình. Thời gian cần thiết để tập trung ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT tùy thuộc vào trình độ ban đầu và cường độ học của mỗi em. HS cần dành thời gian để làm quen với các yêu cầu cụ thể của bài thi và quen với hình thức, định dạng bài thi thông qua việc tìm hiểu cũng như làm đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT”.
Nếu đã biết cấu trúc của bài thi và hiểu các dạng bài được sắp xếp như thế nào, HS sẽ không phải mất thêm thời gian để tìm hiểu trong quá trình thi. Biết phân tích nội dung, cấu trúc đề minh họa cho phép HS phần nào tự kiểm tra được kiến thức và ưu tiên sự tập trung, tránh ôn tập một cách lan man, không nắm vững và nhầm lẫn kiến thức.
Các em cần ôn tập thật chắc kiến thức ngữ pháp và từ vựng cơ bản, không chủ quan dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Trong đề thi, luôn có những câu hỏi với mức độ nhận biết dành cho HS có học lực trung bình khá. Ôn tập kĩ những câu hỏi này sẽ giúp HS hình thành phản xạ, rút ngắn thời gian làm bài, yên tâm hơn về điểm số và tập trung suy nghĩ cho những câu hỏi khó hơn. Chỉ khi có nền tảng tốt, các em mới có thể thực hiện bước tiếp theo: Cải thiện các kĩ năng đọc hiểu, mở rộng vốn từ, cấu trúc khó, chinh phục những câu hỏi có độ phân hóa cao.
Làm quen với cách làm bài trắc nghiệm và chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi. Một số HS không đạt được kết quả như mong muốn do không quen tập trung cao độ để làm bài trong một thời gian ngắn. Vì vậy, các em nên tận dụng mọi cơ hội làm các bài thi thử tại trường phổ thông, hay các bài khảo sát năng lực. Vào cuối quá trình ôn thi, hãy luyện tập với các bài kiểm tra có mức độ tương đương theo đúng thời gian quy định, để vừa tự kiểm tra lại kiến thức của mình vừa quen với việc giữ tâm lý bình tĩnh khi làm bài.
Thí sinh cũng cần chú ý đến các dạng bài khó, những câu hỏi phân hóa trong đề thi. Đây được xem là những câu quyết định khả năng cạnh tranh với thí sinh khác trong quá trình xét đại học.
Dạng bài thường gây khó khăn cho thí sinh nhất là bài đọc hiểu. Để có thể làm tốt dạng bài này, các em cần trang bị đa dạng vốn từ theo chủ điểm và nắm vững các kĩ năng đọc hiểu như đọc lướt, đọc chi tiết, tìm nội dung chính, đoán nghĩa của từ… HS cũng cần luyện khả năng đọc nhanh để có thể đọc bài và trả lời các câu hỏi trong một thời gian nhất định, tránh đọc quá lâu làm ảnh hưởng đến thời gian làm các phần khác.
Bên cạnh đó, các câu hỏi về từ vựng, cụm từ cố định hay thành ngữ là những câu hỏi mang tính phân hóa cao. Vì vậy, thí sinh cần làm giàu vốn từ vựng, thực hành đoán nghĩa của một từ dựa vào ngữ cảnh. Điều này không xảy ra trong một sớm một chiều nên cần cố gắng học ít nhất 10 từ mới từ các chủ đề khác nhau mỗi ngày.
Lưu ý phần kiến thức
Cô Nguyễn Huyền Nhung - GV Tiếng Anh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TPHCM) lưu ý: “HS ôn tập một cách hiệu quả theo định hướng. Ôn tập bước đầu, ở mỗi dạng bài ôn đi ôn lại từ 1 - 2 ngày. Mỗi ngày sẽ luyện từ 2 - 3 đề để kỹ năng thật nhuần nhuyễn, não từ đó sẽ có 1 khuôn xử lý những câu hỏi quen thuộc. Giai đoạn này nên canh thời gian để phân bố thời gian làm bài cho hợp lý với nguyên tắc: Dễ trước – Khó sau”.
Một số phần kiến thức cơ bản cần lưu ý như sau:
Về Ngữ âm, đây là phần phát âm, dấu của các từ quen thuộc. Hầu hết phần này có trong sách giáo khoa và HS cần chăm chỉ ôn tập. Cụ thể, có 2 câu kiểm tra phát âm: 1 câu về nguyên âm và 1 câu về cách phát âm đuôi - ed; 2 câu kiểm tra trọng âm của những từ có 2 và 3 âm tiết.
Về từ đồng nghĩa và trái nghĩa, phần này nằm gọn trong sách giáo khoa và đề thi ở các năm đều ra các dạng tương tự nhau, mỗi lần học từ mới, HS hãy tìm luôn từ trái nghĩa để nắm vững.
Về hoàn thành câu, các kiến thức ngữ pháp cơ bản như mạo từ, câu điều kiện, các thì trong tiếng Anh, mệnh đề nhượng bộ, giới từ, phân từ, câu bị động với danh động từ, cụm từ. Các câu hỏi ở phần bài này không gây khó khăn nhiều vì chúng chỉ ở mức độ dễ và trung bình. Tuy nhiên, HS cũng không được lơ là, ôn tới đâu chắc tới đó.
Phần từ vựng, HS nên luyện bài đọc thật nhiều vì đa số từ vựng đều nằm trong đó. Cần trang bị một kho tàng từ vựng, không chỉ dành cho bài thi mà còn áp dụng vào đời sống sau này. Cần tăng cường vốn từ về các mặt xã hội, khoa học, học tập và đời sống; luyện tập làm các bài đọc để quen với các câu hỏi và từ vựng.
Chức năng giao tiếp là những câu hỏi khá quen thuộc và đơn giản nên HS đã nắm vững với sự hướng dẫn ôn tập của GV. Phần này dễ ăn điểm.
Tìm câu đồng nghĩa: Dạng bài này để vận dụng tất cả những kiến thức đã học từ trước tới giờ vào trong 1 câu, tuy không đơn giản nhưng không làm khó được các em nếu nắm chắc kiến thức.
Nối câu: Dạng câu này dựa vào điều kiện giả định và đảo ngữ để nối câu. Chỉ cần đọc kĩ là có thể làm được.
Tìm lỗi: Trong nhiều đề thi những năm gần đây luôn luôn đưa ra 2 câu lỗi sai ngữ pháp từ dễ tới trung bình. Có một câu sẽ cần vận dụng kiến thức từ vựng phong phú.
Phần điền từ, HS cần có vốn từ phong phú. Điều này chắc chắn HS ngoài nắm kiến thức SGK còn biết tìm hiểu, ôn tập kĩ. Còn 3 câu còn lại là về phần ngữ pháp nên cần nắm chắc.
Phần đọc hiểu gồm 12 câu và có 1 câu khó. Phần này phải rèn luyện nhiều.
Theo cô Huyền Nhung, HS cần tối đa hóa thời gian làm bài. Cụ thể, phân bố thời gian hợp lý, nhìn qua một lượt và nhận biết câu dễ câu khó để làm theo trình tự từ trên xuống, 10 - 15 phút cuối là thời gian hợp lý để dành cho các câu hỏi khó.