Chàng trai này đã chia sẻ những kinh nghiệm rút ra sau những lần thất bại:
Trước khi xin học bổng nên dành thời gian trả lời 4 câu hỏi
Học bổng (HB) chính phủ New Zealand chính là HB danh giá nhất từ chính phủ của đất nước này. Tuy nhiên, mỗi năm HB chỉ có 30 suất cho sinh viên Việt Nam nên tỉ lệ cạnh tranh khá cao. Cái sai đầu tiên và cũng là lớn nhất của mình trong 3 lần rớt HB đó là: chưa đủ năng lực, chưa có định hướng rõ ràng và không làm rõ được mục tiêu du học, vì vậy mình không thể hiện được sự phù hợp với HB. Và tất nhiên mình bị đánh rớt.
Kinh nghiệm của mình là trước khi chọn nộp HB, bạn nên làm rõ được mục tiêu du học bằng cách trả lời 4 câu hỏi: Tại sao bạn chọn HB này mà không phải HB khác? Tại sao bạn chọn học ngành này ở quốc gia này? Bạn đã có những gì để đáp ứng được yêu cầu của HB? Bạn còn thiếu những gì để phù hợp với HB?
Nếu có được câu trả lời thật rõ ràng 4 câu hỏi này bạn đã nắm được 90% cơ hội thành công rồi đấy.
Còn với mình, quá trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên không chỉ giúp mình giành được HB mà quan trọng nhất là giúp mình định hướng được tương lai. Ước mơ lớn nhất của mình là khởi nghiệp với những sáng kiến phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Mình tin rằng, kiến thức và trải nghiệm có được từ một cường quốc giáo dục phát triển (dù hạn chế về nguồn lực) như New Zealand sẽ hỗ trợ rất nhiều cho mục tiêu của mình trong 5 hoặc 10 năm nữa. Đây cũng là lý do vì sao năm nay dù may mắn đậu cả HB từ chính phủ Trung Quốc, nhưng mình vẫn chọn NZAS.
Thành Công (đứng thứ 2 từ phải sang trái) cùng các bạn sinh viên Việt Nam trong buổi lễ nhận học bổng NZAS.
Có sự chuẩn bị chu đáo cho từng vòng thi
Để ứng tuyển HB NZAS, bạn sẽ trải qua ba vòng thi:
Vòng hồ sơ
Ở vòng này, bạn cần viết bài luận từ 4.500 đến 5.000 chữ để trả lời cho 12 câu hỏi thuộc 4 nhóm chủ đề: khả năng học tập và nghiên cứu; kinh nghiệm làm việc; ngành học và năng lực cống hiến; khả năng ứng xử, networking.
Bạn tuyệt đối phải viết thành những đoạn văn hoàn chỉnh, không được gạch đầu dòng; phải có một ý tưởng thống nhất từ trên xuống dưới; không được viết quá số lượng chữ quy định và quan trọng nhất là phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Riêng mình, qua 4 năm đã chỉnh sửa tới gần 40 lần, bởi nếu bạn không thể thuyết phục chính bản thân thì chắc chắn cũng không thuyết phục được ban giám khảo.
Thêm một lưu ý là NZAS luôn chú trọng đến việc ứng viên phải có kỹ năng lãnh đạo cũng như khả năng gây ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh, đặc biệt là phải có những đóng góp cụ thể cho cộng đồng.
Vì vậy bạn phải thể hiện rõ điều này trong hồ sơ. Tất cả kỹ năng trên bạn đều có thể có được thông qua những hoạt động tình nguyện, các hoạt động xã hội ý nghĩa hoặc trong trường hợp của mình, dù không tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nhưng mình đóng góp dưới góc độ nghiên cứu, báo chí và giảng dạy vẫn được chấp nhận.
Vòng kiểm tra chỉ số thông minh logic IQ và chỉ số thông minh cảm xúc EQ
Đối với chỉ số IQ, bạn sẽ phải làm 12 câu hỏi trong vòng 12 phút. Do vậy, bạn nên giành nhiều thời gian chuẩn bị (mình thì làm khoảng 300 câu trước khi làm kiểm tra chính thức). Riêng phần kiểm tra chỉ số EQ, bạn sẽ giải quyết 99 câu hỏi. Dù không giới hạn thời gian nhưng với số lượng câu hỏi quá nhiều, bạn sẽ không nhớ những đáp án mình đã trả lời phía trước. Nếu không có sự mạch lạc và thống nhất thì bạn cũng dễ dàng bị đánh rớt.
Trả lời phỏng vấn
Ban giám khảo bao giờ cũng là những người cực kỳ nhạy bén và có rất nhiều kinh nghiệm. Chỉ cần nhìn vào mắt bạn hoặc nghe giọng điệu của bạn là họ đã có thể biết bạn nói thật hay nói dối. Vì vậy, lời khuyên của mình là bạn chỉ nên nói những gì bạn biết và đã từng trải qua. Đặc biệt là nên xâu chuỗi tất cả thành một câu chuyện thống nhất và chân thực.
Ở vòng này, giám khảo cũng sẽ đưa ra rất nhiều tình huống ứng xử để bạn tìm cách giải quyết. Tình huống nào cũng sẽ có những câu hỏi liên quan đến tất cả những gì bạn đã trả lời trước đó. Do vậy, bạn phải thật sự bình tĩnh nếu không sẽ dễ bị đánh lạc hướng. Và để làm tốt tất cả những việc trên thì bạn nên có sự chuẩn bị thật cẩn thận.
Riêng mình, trước khi vào vòng phỏng vấn mình viết ra câu trả lời cho tất cả câu hỏi mà mình đoán giám khảo có thể sẽ hỏi, tổng cộng khoảng 25 trang. Sau đó, mình luyện phỏng vấn thử 5 buổi với mentor (người hướng dẫn) của mình. Dù sự chuẩn bị chỉ hỗ trợ mình được 50% trong quá trình phỏng vấn nhưng nhờ có sự chuẩn bị mà mình cảm thấy đỡ lo lắng, ngoài ra còn có tài liệu để trả lời cho hơn một nửa câu hỏi mà mình không lường trước.
Suy nghĩ tích cực
Theo mình, HB chỉ là công cụ, không phải là đích đến, vì vậy đừng sợ thất bại. Điều quan trọng là sau thất bại bạn hiểu mình cần gì và có thể làm được gì mới là điều quan trọng nhất. Khi đã làm rõ được điều này và thay đổi bản thân thì các cơ hội khác sẽ đến và bạn sẽ có khả năng để nắm lấy nó.
Trên đây chỉ là những góc nhìn riêng của mình về HB NZAS, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho những bạn cũng có mục tiêu du học tại xứ sở Kiwi như mình. Chúc các bạn thành công!