Bệnh tay - chân - miệng: “Đến hẹn lại lo”

Cùng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng (TCM) cũng đang có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...

Rửa tay bằng xà phòng để phòng chống bệnh tay - chân - miệng.
Rửa tay bằng xà phòng để phòng chống bệnh tay - chân - miệng.

Cùng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng (TCM) cũng đang có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tăng mạnh nhất là tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang và An Giang. 

Theo chu kỳ, bệnh đang bắt đầu vào mùa. Mặc dù được dự báo trước là diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn có những ca tử vong đáng tiếc xảy ra.

Tăng đột biến

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước ghi nhận hơn 44.000 ca TCM tại 62 tỉnh, thành, đã có 5 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam, trong đó đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm nóng về bệnh này, đáng lưu ý, số trẻ từ 1-3 tuổi mắc bệnh tăng đột biến. 

Tại một số địa phương của đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện chủng virut Enterovirus 71 (EV71) độc tố cao có khả năng gây biến chứng trên não và tim, tuy nhiên số ca biến chứng chưa nhiều.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3.346 ca mắc, trong đó trẻ dưới 3 tuổi mắc là 2.957 ca chiếm 88,49%, có 1 trường hợp tử vong. 

Chỉ tính riêng trong tháng 10, BVĐK tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận hơn 400 ca TCM nhập viện, gấp 3 lần những tháng trước. Địa phương có số ca mắc TCM cao nhất là TP. Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, Tháp Mười.

Tại An Giang, theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, số ca TCM trong tháng 9/2015 đã tăng 150% so với trước đó. Các địa phương có số ca mắc cao là TP. Long Xuyên, huyện Châu Đốc...

Tại Hậu Giang, bệnh TCM xuất hiện nhiều ở thành phố Vị Thanh, trong đó xã Vị Tân với 12 ca bệnh, trong khi tháng 9 chỉ có 3 ca. Như vậy, từ đầu năm đến cuối tháng 10, xã Vị Tân đã ghi nhận 27 ca bệnh. 

Tương tự, tháng 9, trên địa bàn TP. Vị Thanh chỉ có 11 ca bệnh TCM thì tháng 10 số ca bệnh đã tăng lên hơn 3 lần với 39 ca. Đáng lưu ý, bệnh không tập trung mà xuất hiện rải rác ở các ấp và xuất hiện những ca mắc bệnh lần 2.

Có kiến thức nhưng quên thực hành

Mặc dù biết bệnh TCM định kỳ sẽ đến, thế nhưng nhiều người dân vẫn “trở tay không kịp” do có hiểu biết nhưng vẫn chủ quan. Gắn bó với công tác y tế tại địa phương và trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, ông Trần Văn Ngự - Trạm trưởng Trạm y tế xã Vị Tân (TP Vi Thanh, Hậu Giang) chia sẻ: 

Mặc dù được thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh đến các buổi họp xã, họp ấp, hay trong các chiến dịch truyền thông bảo vệ môi trường. 

Tuy người dân có kiến thức hiểu biết về bệnh nhưng chưa quan tâm thực hành thường xuyên, bởi vì vất vả mưu sinh nên không có thời gian cũng như điều kiện để chăm sóc và giữ vệ sinh cho con em mình. 

Điều này dẫn đến việc khi trong gia đình có trẻ mắc bệnh cha mẹ mới lo chuyện phòng bệnh. Nhiều người còn chủ quan cho rằng con cháu mình không bị mắc bệnh... 

BS. Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp - cho rằng, bệnh TCM có số ca mắc tăng đột biến nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. 

Tuy nhiên, để phòng chống các ca bệnh cũng như hạn chế biến chứng thì sự phối hợp liên ngành cũng như ý thức tích cực tham gia phòng bệnh của mỗi gia đình là yếu tố quan trọng để giảm các ca mắc. 

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ vệ sinh cá nhân... là những hành động nhỏ góp phần lớn trong phòng bệnh truyền nhiễm nói chung.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ