Bật mí bước chuẩn bị khi mở “mã ngành hot”

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế, đang là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. 

Thực hành lái xe nâng tại Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi
Thực hành lái xe nâng tại Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi

Nắm bắt nhu cầu nhân lực về logistics, một số trường CĐ, ĐH đã mở ngành này trong đó có Trường CĐ Kỹ nghệ 2 TPHCM.

Doanh nghiệp dẫn dắt nhà trường

Theo bà Mai Thị Thúy - Trưởng Bộ môn Kinh tế Trường CĐ Kỹ nghệ 2, hai năm trở lại đây, nhà trường quan tâm nhiều đến ngành logistics. Khi đi khảo sát, các doanh nghiệp về logistics cho biết đang “khát” nhân lực mà không có nguồn tuyển. Tuy nhiên, để mở một ngành học mới cần sự chuẩn bị kỹ càng. Vậy nên nhà trường đã dành 2 năm để chuẩn bị về nhân sự, chương trình trước khi mở ngành này.

Một điều có thể coi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là cùng với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp logistics cùng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực logistics có tay nghề cao.

Trường CĐ Kỹ nghệ 2 đã cử giáo viên đi học hỏi, tập huấn, sang nước bạn để mục sở thị cách thức, xây dựng chương trình đào tạo... Mới đây nhất, cán bộ, giảng viên của trường tham gia một khóa tập huấn cùng chuyên gia Australia trong 7 ngày, hiểu thêm về tiêu chuẩn nghề và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, chiến lược kết nối doanh nghiệp…

“Ở Việt Nam, theo truyền thống thì xây dựng chương trình rồi đề ra các tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Nhưng sau khóa học này, chúng tôi hiểu rằng với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp, các nhà trường sẽ điều chỉnh, xây dựng chương trình, như vậy đào tạo sẽ phù hợp hơn đối với thực trạng và nhu cầu của các ngành nghề đào tạo, đặc biệt là ngành logistics” - bà Mai Thị Thúy cho biết.

Marketing tên ngành để thu hút người học

Để đảm bảo mở ngành học mới sẽ tuyển được người học, Trường CĐ Kỹ nghệ 2 đã thực hiện cách “tiếp cận người học qua tên ngành quốc tế”.

Nhà trường vẫn để tên ngành chung là logistics nhưng với hai vị trí: Quản lý Kho - đào tạo tầm quản lý chứ không phải nhân viên. Nếu chỉ làm nhân viên kho, doanh nghiệp có thể tuyển người học từ lớp 7 - 12, chỉ cần một khóa huấn luyện tùy theo vị trí trong thời gian từ 3 - 7 ngày là có thể đảm nhiệm được. Hướng nhà trường tiếp cận là nhân viên quản lý có thể ứng dụng được một số công nghệ để phục vụ cho công việc ở kho.

Trong thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt để xây dựng tiêu chuẩn nghề và kỹ năng nghề cũng như định hướng nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai. 

Vị trí thứ hai là Nhân viên hành chính logistics. Hiện các công việc về thủ tục hành chính logistics, các công ty thường tuyển dụng người từ các chuyên ngành khác rồi về đào tạo lại.

Còn chuyên về hành chính logistics thì thị trường chưa có. “Chúng tôi tiếp cận hai lĩnh vực này cũng như nắm bắt tâm lý người học muốn nghe tên ngành hấp dẫn hơn. Nếu để tên ngành là Nhân viên kho, tôi biết có trường 2 năm nay không tuyển sinh được” - bà Mai Thị Thúy tiết lộ.

Bên cạnh đó, để tuyển sinh được, Trường CĐ Kỹ nghệ 2 đang lên chiến lược truyền thông về ngành học mới. Dự định năm 2019, trường sẽ tung nhiều đội tư vấn tuyển sinh ngành logistics đến các trường phổ thông.

Xây dựng doanh nghiệp chiến lược

Bà Mai Thị Thúy - Trưởng Bộ môn Kinh tế Trường CĐ Kỹ nghệ 2

Trường CĐ Kỹ nghệ 2 có một lợi thế là bề dày kinh nghiệm hợp tác với doanh nghiệp trong các ngành nghề. Từ năm 2010, ban lãnh đạo nhà trường đã xác định nhà trường và doanh nghiệp là hai thành tố rất quan trọng của thị trường lao động.

Ở thời điểm đó, các trường hầu như tiếp cận với doanh nghiệp với mong muốn để cho sinh viên có nơi thực tập, nhưng Trường CĐ Kỹ nghệ 2 tiếp cận một cách sâu hơn nữa, là yêu cầu các doanh nghiệp ký hợp đồng - đưa ra những doanh nghiệp chiến lược.

Mỗi khoa, mỗi bộ môn phải có 5 doanh nghiệp chiến lược cho ngành của mình, xác định hai bên cùng có lợi để từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo, kế hoạch tuyển dụng, cho sinh viên thực tập hưởng lương… Một số công ty ký bản giao ước với nhà trường để hai bên cùng thực hiện.

Trường CĐ Kỹ nghệ 2 cũng lên kế hoạch như vậy với các doanh nghiệp ngành logistics để tuyển sinh xác định trước đầu ra. Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Thúy, còn khá nhiều thách thức trong việc doanh nghiệp gắn kết với nhà trường trong đào tạo. Chưa có quy định chung nào trong việc kết hợp này mà tùy thuộc vào mối quan hệ giữa các bên.

“Đôi khi ngồi trên bàn thương thảo thì doanh nghiệp tỏ ra rất nhiệt tình, mong muốn được gắn kết với nhà trường trong đào tạo. Nhưng bàn thảo xong, đi vào thực tế thì hai bên lại có khoảng cách. Trường tha thiết cần doanh nghiệp, còn doanh nghiệp có lúc lại rất ơ hờ...” - bà Mai Thị Thúy bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.