Nơi đó các em đang chờ

GD&TĐ - Ngày cuối tháng 8 ở xã Mường Chanh (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), mở cửa đã thấy trời mù sương, thoáng lạnh và mưa. Tính từ nhà ở xã Mường Chanh đến trường chính tại xã Phiêng Cằm, thầy Hà Văn Cương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1- phải đi xe máy khoảng 70km.

Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1
Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1

... Chuẩn bị cho buổi chiều lên trường, thầy Cương mang theo nào cuốc, xích… và cả tâm lý cho những… cú ngã! “Mùa tựu trường trùng với mùa mưa, lên được tới trường là chúng tôi như… trâu đằm vậy” – thầy Cương chia sẻ.

Thầy cô giáo đến trường cùng...…dao, cuốc

Sơn La mùa này mưa liên tục. Mấy ngày gần đây ảnh hưởng bão, mưa còn xối xả hơn bình thường. Đường đến Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 toàn là đồi dốc đất sét, mưa to còn sạt lở, mặt đường như mắc “liên hoàn sông bùn”, trơn trượt, lép nhép. Trước khi đi, thầy Hà Văn Cương cẩn thận vòng những sợi xích nhỏ ở bánh xe tăng độ bám dính, buộc theo cái cuốc, dao và giắt theo một que sắt. Mặc áo mưa cẩn thận, chằng buộc một túi đồ dùng và lương thực đủ cho 6 ngày làm việc, thầy Cương lên đường vào trường.

Nếu thời tiết thuận lợi, thầy Cương vượt 70km từ nhà vào trường mất khoảng 2,5 - 3 tiếng. Trời mưa thì có khi cả ngày chưa đến được trường, phải trú ở nhà dân. Các giáo viên thường hẹn nhau đi thành từng nhóm, xe đi như bò trên đường với vận tốc 30km/h, đến đoạn nào đường xấu thì dùng cuốc, dao để san lại đường đi tạm, đoạn nào bánh xe ngập bùn không thể quay được thì nhảy xuống đẩy xe cho nhau, có lúc phải khiêng xe qua chỗ sạt lở. Đường xấu quá, có khi đi được vài mét đã lại phải dừng để lấy que sắt gạt bớt bùn ở gầm xe, bánh xe. Bị ngã lăn trên đường là chuyện thường ngày ở huyện với các thầy cô. Đến được trường có hôm còn suýt nguy đến tính mạng, người ê ẩm, mặt mũi quần áo mũ bảo hiểm đều biến thành màu nâu đất sét. Không mở mắt gọi to, có khi chả ai nhận ra ai!

Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1

Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1

Thầy Hà Văn Cương công tác ở Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 đã được 8 năm, cũng là ngần ấy thời gian hàng tuần chiều tối thứ Sáu về nhà, chiều Chủ nhật lại đi. Đến trường vất vả như vậy, nhưng khi hỏi có bao giờ nghĩ bỏ nghề giáo không, các thầy cô giáo từ người làm lâu năm đến giáo viên trẻ mới công tác đều nói: Chưa bao giờ nghĩ tới. Thầy Cương tâm sự: “Anh em giáo viên chúng tôi đều không nề hà vất vả của bản thân đâu, cũng quen với con đường đến trường này rồi!”. Còn giáo viên trẻ Lò Văn Thắng và Lò Văn Khoa - dạy ở Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 được gần 3 năm - chân thành bày tỏ: “Cứ nghĩ nơi đó có các con đang chờ nên chúng em đều cố gắng”.

Quan tâm đặc biệt việc vận động học sinh ra lớp

Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 có 497 học sinh và 25 giáo viên. Theo thầy Hà Văn Cương, nếu tính theo quy định thì trường hiện đang thiếu giáo viên đứng lớp. Niềm vui năm học mới của giáo viên toàn trường là trường đã xóa hết nhà tạm, có nhà kiên cố, giáo viên đến điểm trường lẻ có nhà công vụ an toàn, yên tâm bám điểm lẻ dạy học.

Được biết, năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 được sáp nhập với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phiêng Cằm. Hai trường vốn là “hàng xóm láng giềng”, các thầy cô hàng ngày đều gần gũi chia sẻ nên việc sáp nhập không gây ra những xáo trộn. 

Thời điểm này, Phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn đang cho rà soát học sinh được hỗ trợ chi phí học tập thuộc hộ nghèo, hộ chính sách để có chính sách hỗ trợ kịp thời để học sinh có đầy đủ sách giáo khoa học tập trong năm học mới. Khó khăn nhất với Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 chủ yếu là vận động học sinh ra lớp. Nhà trường đã giao nhiệm vụ đến từng giáo viên chủ nhiệm sát sao nắm bắt tình hình, kết hợp với các trưởng bản thông báo cho học sinh đến trường. Với học sinh có nguy cơ bỏ học, giáo viên tranh thủ buổi tối đến tận nhà nói chuyện, vận động gia đình tạo điều kiện cho con em học tập. Phòng GD&ĐT cũng có chương trình vận động giáo viên, cán bộ công nhân viên trong trường hỗ trợ học sinh có nguy cơ bỏ học như mua quần áo, giày dép, mua gạo… động viên các em ra lớp. Nhà trường vận động mỗi một giáo viên đỡ đầu 1 - 2 em học sinh.

Con đường lầy lội đến Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1

Con đường lầy lội đến Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1

Năm học này với thầy giáo trẻ Lò Văn Thắng có một “bước ngoặt”, đó là Thắng tình nguyện xin đi dạy lớp 4 ở điểm trường lẻ xa nhất, cách trường chính - Trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 là 17km. Điểm lẻ này có 5 thầy cô tương ứng với các lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp có ít nhất 10 học sinh, nhiều nhất là 26 em. “Em muốn trải nghiệm ở những nơi khó khăn nhất khi còn đang tuổi thanh niên. Học sinh trường em gồm các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, các em rất chân thành, yêu thầy cô giáo. Em dự định ngoài việc lên lớp dạy học sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp xã hội, hướng dẫn học sinh các trò chơi tập thể, dân vũ…” - Lò Văn Thắng phấn khởi chia sẻ về những dự định cho năm học mới.

Thời điểm này, mối quan tâm lớn nhất của thầy Hiệu phó Hà Văn Cương chính là làm sao để học sinh có sách vở đầy đủ đến trường, 100% học sinh đủ độ tuổi ra trường lớp, hỗ trợ học sinh, vận động học sinh kết hợp với đoàn thể ở bản vận động học sinh ra lớp.

 “Giáo viên chúng tôi coi học sinh như thành viên trong gia đình, yêu thương và chăm sóc các em trong cuộc sống. Yêu trẻ, yêu nghề là động lực lớn nhất để chúng tôi vượt qua khó khăn, nhiệt huyết lên lớp mỗi ngày” - thầy Cương bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.