Theo Vân Phương, bài luận là một trong những phần quan trọng nhất trong bộ hồ sơ học bổng Chevening. Nhiều học bổng khác cũng vậy. Cần đầu tư nhiều suy nghĩ, thời gian cũng như “cảm xúc” vào bài luận vì đây chính là cơ hội duy nhất bạn có thể thể hiện cho ban giám khảo thấy tố chất và tiềm năng của bạn, tại sao bạn xứng đáng hơn (trong số rất rất nhiều) các ứng cử viên khác để được trao học bổng.
Có một câu nói Vân Phương rất thích và thể hiện đúng tầm quan trọng của bài luận: “Bài luận chính là bạn, và bạn chính là bài luận ấy”. Một số gợi ý sau của Vân Phương có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn bài luận cho học bổng. Mỗi người sẽ có trải nghiệm, tính cách và cách viết khác nhau. Đây chỉ là vài kinh nghiệm cá nhân của Vân Phương, mang tính tham khảo.
Mục tiêu phát triển nghề nghiệp trong tương lai
Vân Phương cho biết: Khi viết bài luận, việc đầu tiên và rất quan trọng là cần hình dung rõ trong tương lai, mục tiêu và con đường phấn đấu nghề nghiệp của bạn như thế nào.
Việc suy nghĩ cũng như vạch ra con đường phát triển bản thân không chỉ giúp cho việc chuẩn bị bài luận mà nó còn là việc cần làm đầu tiên khi chuẩn bị hồ sơ học bổng. Nó giúp bạn có thể xây dựng một bộ hồ sơ rõ ràng và ấn tượng với những mục tiêu trong tương lai. Đây giống như một “sợi chỉ xuyên suốt” bài luận cũng như bộ hồ sơ của bạn. Đây là một số câu hỏi chính để bạn suy nghĩ kỹ:
- Tại sao muốn chọn ngành học này?
- Nó sẽ giúp bạn phát triển nghề nghiệp và bản thân sau này như thế nào?
- Trong 5 hay 10 năm tới, mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bạn là gì?
- Bạn muốn trở thành người như thế nào?
- Học bổng Chevening sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu này như thế nào?
Việc trả lời được những câu hỏi này sẽ là chất keo kết dính các ý tưởng trong bài luận, giúp ban giám khảo hiểu được tại sao họ nên trao cơ hội học bổng cho bạn mà không phải người khác.
Tòa nhà Old Building. Ảnh: London School of Economic and Political Sciences |
Dẫn chứng và ví dụ cụ thể
Theo Vân Phương, khi chuẩn bị bài luận, điều quan trọng là cần suy nghĩ thật kỹ để chọn và đưa ra những ví dụ, bằng chứng cụ thể, mạnh mẽ cho những ý tưởng của bạn. Ví dụ những thành tựu, kỹ năng bạn có được.
Vân Phương đưa ví dụ cụ thể: Khi viết về kỹ năng networking, không nên chỉ nói suông rằng bạn rất giỏi về networking, mà phải đưa ra một ví dụ cụ thể, thể hiện bạn đã đạt được kỹ năng này như thế nào và đã làm tốt ra sao.
“Bạn cũng có thể đưa một, hai thành tựu để dẫn chứng. Nhưng đừng “ham hố” chi tiết. Hãy chọn kỹ. Chỉ lấy một, hai chi tiết hết sức nổi bật và liên quan nhất thôi” – Vân Phương lưu ý.
Không “đạo” từ bài người khác
Theo Vân Phương, bài luận là cơ hội để bạn thể hiện mình là ai, vì sao mình phù hợp để được chọn cho Chevening. Do đó, một bài luận tốt cần thể hiện tính cá nhân và nguyên tác của tác giả.
Vân Phương nhấn mạnh: Một sai lầm nghiêm trọng nhất là đạo văn (chỉ đơn giản là đọc bài luận mẫu của cựu học sinh hoặc sinh viên các trường top thế giới và sao chép, vay mượn cách sắp xếp ý cho đến câu chữ, cấu trúc). Bởi hành động này vừa không hay về đạo đức, vừa khiến hồ sơ của bạn nhanh chóng bị đánh trượt với ấn tượng xấu với người chấm.
Đọc cả trăm nghìn bài rồi, ban giám khảo dễ dàng nhận ra một bộ hồ sơ “độc bản” hay vay mượn, cố gắng gồng lên cho hay. Có khi cách viết này hiệu quả với người này do phù hợp với trải nghiệm của họ, nhưng cách đó lại không hợp với trải nghiệm của bạn. Thành ra bạn tham khảo bài cũng được, để lấy cảm hứng và nhận ra điều đặc biệt nhất, hiệu quả nhất trong bài của họ. Nhưng đọc xong hãy tắt đi hoặc bỏ qua một bên, và bắt đầu viết những gì từ chính trái tim mình mách bảo, sau đó dùng lý trí để chọn lọc từ từ.
Vân Phương chia sẻ: Hãy nghiêm túc đầu tư thời gian suy nghĩ vào những gì bạn thực sự có, rồi tìm ra cách diễn đạt khiến nó mạnh mẽ, thuyết phục nhất. Tóm lại, đâu là những tố chất, kỹ năng nổi trội của bạn? Bạn thử ghi ra giấy đi nhé. Đó là bước khởi đầu rồi đấy!
Tham gia Hội thảo Thanh niên châu Á về phát triển bền vững tại Nepal năm 2014. Ảnh: Nguyễn Lê Vân Phương |
Đầu tư suy nghĩ, thời gian và “cảm xúc”
Từ kinh nghiệm bản thân, Vân Phương nhận định: Việc chuẩn bị bài luận sẽ mất khá nhiều thời gian từ khâu lên ý tưởng, chọn lọc, viết nháp cho đến xin góp ý từ những người có kinh nghiệm, rồi sửa thêm n lần nữa. Không vội được đâu! Bạn nên đầu tư viết ít nhất trước ngày nộp một tháng!
Đó là viết thôi. Còn trước đấy, bạn phải suy nghĩ liên tục về bản thân mình với những câu hỏi quan trọng về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là những câu hỏi cốt yếu và ảnh hưởng đến hướng đi của cuộc sống nên cần thật nghiêm túc.
Nhiều anh chị chỉ viết trong 3 hôm là nộp (và đậu), nhưng họ đã phải quan sát, cảm nhận, suy nghĩ về chính mình trong 3 năm. Đó một phần và cũng là lý do Chevening yêu cầu ứng viên có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc để bạn thực sự trải nghiệm và nhìn nhận rõ về mình.
Vân Phương đưa ra lời khuyên: Việc đọc lại bài, gửi bài xin góp ý từ người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan về bài luận để cải thiện nó hơn. Ngoài ra, cũng nên đặt “cảm xúc” của mình vào bài luận để bài luận có tính thuyết phục hơn.
Ở đây, “cảm xúc” nên được hiểu là sự quyết tâm để đạt được những ước mơ, kế hoạch của bạn trong tương lai, động lực của bạn để đạt được học bổng và hoàn thành ước mơ. Làm sao bạn có thể nói lên được cảm xúc mạnh mẽ của mình chỉ qua câu chữ trên màn hình lạnh lùng? Hãy tự tìm câu trả lời cho mình nhé!
Bài luận và những yêu cầu khác trong bộ hồ sơ
Lưu ý cuối cùng của Vân Phương là đừng chỉ chăm chút cho bài luận mà làm các yêu cầu khác một cách sơ sài, ví dụ hai thư giới thiệu. Cần làm sao để tất cả những tố chất, kỹ năng quan trọng của bạn được thể hiện một cách thống nhất ở bài luận cũng như những phần khác của hồ sơ. Nó sẽ giúp ban giám khảo hiểu về bạn một cách rõ ràng và đầy đủ nhất.
Vân Phương nhắn gửi: “Thông thường, một bài luận sẽ bị giới hạn về số từ. Bạn không thể viết hết được những điều muốn viết và nghĩ là quan trọng. Do đó, hãy cố gắng lồng ghép các chi tiết này vào những phần khác của hồ sơ một cách khôn ngoan nhất. Chúc các bạn thành công”.