Bi hài hai tay… nhiều "súng"

Bi hài hai tay… nhiều "súng"

(GD&TĐ) - “Súng” ở đây là cách teen gọi điện thoại di động mà mình đang sở hữu. Hiện nay, teen nhà mình đang rất chuộng phong trào hai tay… nhiều súng!

Có cả kho, xài mới đã

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vù vù, giá điện thoại cũng rớt ầm ầm cho nên chuyện trở thành chủ nhân của một “em dế cưng” không còn là ước mơ xa tầm với đối với hầu hết teen. Chỉ cần cầm trong tay chừng 1 triệu đồng (nếu teen chăm chỉ để dành tiền ăn sáng trong 1 tháng), các thần dân của vương quốc teen đã có thể “nạp kho” ba “khẩu súng cùi bắp”. Nếu chịu khó đi lùng ở các hiệu cầm đồ thì… số lượng còn có thể cải thiện hơn.
Thế nào là “súng cùi bắp”? Nghĩa là ngoài khả năng “bắn tin, bắn cuộc gọi” và giúp chủ nhân nghe thoải mái, “súng” không còn chức năng nào khác. Haizz! Chỉ là “nghe - gọi - nhắn tin” thôi thì đâu cần phải sắm cho nhiều? Không đâu! Nguyên nhân rất đơn giản: Vì mỗi nhà mạng có chương trình khuyến mãi khác nhau chớ sao, đặc biệt là những chương trình khuyến mãi gọi - nhắn nội bộ mạng. Nếu xài một “súng” thì làm sao hưởng hết “chế độ tác chiến ưu đãi” trên tất cả các “chiến trường nấu cháo”? Thế là súng 1 xài sim Viettel, súng 2 xài sim Mobi, súng 3 xài sim Beeline…
Ở một số teen, đối với chuyện “súng ống” này thì có sự phân chia… cấp bậc rõ ràng (giống như phân chia lớp trưởng, tổ trưởng rồi tổ viên trong lớp vậy đó). Súng có giá trị tầm vài triệu trở lên được cử làm “bộ mặt đại diện”, vì có thể trợ giúp đắc lực cho chủ nhân chuyện lướt web, vào facebook, chơi game, nghe nhạc, có khi cả quay phim, chụp ảnh, và cả… khoe mẽ; còn những súng cùi cùi thì được phân chia thành “cái này dùng để gọi cho mấy đứa cùng xài Beeline, mấy đứa cùng xài Mobi…”. Từ đó, vô hình trung, người thân, bạn bè, người quen… của teen được… phân chia theo nhà mạng!
 Tốt và xấu nghệ thuật dùng súng
Trước tiên phải có lời khen dành cho các bạn sử dụng súng đúng lúc, đúng nơi, đúng thời gian và đúng người! Dùng để liên lạc với cha mẹ xin ý kiến, trao đổi với bạn bè chuyện bài vở, nhờ thầy cô tư vấn chuyện học hành… Với những chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe - gọi - nhắn tin, dù có được khuyến mãi tràn trề cũng… nấu cháo vừa vừa.
Nhưng mà, có mấy teen… chống lại được cám dỗ? Sử dụng điện thoại vô tội vạ, mỗi lần “tám” thì “xuyên lục địa”, “xuyên không gian, thời gian”, thậm chí “tám” luôn phần thời gian dành cho việc học hành. Hết “tám” lại chuyển sang chơi game, lướt web, vào facebook, chat chit… trong giờ học để “chống ngán, chống ngủ” thật chẳng hay ho chút nào, vừa biểu hiện thái độ vô lễ với giáo viên, vừa khiến bản thân bị hổng kiến thức vì mải mê với… “súng ống” mà chẳng tiếp thu được mấy kiến thức.
Kinh khủng hơn, trong bộ nhớ hay thẻ nhớ điện thoại của một số teen còn có hàng đống clip… đen nữa đấy. Trước mặt phụ huynh thì xài điện thoại cùi, sau lưng phụ huynh thì mê mẩn “em dế hàng khủng”. Đã không ít trường hợp, phụ huynh khi vô tình kiểm tra điện thoại… hàng khủng (mà có khi còn không biết là con mình có nó nữa cơ) của con đã không khỏi… choáng váng!
Chưa hết, có teen còn biến điện thoại thành công cụ hỗ trợ nói… dối. Ba mẹ mà có gọi đang lúc đi chơi thì cứ oang oang bảo là… con đi học. Điện thoại khác reng do bạn gọi tới thì vui vẻ hỏi giờ nhóm đang tụ họp ở đâu? Sao lại biến mình thành “chú bé chăn cừu” vậy teen ơi! Lý ra, càng dùng điện thoại, càng có cơ hội để chúng ta thể hiện thái độ thành thật chứ nhỉ?
 Khi súng ta tự… bắn mình
Đã có hàng đống chuyện dở khóc dở cười xung quanh chuyện “khi súng ta tự… bắn mình”. Vì teen xài quá nhiều súng, nên khi người quen muốn gọi đến thì không biết nên gọi… số nào. Ngay cả bản thân teen cũng thấy khó khăn khi vác theo một lúc… mấy súng như thế. Thế là quẳng ở nhà bớt vài “em”, lúc người quen cần liên lạc thì… không ai bắt máy. Hoặc giả, bố mẹ bắt máy… hộ thì cũng có hàng đống chuyện “hố quá lố” xảy ra khi người gọi đến cứ “hồn nhiên phô” như những người bạn… chí cốt!
Thấy M.T (16 tuổi) suốt buổi học cứ ngồi im re, mình nói gì gương mặt cũng chỉ có một thái độ biểu cảm nhất định, hơn nữa thời tiết nóng nực mà tóc tai cứ xõa dài, cô chủ nhiệm đã làm một cú “đột kích”, bất ngờ chuyển tầm ngắm sang M.T khi đi giữa hai dãy lớp. Hóa ra, M.T giấu tai phone sau mái tóc và… say mê nghe nhạc ngay trong… giờ học. Phụ huynh được mời vào trường mới… té ngửa chuyện M.T nghe nhạc bằng tai nghe không dây mà “tài sản” này được sắm ngoài vòng… quản lý.
Chuyện dùng điện thoại để quay cóp trong giờ thi không hiếm, nhưng các teen đừng quên rằng, thầy cô cũng được “update chương trình gian lận thi cử bằng công nghệ cao” đấy nhé!
Theo các nhà khoa học thì sóng bức xạ của điện thoại có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo báo cáo vào tháng 5.2011 của Tổ chức Y tế Thế giới thì thì bức xạ trên điện thoại di động “có thể gây ung thư cho con người”. Nó đã được phân loại như vậy sau khi một nhóm các nhà khoa học xem xét các nghiên cứu toàn diện về an toàn điện thoại di động.. Một nghiên cứu sử dụng qua điện thoại di động được trích dẫn trong báo cáo cho thấy “40% tăng nguy cơ u thần kinh đệm (so với các thể loại) mức đe dọa cao nhất đối với người sử dụng mức người sử dụng nặng” (30 phút mỗi ngày trong khoảng thời gian 10 năm).
Biết rằng sử dụng nhiều điện thoại cũng có mặt thuận tiện thật đấy, nhưng teen nhà mình nên chú ý cân bằng việc sử dụng “súng” theo điều kiện “cần và đủ” nhé! Sử dụng điện thoại một cách thông minh và có lợi cho sức khỏe cũng không phải khó lắm, đúng không?
 Nhật My

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ