Bí ẩn lịch sử được khai phá từ gốm sứ ngoại quốc trong Hoàng thành Thăng Long

GD&TĐ - Cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện số lượng lớn di vật là đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Á. Từ đây, nhiều bí ẩn lịch sử được khai phá.

Đồ sứ Tống (Trung Quốc) tìm thấy trong Hoàng thành Thăng Long.
Đồ sứ Tống (Trung Quốc) tìm thấy trong Hoàng thành Thăng Long.

Ngày 15/12, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Đồ sứ Trung Quốc thời Tống trong Hoàng cung Thăng Long”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, không chỉ gốm sứ Trung Quốc “góp mặt” trong Hoàng thành mà còn gốm sứ Nhật Bản, Tây Á… mở ra cánh cửa mới nghiên cứu về lịch sử giao thương giữa Đại Việt và các nước.

“Gốm Lý” không thua kém “gốm Tống”

Theo Viện Nghiên cứu Kinh thành, cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện số lượng lớn di vật là đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, số lượng đồ sứ thời Tống được tìm thấy rất nhiều và đặc sắc. Điều này minh chứng về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa trong lịch sử giữa Trung Quốc và kinh đô Thăng Long của Đại Việt.

TS Trần Anh Dũng - Viện Khảo cổ học, cho biết: Các cuộc điều tra khảo sát và khai quật tại các thương cảng cổ dọc bờ biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh như: Vân Đồn, Lạch Trưởng, Lạch Ghép, Lạch Bạng (Thanh Hóa), Đền Huyện, Kỳ La (Hà Tĩnh) không thấy xuất hiện gốm sứ thời Tống.

Khả năng những đồ sứ thời Tống xuất hiện trong Hoàng thành Thăng Long là do triều đình đặt mua riêng hoặc là đồ biếu, tặng trong bang giao giữa hai nước Tống - Đại Việt.

PGS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho rằng những phát hiện đồ gốm thời Tống tại Hoàng thành Thăng Long đã mở ra những hướng nghiên cứu mới về đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống hằng ngày của triều đình Thăng Long.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được những di vật gốm Tống ở Hoàng thành Thăng Long có nguồn gốc từ 8 khu lò gốm lớn của Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần xác định nguồn gốc, niên đại các sưu tập đồ gốm Tống đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Đây là những đồ sứ quý, được sử dụng cho nhà vua, hoàng tộc và triều đình, phản ánh nhiều khía cạnh đời sống xã hội thời bấy giờ. Điều này giúp lý giải sâu hơn về mối quan hệ và sự ảnh hưởng kỹ thuật - nghệ thuật chế tác gốm của hai nước Tống và Đại Việt thời Lý.

Đáng chú ý, khai quật cũng cho thấy vào thời Lý đã sản xuất được những đồ sứ có chất lượng hoàn hảo như đồ sứ Tống (Trung Quốc). Điều này đã khiến các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn khi phân biệt, phân loại “gốm Lý” và “gốm Tống”.

Gốm men xanh lam Islam – dòng gốm quý vùng Tây Á.
Gốm men xanh lam Islam – dòng gốm quý vùng Tây Á.

Tây Á cung tiến gốm men xanh?

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long – một bộ phận thiết yếu của khu vực trung tâm Kinh đô Thăng Long xưa, các nhà khảo cổ học còn khai quật được một quần thể hàng triệu di vật của nhiều thời kỳ, bắt đầu từ thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê, đến các thời Lý, Trần, Lê. Đặc biệt, người ta cũng tìm được rất nhiều đồ gốm sứ Hizen Nhật Bản.

Hizen là dòng gốm nổi tiếng của Nhật Bản, hình thành từ thời kỳ Edo (1603 – 1868). Gốm Hizen được tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có hai loại, chủ yếu là gốm men trắng vẽ hoa văn màu xanh cobalt dưới men và gốm vẽ màu trên men, trong đó phổ biến là đồ gốm hoa lam.

Các cổ vật gốm hoa lam Nhật Bản tìm được tại đây chủ yếu là các loại bát, đĩa bình rượu và hộp nhỏ với những họa tiết rồng mây, chim phượng, sư tử, hoa lá, phong cảnh.

Tại đây, các nhà khoa học đã tìm được 135 tiêu bản và 245 mảnh thân, mảnh miệng của loại bát vẽ rồng mây cách điệu mang phong cách Nhật Bản: Thành ngoài bát trang trí hai con rồng có thân cong ngắn, đầu nhỏ, đuôi xòe hình lá, giữa lòng vẽ hình đầu rồng ẩn hiện trong mây, phổ biến hơn là sóng nước hay cá nhảy trên sóng nước.

Bên cạnh đó, còn có 7 tiêu bản của loại bát quý vẽ hình chim phượng trong lòng bát với phong cách thể hiện độc đáo, vượt trội về phẩm cấp so với loại gốm thông thường.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được 191 tiêu bản và 35 mảnh miệng, mảnh thân của các loại đĩa. Bộ sưu tập đĩa lớn ở khu di tích hiện nay chưa nhiều, nhưng đều là những tiêu bản gốm quý. Về hình dáng cơ bản có hai loại: Thân giật cấp và thân cong tròn. Hoa văn trang trí trên các loại đĩa này khá cầu kỳ, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao.

Cùng với các loại bát, đĩa, 3 mảnh thân của loại bình đựng rượu men trắng vẽ lam rất đặc trưng của Nhật Bản đã được tìm thấy. Những mảnh vỡ tìm được tại đây được các nhà nghiên cứu cho biết thuộc loại bình hay nậm rượu có dáng củ tỏi, thân bầu thon cao và cổ thắt nhỏ, chân đế rộng, quanh thân vẽ phong cảnh và hoa lá.

Không chỉ có gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những mảnh gốm Ai Cập. Phát hiện đặt ra nghi vấn về việc có hay không mối giao thương giữa Đại Việt và khu vực Tây Á? Gốm men xanh lam có nguồn gốc Islam (Islamic Ceramic) - là loại gốm có xương bở, xốp nên không bền. Tuy nhiên, màu xanh biếc của nước men đã làm nên giá trị của loại gốm này.

Khi thấy vài mảnh gốm Islam tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ phấn khởi với hy vọng tìm ra bằng chứng bước đầu thể hiện giao thương giữa Đại Việt và Tây Á từ khoảng thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ X.

Tuy nhiên, Islam được biết tới là dòng gốm quý thêm với điều kiện vận chuyển khó khăn thời bấy giờ, thì việc nhà vua được cung tiến một vài món đồ như vậy là chuyện bình thường. Do đó, sự xuất hiện của một vài mảnh gốm Islam tại khu khai quật Hoàng thành Thăng Long chưa đủ để chứng minh mối giao thương giữa Đại Việt và Tây Á.

Dựa vào những khảo cứu về các mặt hàng gốm Nhật Bản xuất khẩu sang Đàng Ngoài từ trước năm 1650. Các nhà nghiên cứu cho rằng, triều đình Thăng Long đã mua một số lượng khá lớn đồ gốm Hizen Nhật Bản bao gồm các vật dụng dùng trong sinh hoạt thường ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.