Ngược đãi
“Hình thức người gây hại dùng thể chất (sức mạnh cơ thể, hung khí…) để đánh đập, hành hạ, trấn lột, sỉ nhục... người bị hại là dạng bạo lực phổ biến và chiếm đa số trong các vụ BLHĐ. Hình thức này đa phần xảy ra giữa học sinh với học sinh và tập trung nhiều ở lứa tuổi vị thành niên”, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, chuyên gia tư vấn trực tuyến tâm lý học đường (Tổng đài 19006580) cho biết.
Những biểu hiện của dạng bạo lực này thể hiện ở các hành vi như giật cặp, trấn tiền, giấu đồ dùng, giày dép, khăn quàng, xì lốp xe… hoặc tác động vào thân thể như gõ, đấm đánh, xô đẩy, cắt tóc, hắt nước, dính kẹo cao su, dùng đất cát, chất bẩn ném vào người bị hại.
Hình thức dùng thể chất để gây bạo lực còn thể hiện giữa giáo viên, nhân viên trong trường với học sinh. Dù tình trạng này chỉ là hãn hữu trong môi trường giáo dục như học sinh bị bảo vệ trường xâm hại tình dục, hành vi đánh đập, bắt quỳ, đứng xó lớp… của một số ít thầy cô khi học sinh mắc lỗi. Một số trẻ đang tuổi tập nói, tập đi được gia đình gửi trong các nhà trẻ, nhóm tư thục, trường mầm non cũng là nạn nhân của BLHĐ mà người hành hạ, ngược đãi lại chính là những cô giáo, bảo mẫu gắn bó với các em hàng ngày.
Mới đây, Tòa án Nhân dân Quận 12, TPHCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo nguyên là bảo mẫu tại cơ sở Mầm non Tư thục Mầm Xanh TPHCM về tội hành hạ người khác. Nạn nhân trong vụ án là 24 trẻ em được phụ huynh gửi tại trường. Các bé thường xuyên bị ba bảo mẫu tát, dùng vật dụng như thìa múc canh, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà… thậm chí cả bình nhớt, lưỡi dao để đánh đập, hành hạ trong lúc ăn, tắm rửa, vệ sinh, học tập… Vụ án gây phẫn nộ trong xã hội.
Dùng ngôn ngữ gây áp lực
Cũng theo bà Hiền, hình thức dùng ngôn ngữ gây bạo lực thể hiện qua việc người gây hại dùng lời nói, cử chỉ mang tính xúc phạm, dọa nạt, mắng mỏ, chửi bới, sỉ nhục, đổ oan, dựng chuyện, vu khống… gây khó chịu, xấu hổ, lo sợ, ức chế cho người bị hại.
Hình thức dùng ngôn ngữ gây bạo lực tập trung nhiều ở học sinh nữ đang lứa tuổi dậy thì. Đôi khi thầy cô cũng dùng hình thức này với học sinh. Có rất nhiều hành vi mang tính thụ động, nghĩa là người gây hại- kể cả cô và trò, chưa nhận thức đúng đắn về chuẩn mực, nội quy, quy tắc mà tự biến mình thành chủ thể gây ra bạo lực cho bạn bè hoặc học sinh của mình.
Đối với học sinh, việc cá nhân hay một nhóm có những lời nói mang tính chửi bới, xúc phạm, tẩy chay, đánh giá, nhận xét về ngoại hình, điều kiện gia đình, một cách giễu cợt, miệt thị, đổ oan, vu khống đối với bạn mình không phải là hiếm. Một số thầy cô do áp lực thành tích, học sinh học kém hay chưa ngoan nên không kiềm chế được nóng giận đã quát mắng, sỉ nhục, đổ oan cho học sinh…
Dù không nhiều nhưng những hành vi này để lại hậu quả rất nặng nề, gây tổn thương nghiêm trọng tới học sinh. Vụ việc về hai học sinh ở Hà Nội và TPHCM chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình khi để mất quỹ lớp cách đây vài năm khiến chúng ta không khỏi nuối tiếc, day dứt nhưng cũng hết sức lo lắng về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề của các em .
Dùng mạng xã hội gây bạo lực
BLHĐ không chỉ biểu hiện ở hình thức dùng vật chất, lời nói trực tiếp mà còn thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... nhắn tin, đe dọa, vu khống, tạo tin đồn, tung những hình ảnh nhạy cảm, những clip đánh nhau trên mạng xã hội... gây tổn thương nghiêm trọng cho người bị hại. Đây là hình thức mới bùng phát trong vài năm nay nhưng hậu quả của thì thật khủng khiếp.
Em Bùi Quang Huy, học sinh lớp 8 ở Yên Bái trước đó bị một nhóm học sinh dùng gậy cao su đánh, bắt quỳ, lạy xin tha trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè ngay gần khu vực cổng trường khiến em phải nằm viện một tuần. Sau khi ra viện, em vô cùng sốc khi clip quay cảnh mình bị đánh và làm nhục xuất hiện trên mạng xã hội khiến không chịu nổi nên đã tìm đến cái chết. Và mới đây, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An một học sinh nữ chăm ngoan, học giỏi đã nhảy ao tự tử để lại thư tuyệt mệnh vì bị bạn bè quay clip khi hôn một bạn trai cùng lớp và tung lên mạng.
Có thể thấy hành vi trong BLHĐ ngày càng muôn hình vạn trạng, đa dạng. Đã đến lúc chúng ta cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử có văn hóa, kỹ năng hòa giải cho các em trong các hoạt động tập thể. Đây là yếu tố quan trọng giúp các em hình thành phản xạ, biết tự kìm nén những cơn tức giận, biết giải quyết hài hòa vấn đề của bản thân mình.