Chương trình khai giảng ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi để tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.
Đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên trước năm học mới
Về công tác chuẩn bị năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, ưu tiên các hạng mục như phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; phấn đấu bước vào năm học mới, các trường học có nhà vệ sinh và công trình nước sạch đảm bảo yêu cầu.
Tham mưu rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên/lớp đối với các cấp học; đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng giáo viên theo môn học.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó chú trọng hoạt động thu, chi đầu năm học, bảo đảm các khoản thu đúng quy định hiện hành; khắc phục triệt để tình trạng lạm thu; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra vi phạm.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhanh chóng ổn định kế hoạch năm học, đảm bảo nội dung chương trình giáo dục theo quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đầu cấp nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và rèn luyện mới thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, giao lưu giữa học sinh các lớp đầu cấp với học sinh các lớp trên;
Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống, cơ cấu tổ chức, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các tấm gương tiêu biểu của nhà trường; vị trí phòng học, phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu thể dục thể thao, nhà ăn, khu nội trú (nếu có); các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp; giới thiệu về sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo trong nhà trường nhằm khơi dậy sự yêu thích và hứng thú của học sinh với các môn học.
Giáo dục nền nếp, kỷ luật, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường
Với nội dung này, Bộ GD&ĐT yêu cầu phổ biến nội quy nhà trường; bộ quy tắc ứng xử; quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học lực, hạnh kiểm và các quy định khác của nhà trường;
Hướng dẫn học sinh hát Quốc ca, Đoàn ca, Đội ca, bảo đảm đúng nhạc, hát Quốc ca trên nhạc nền không lời (đối với học sinh Tiểu học hát Quốc ca trên nhạc nền có lời); thực hiện thường xuyên việc tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và bài thể dục chống mệt mỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT;
Hướng dẫn học sinh trang trí lớp học; sử dụng, giữ gìn, bảo quản trang phục, sách, vở, đồ dùng học tập; nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường và cách sử dụng, giữ gìn, bảo vệ công trình vệ sinh, nước sạch và các công trình phục vụ cho các hoạt động trong nhà trường. Tổ chức cho học sinh trực tiếp tham gia lao động, vệ sinh trường, lớp học, công trình vệ sinh trong trường học;
Giới thiệu các loại hình và khuyến khích học sinh đăng ký tham gia hoạt động các câu lạc bộ sở thích, tài năng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các diễn đàn trong trường; các hoạt động Đoàn, Đội.