'Bắt tay' vào việc

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh năm 2024.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo lộ trình, đây là năm cuối cùng học sinh THPT thi, xét tuyển đại học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Dù công tác tuyển sinh năm 2023 chưa kết thúc nhưng có thể nói, đến thời điểm này đã đạt nhiều kết quả và chuyển biến khả quan. Năm 2023, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học và xét tuyển vào cao đẳng ngành Giáo dục mầm non bằng 65,9% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT là gần 3,4 triệu.

Dù thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm, song số đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 tăng 4,56% so với 2022. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên Hệ thống năm 2023 cũng tăng 7,9% so với 2022. Con số trên cho thấy, chủ trương, chính sách công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đã, đang đi đúng hướng và ngày càng hoàn thiện.

Kết quả năm 2023 cũng là tiền đề để cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị phương án cho năm 2025 đảm bảo phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trên tinh thần đó, nhiều cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh cho năm tới. Một số trường còn chủ động đón đầu xu thế khi công bố tuyển sinh ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Dù chưa nhiều cơ sở giáo dục đại học chính thức công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2024 nhưng nhìn nhận từ đơn vị đã phát hành thông báo việc này cho thấy tính ổn định trong công tác tuyển sinh. Đơn cử như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội hay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… đều khẳng định, phương thức xét tuyển năm 2024 giữ ổn định như năm 2023. Có chăng là những thay đổi về tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức, hoặc điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Không ngẫu nhiên Bộ GD&ĐT khuyến nghị các cơ sở giáo dục đại học giữ ổn định phương thức tuyển sinh trong năm 2024. Bởi đây là bước đệm quan trọng chuẩn bị cho sự thay đổi từ năm 2025, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, việc các trường sớm “bắt tay” hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024 là điều dễ hiểu, cần thiết nhằm tạo thế chủ động khi chiêu sinh.

Dĩ nhiên, thí sinh cũng như dư luận mong muốn, cơ sở đào tạo tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa và đúng Quy chế hiện hành. Muốn vậy, cần tránh “phức tạp hóa vấn đề” trong công tác tuyển sinh, gây khó khăn, rắc rối cho thí sinh. Cơ sở giáo dục đại học cũng cần ghi nhớ, xây dựng phương án tuyển sinh từ năm 2025 trở đi phải phù hợp yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Song nói gì thì nói, một trong những điều kiện tiên quyết là, cơ sở đào tạo cần tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đồng thời, công khai kết quả hoạt động, nhất là chỉ số cốt lõi; trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình cũng như quy mô đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ