Bắt nhịp dạy tốt, học tốt từ đầu năm học

GD&TĐ - Bước vào năm học mới, sau thời gian dài được nghỉ hè, vui chơi thoải mái, không ít học sinh bị rơi vào tình trạng “hổng” kiến thức, mất cân bằng trong học tập. Một số học sinh khác có biểu hiện uể oải, mệt mỏi, ngủ gật trong giờ... Các thầy cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, giúp học sinh vượt qua giai đoạn này không chỉ cần sự nỗ lực của bản thân người học mà rất cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô.

Giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ tư vấn tâm lý cho HS
Giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ tư vấn tâm lý cho HS

Khắc phục tâm lý “nghỉ chưa đã”

Trên thực tế, việc được chơi thoải mái trong thời gian nghỉ hè khiến học sinh khó bắt nhịp với năm học mới, nhất là khi chuyển cấp. Tâm lý "nghỉ chưa đã" khiến trong những ngày đầu tiên đến trường, học sinh có tâm lý chán nản, uể oải và khó tập trung.

Bởi vậy, cô Phí Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ - cho rằng, việc chủ động chuẩn bị tinh thần để bước vào năm học mới là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần tham gia tích cực vào các hoạt động đầu năm học; đặt mục tiêu cho năm học mới và xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện cũng như các hoạt động giáo dục khác để thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Với học sinh mới vào lớp 10, phương pháp học tập có nhiều thay đổi, học sinh cần một khoảng thời gian để quen với cách học ở THPT, với cách kiểm tra thường xuyên và yêu cầu cao hơn. Chia sẻ điều này, thầy Đặng Quốc Hùng - Phó Hiệu trưởng - Trường THPT Cẩm Khê (Phú Thọ) - lưu ý: Học sinh cần chuẩn bị tốt tinh thần cho năm học mới, không thể lơ là, ham chơi bởi rất dễ bị thiếu hụt kiến thức cơ bản. Học sinh có thể ôn tập và làm quen dần các bài học để chuẩn bị cho năm học mới trên trang Trường học kết nối.

Cô trò Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội)
 Cô trò Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội)

Cha mẹ, thầy cô cùng đồng hành

Các thầy cô giáo nhiều kinh nghiệm đều cho rằng, thời gian bước vào năm học mới, đặc biệt với những học sinh chuyển cấp, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ và thầy cô. Quan điểm của thầy Đặng Quốc Hùng, cha mẹ cần quan tâm, giúp con rèn luyện cách học tập trung, động viên con cố gắng hiểu bài ngay trên lớp, có bài tập về nhà thì hoàn thành luôn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con học chủ động hoặc cùng con học thông qua hình thức học trực tuyến bổ trợ. Các hình thức học tập trực tuyến hiện nay đang là phương pháp giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình học hỏi, tư duy và thực hành kiến thức. Không chỉ vậy, với các bài giảng trực tuyến, phụ huynh có thể biết con đã học qua những kiến thức nào, con học và nắm bắt được thông tin học tập rao sao, giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc đồng hành cùng con trong quá trình học tập.

Là Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ, đồng thời đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường, cô Phí Thị Mai Hương cho rằng, các bậc cha mẹ nên quan tâm động viên con, tạo hứng thú học tập, không gây áp lực học tập cho con, đồng hành cùng con chuẩn bị các đồ dùng phục vụ cho năm học mới. Cùng con xây dựng thời gian biểu và thực hiện trước ít nhất một tuần khi bước vào năm học để con hình thành thói quen và có tâm thế sẵn sàng với nhiệm vụ của năm học.

Với các thầy cô giáo, cần thực sự quan tâm, thường xuyên phối hợp với phụ huynh để có thể hiểu thêm về những nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ và học sinh hiện nay. Từ đó có định hướng về phương pháp dạy, cách truyền đạt và cách thức tư vấn cho học sinh sao cho phù hợp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ