Kỳ 2:
-> Kỳ I: Thanh Tịnh – chuyện xưa chuyện nay
Nỗi đau chia ly
(GD&TĐ) - Lên 11 tuổi, Thanh Tịnh học ở Trường Pen-lơ-ranh, cách nhà ga Huế khoảng 300 mét, trên đường Lê Lợi –Huế. Bạn học toàn nhà giàu, gia đình danh giá.
Thanh Tịnh với khuôn mặt hiền lành và đăm chiêu cố hữu |
Con nhà nghèo nên ông quyết tâm học thật giỏi. Năm 22 tuổi ông thi đỗ đip-lôm (trung học), bắt đầu sống tự lập, xin làm nhân viên thư viện ở trường Prô-vi-đăng (nay là cơ sở của Trường Đại học Khoa học Huế), để vừa làm, vừa học thi Tú tài.
Thi đỗ, ông được nhận vào Sở Điền địa. Do công việc chuyên môn, ông đi nhiều, về các vùng nông thôn. Đây là những chuyến đi thực tế quan trọng, mở rộng vốn hiểu biết về người nông dân, chuyện làng, xã, phong tục tập quán.
Từ đó, phần lớn truyện ngắn của ông được hình thành như truyện “Ngậm ngãi tìm trầm”, là chuyện ông được nghe dân tiều phu ở núi Truồi Phú Lộc kể.
Sau đó, do bất đồng với trưởng phòng người Pháp, Thanh Tịnh đến với nghề báo, làm thư ký biên tập cho tập san nghiên cứu nổi tiếng “Những người bạn của Huế cổ” (Les amis du vieux Huế), gần 6 năm, nhờ vậy ông biết nhiều về văn hoá, kiến trúc, phong tục của cố đô Huế. Trong thời gian làm thư ký tòa soạn, ông còn làm thêm hướng dẫn viên du lịch.
Sinh thời, Thanh Tịnh không muốn nói về gia đình. Do đó tên vợ ông, người ở đâu, nghề nghiệp... không có tài liệu nào công bố. Chỉ sau khi ông qua đời tại Hà Nội (17/7/1988), mới biết ông có vợ và một con trai tên là Trần Thanh Vệ trước khi từ Huế, ra Việt Bắc họp Đại hội Văn hóa (năm 1946, Thanh Tịnh lúc ấy là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung bộ). Đúng thời điểm toàn quốc kháng chiến, ông đi theo cách mạng, vào bộ đội.
Từ đó, chiến tranh đã chia cắt ông với quê hương, gia đình. Nguyễn Vỹ kể lại trên tạp chí Phổ Thông (Sài Gòn): Do hoàn cảnh chia cắt và điều kiện bất khả kháng, vợ Thanh Tịnh tái giá với một sĩ quan cộng hòa. Khoảng năm 1958 hay 1959 gì đó, một hôm nữ sĩ Trinh Tiên ở Nha Trang, vợ nhà văn Bửu Đáo vào Sài Gòn, ghé thăm tòa soạn. Sẵn điện thoại, bà Trinh Tiên gọi cho bà tỉnh trưởng Long An. Gọi xong, Trinh Tiên mỉm cười hỏi tôi:
- Anh có biết bà tỉnh trưởng Long An này là ai không?
- Tôi không quen.
- Vợ của anh Thanh Tịnh đấy.
Đất nước 30 năm chiến tranh, bao người phải chịu nỗi đau chia ly và hoàn cảnh Thanh Tịnh cũng không kém phần đớn đau. Hầu như cả đời ông chịu cảnh “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” (chữ của Thanh Tịnh). Bằng sự mã thượng của mình, đất nước thống nhất, Thanh Tịnh chỉ về Huế duy nhất một lần và việc ông làm trong lần ấy là viết đơn xin bảo lãnh cho người chồng sau của vợ. Một đại tá cách mạng bảo lãnh cho một đại tá chế độ cũ vì một người phụ nữ mà họ yêu thương!
Tiếng thở dài
Năm 1954, miền Bắc hòa bình, Thanh Tịnh là Đại tá QĐND, làm Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II. Phụ trách tờ Văn nghệ Quân đội, ông gắn bó với mảnh đất Thủ đô đến cuối đời. Những bạn văn sống cùng thời, đều hiểu hoàn cảnh của ông: Quê hương ở Huế nhưng cả đời hầu như sống trên đất Bắc. Huế trong ông gắn liền với những hoài niệm buồn thương day dứt.
Trong rất nhiều câu chuyện, rất nhiều giai thoại mà anh em văn nghệ sĩ Hà Nội vẫn lưu truyền về nhà thơ Thanh Tịnh, trong đó có một kỷ niệm đến giờ nhớ lại nhiều người rơi nước mắt. Thời bao cấp khó khăn, các nhà văn, nhà thơ ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi Thanh Tịnh nhiều năm gắn bó, phải làm thêm “kế hoạch 3” là dán bìa các tông thành hộp giấy.
Cuối năm ấy cơ quan được phân mỗi người một cân thịt lợn. Tất cả ngồi rán phần của mình thành mỡ để mang về nhà ăn Tết, đến lượt một nhà thơ trẻ, do đãng trí nên khi rán xong đã đổ ngay mỡ đang nóng vào chiếc can nhựa, lúc quay lại thì thấy chiếc can đã nhũn ra, mỡ chảy hết! Thanh Tịnh thương tình liền mang suất của mình tặng cho nhà thơ trẻ. Rất nhiều năm sau, nhà thơ ấy vẫn ân hận mãi “không hiểu sao lúc ấy tôi lại cầm suất thịt của bác Thanh Tịnh, tại sao tôi không nghĩ ra là tiêu chuẩn Tết thì ai cũng cần…”.
Cũng là chuyện về ngày tết xa quê hương của Thanh Tịnh, các đồng nghiệp của ông ở Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn kể với nhau: Thanh Tịnh không chơi hoa đào, thủy tiên, hoàng mai như Xuân Diệu, Huy Cận. ông chỉ thích... hoa giấy! Không hiểu, một số người lại nghĩ ông chơi Tết “tằn tiện”. Mãi về sau có người hỏi chuyện, ông bảo mình chơi hoa giấy để nhớ về quê mẹ - Huế, nơi ấy ngày Tết bao giờ cũng phải có hoa giấy làng Thanh Tiên.
Có thể nói, viết về Thanh Tịnh trong nỗi nhớ, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã “ký họa” chân dung ông rất tài tình: “Muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào, phải nhìn lúc ông đi bộ. Ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn. Không trù tính định liệu, không ham muốn, ông nhìn thẳng về phía trước mà hoá ra chẳng nhìn gì cả. Đến cả bước chân của ông cũng không ai nghe tiếng nữa. Chỉ có tiếng thở dài của ông là có thật”.
(Còn nữa)
VŨ HÀO