Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên

Trường tiểu học thị trấn Than Uyên đã tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để tạo niềm vui, hứng thú cho học sinh khi tới lớp.

Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên

Xây dựng câu lạc bộ văn hóa

Năm học 2022 – 2023, trường tiểu học thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên , tỉnh Lai Châu có tổng số 989 học sinh. Học sinh chủ yếu là người Kinh và 2 dân tộc thiểu số là Thái và Mông. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, nhà trường đã tích cực đưa nội dung giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào trong trường học.

Đặc biệt, nhà trường đã triển khai hiệu quả mô hình Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian trong trường học. Qua đó, tạo cho học sinh niềm vui, hứng thú mỗi ngày đến lớp, góp phần nâng cao ý thức của các em trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên ảnh 1

Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian được trường Tiểu học thị trấn Than Uyên ra mắt để học sinh tìm hiểu về văn hóa các dân tộc.

Thầy Trần Đức Tiên, giáo viên Âm nhạc, trường Tiểu học thị trấn Than Uyên cho biết: “Khi được giao phụ trách Câu lạc bộ văn hóa thì tôi thường lựa chọn những bài hát dân gian hay để dạy cho các em học sinh. Hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi xây dựng kế hoạch theo nội dung chủ điểm. Chia ra các nội dung nhỏ như điệu hát dân ca Thái, khèn Mông và cho các em tham gia những trò chơi dân gian mang tính đặc thù của dân tộc”.

Tại một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian của trường tiểu học thị trấn Than Uyên, học sinh đã được thầy cô cho tập hát các làn điệu dân ca. Đồng thời, nhà trường cũng đã xây dựng góc văn hóa đồng bào dân tộc Thái và Kinh với những hình ảnh về đời sống thường ngày để các em được tìm hiểu, chiêm ngưỡng và tự hào về bản sắc của dân tộc mình.

Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên ảnh 2

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian.

Em Hồ Ánh Uyên - học sinh lớp 5A2, trường tiểu học thị trấn Than Uyên phấn khởi nói: “Em rất thích những buổi sinh hoạt câu lạc bộ như thế này, chúng em vừa được thư giãn sau những giờ học căng thẳng, vừa được tìm hiểu về văn hóa, học những bài hát, làn điệu dân ca của các dân tộc trên địa bàn huyện”.

Cũng theo thầy Trần Đức Tiên, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tìm hiểu về văn hóa dân tộc thông qua việc tham gia hoạt động trải nghiệm. Nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan không gian trưng bày văn hóa dân tộc tại Nhà truyền thống không gian văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Than Uyên.

“Các em được tham gia trải nghiệm, được chơi các trò chơi truyền thống và xem những dụng cụ lao động sản xuất của đồng bào dân tộc. Nhà trường cũng mời các nghệ nhân về hướng dẫn và giới thiệu nét văn hóa truyền thống của một số dân tộc sinh sống trên địa bàn. Từ đó, các em hiểu, ý thức được trách nhiệm bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa đó” – thầy Trần Đức Tiên chia sẻ.

Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên ảnh 3

Học sinh được xem dụng cụ lao động sản xuất của các dân tộc trên địa bàn.

Đa dạng hóa hình thức giáo dục

Thời gian qua, nhà trường đã chú trọng vào các hoạt động ngoại khóa cũng như hoạt động của Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân, văn nghệ dân gian. Qua đó, trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, nhà trường đã linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn văn hóa dân tộc một cách phù hợp.

Cô Nguyễn Lệ Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Than Uyên cho biết: “Các hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường được tổ chức phong phú, đa dạng và ngày càng đem lại hiệu quả cao. Điển hình như thiết kế các hoạt động ngoại khóa và các buổi chào cờ đầu tuần theo chủ đề, chủ điểm, trong đó nhà trường quan tâm đến chủ đề về bảo tồn văn hóa”.

Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên ảnh 4

Tham quan nhà truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Than Uyên.

Theo cô Thủy, qua các hoạt động này, học sinh sẽ được giáo viên giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc như các lễ hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống.

“Tất cả những nội dung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đều được giáo viên của trường nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm qua nhiều tài liệu, đồng thời dành thời gian thực tế. Nhờ thế, những giờ học ngoại khóa liên quan đến văn hóa đặc sắc của dân tộc bao giờ cũng được học sinh của trường thích thú, tham gia sôi nổi” - cô Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ.

Đặc biệt, vào giờ ra chơi giữa giờ nhà trường cũng đã khuyến khích các em học sinh chơi những trò chơi dân gian. Thông qua các hoạt động đó đã giúp cho học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học ở Than Uyên ảnh 5

Học sinh được tìm hiểu về văn hóa các dân tộc ngay trong trường học.

Sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp, đa dạng hóa các nội dung hoạt động của trường Tiểu học Than Uyên và tâm huyết, nhiệt tình của các thầy, cô giáo đã không chỉ giúp chất lượng giáo dục học sinh được nâng cao mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Than Uyên là địa phương có 10 dân tộc sinh sống nên cũng là địa phương đa dạng về bản sắc văn hóa. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học. Cùng với đó, tổ chức cho các em giao lưu với những câu lạc bộ của trường khác trên địa bàn huyện để giúp học sinh thấy được bức tranh văn hóa đậm bản sắc của mỗi dân tộc trên địa bàn” – cô Nguyễn Lệ Thủy nói.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.