Hoàng thành Thăng Long: Đối mặt thách thức bảo tồn

GD&TĐ - 5 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. 

Hoàng thành Thăng Long: Đối mặt thách thức bảo tồn

Thế nhưng trong bối cảnh đô thị hiện đại đang phát triển, Hoàng thành Thăng Long vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Khu di sản kết nối với các điểm di tích

Năm 2004, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của hàng vạn đồng bào Thủ đô và cả nước.

Từ đây những bí ẩn về trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long với dấu tích còn lại dần được hé mở. Kết quả nghiên cứu bước đầu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định những giá trị to lớn về văn hóa lịch sử và khoa học của khu di tích đặc biệt quan trọng này.

Tại Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Shigeeda Yutaka, chuyên gia lịch sử kiến trúc châu Á Trường Đại học Tổng hợp Nippon (Nhật Bản) khẳng định: “Hoàng thành Thăng Long là một kho tàng vô hạn chứa nhiều di tích và di vật dưới lòng đất mà chúng ta chưa biết đến” và “chắc chắn đây là trường hợp lâu dài nhất trong khu vực châu Á và có lẽ chỉ La Mã mới có thể so sánh được…”.

Theo khảo sát của các chuyên gia Pháp, ở khu thành cổ có thể tiếp đón 5.000 lượt khách/ngày, ở khu khảo cổ là 1.500 khách/ngày. Mặt khác, với bề dày lịch sử 1.300 năm và sự giao thoa các giá trị văn hóa hàng nghìn năm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu di sản lại nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, thuận tiện cho việc kết nối với các điểm di tích.

Với tính chất đặc biệt quan trọng của mình, Hoàng thành Thăng Long chứa đựng sự kỳ vọng rất to lớn với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng thực tế lại chưa được khai thác đúng tầm, chưa đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu của các đối tượng du khách.

Hoàng thành phải là di sản sống

Theo bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - việc trở thành Di sản văn hóa thế giới cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long phải tuân thủ chặt chẽ những tiêu chuẩn của UNESCO, những tiêu chí sẽ giúp di sản sống mãi với thế hệ tương lai.

TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh, việc bảo tồn di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần một quá trình lâu dài vì di sản đang tồn tại trong môi trường vô cùng khắc nghiệt khiến chúng ta không thể chủ quan; bởi nước có thể ngấm từ dưới lên, từ trên xuống, chảy ngang vào, cộng với môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để nấm, mốc, mối, mọt tấn công di tích.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều phía, trong đó có cả người dân. Để Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến hấp dẫn, ThS Trần Thị Hiên, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam góp ý, trước hết, cần có những hoạt động cụ thể để phổ biến giá trị khu di sản, tăng cường tuyên truyền quảng bá về di sản, hiện vật ở khu di sản; chú ý vai trò của các hướng dẫn viên tại khu di sản...

Tuy nhiên, cũng cần bảo tồn, khôi phục màu tự nhiên trong các tầng văn hóa khi phát lộ. Hiện nay, tại điểm tham quan 18 Hoàng Diệu, mặc dù đã có mái che nhưng do một thời gian dài nằm dưới mưa nắng nên các di vật và mặt đất đã bạc màu, khiến cho hiện vật trở nên không “bắt mắt”, thiếu hấp dẫn khách tham quan.

Do đó, bằng các giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn khôi phục màu sắc, hình ảnh gốc khi phát lộ, các di vật và tầng văn hóa sẽ trở nên sống động và có hồn hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 2013, khu di sản đón 120.000 lượt khách tham quan; năm 2014 là hơn 160.000 lượt khách.

Số lượng khách trong nước chủ yếu là người cao tuổi và sinh viên. Lượng khách quốc tế tuy ổn định (chiếm khoảng 20% tổng số khách), nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn so với tiềm năng khu di sản, đông nhất là khách Nhật Bản, chiếm hơn 60% tổng số khách nước ngoài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.