* Ở các thành phố lớn, nhiều trường học công lập số học sinh tăng lên đến 60 - 70 em/lớp. Tình trạng lớp học quá đông không chỉ ở Hà Nội mà ở một vài địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Ông nghĩ sao về điều này và theo ông cần có những giải pháp như thế nào?
- Thời gian gần đây, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt ở các thành phố lớn đã khiến tốc độ gia tăng dân số và tăng dân số cơ học là rất lớn, tạo nên áp lực cho các địa phương về trường lớp. Số học sinh/lớp tăng lên so với quy định của Bộ GD&ĐT.
Tôi cho rằng, để giải quyết được vấn đề này, trước hết các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn phải làm tốt công tác quy hoạch, làm tốt công tác dự báo về tăng trưởng kinh tế - xã hội và dân số.
Cùng với đó giành kinh phí thỏa đáng để đầu tư, tăng cường mở rộng các cơ sở giáo dục, thành lập mới các cơ sở giáo dục. Qua đó, chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề nêu trên.
* Có thể thấy, năm nay Hà Nội là “điểm nóng” về vấn đề sĩ số học sinh trong một lớp học và số lớp của một khối trong trường học. Vậy theo ông, Hà Nội cần phải giải quyết câu chuyện này như thế nào?
- Tôi được biết Hà Nội cũng đặt ra một kế hoạch dài hơi là, trong những năm tới sẽ phải đầu tư xây dựng khoảng 500 trường mới. Đến thời điểm này, Hà Nội đã đầu tư xong được khoảng trên 200 trường. Tuy nhiên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất của Hà Nội vẫn chậm hơn so với tốc độ gia tăng dân số.
Hiện nay, một số trường của Hà Nội đang có những giải pháp, đó là: Tận dụng tất cả những cơ sở vật chất hiện có. Ví dụ: Họ dồn những phòng làm việc của giáo viên, hay những phòng lâu nay để làm công tác hành chính để sửa chữa, cải tạo thành phòng học, nhằm đáp ứng về số lớp học, đặc biệt là những trường tiểu học ở các lớp đầu cấp.
Ông Phạm Hùng Anh |
* Tại một số địa phương do ảnh hưởng của mưa lũ, trường học, thiết bị đồ dùng, sách vở bị cuốn trôi. Có vẻ năm học mới 2018 - 2019 này, ngành Giáo dục sẽ phải đối diện với rất nhiều áp lực không chỉ về quá tải về sĩ số mà còn về những điều kiện cơ sở vật chất. Vậy ngành sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào?
- Ngoài câu chuyện sĩ số, trong thời gian vừa qua, thiên tai đã xảy ra ở các địa phương gây thiệt hại nặng nề. Nhớ lại năm 2009, khi đợt lũ chồng lũ của hơn 10 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành Giáo dục. Sau đợt lũ đấy, ngành Giáo dục đã xây dựng kế hoạch hành động để phòng, chống giảm thiểu thiên tai trong các nhà trường.
Trong đó tập trung vào mấy việc: Một là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh và giáo viên để làm tốt công tác 4 tại chỗ. Đồng thời, Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học; xây dựng, cải tạo, sửa chữa trường lớp bằng nguồn vốn của Chính phủ cho các vùng khó khăn và vùng bị bão lũ. Đến thời điểm này, những vùng sâu, vùng xa vùng hay bị thiên tai, cơ sở vật chất đã được kiên cố hóa tương đối tốt.
Tuy nhiên thời gian vừa rồi, thiên tai diễn ra chủ yếu là ngập lụt và làm ảnh hưởng đến một số cơ sở giáo dục. Trước tình hình này, Bộ cũng đã có hướng chỉ đạo các địa phương, có phương án chuẩn bị từ trước và khắc phục những thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đặc biệt là dọn dẹp vệ sinh, bảo đảm môi trường chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức các đoàn đi thăm hỏi động viên hỗ trợ cho các vùng bị thiên tai.
Tôi cho rằng, với nỗ lực của giáo viên, học sinh và người dân thì sau lũ các cơ sở giáo dục đã khắc phục nhanh chóng để chuẩn bị bước năm học mới.
* Bước vào năm học mới 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương như thế nào để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học?
- Thực ra, không phải cứ đến năm học mới thì Bộ mới có chỉ đạo về chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học. Từ cuối năm 2017, Bộ đã yêu cầu các địa phương tổng rà soát lại cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Xây dựng kế hoạch phương án, trình cấp có thẩm quyền để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị.
Đến tháng 5/2018, 63 tỉnh thành trên cả nước đã hoàn thành việc này và đã lập kế hoạch để trình UBND các tỉnh. Tôi cho rằng, việc chuẩn bị của các địa phương là tương đối nhanh và tích cực.
* Được biết Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được trình lên Chính phủ. Vậy ông có thể thông tin về đề án này và những trọng tâm ưu tiên là gì?
- Về Đề án này, tôi xin đuộc thông tin một cách sơ bộ như thế sau: Để xây dựng được Đề án, chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh tổng rà soát và rà soát hai lần. Trên cơ sở đó chúng tôi tổng hợp lại, xác định các yếu tố cái trọng tâm.
Một là, phải đáp ứng đủ các phòng học, đồng thời xóa bỏ những phòng học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp hết niên hạn sử dụng.
Hai là, ưu tiên cải tạo, bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng cho các nhà trường.
Ba là, mua sắm, bổ sung các trang thiết bị dạy học cần thiết.
Đặc biệt Đề án hướng tới hỗ trợ cho các địa phương là những vùng khó khăn, những vùng hay xảy ra thiên tai.
Xin cảm ơn ông!