Bảo đảm an toàn học sinh cần phối hợp thực chất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc liên quan đến an toàn học sinh trước cổng trường học khiến dư luận xôn xao.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ngày 22/3, tại Đắk Lắk có 31 học sinh nghi bị ngộ độc sau khi nhận bóng bay từ 4 người lạ mặt trước cổng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Krông Ana), trong đó 18 em phải nhập viện điều trị. Ngày 24/3, trước cổng Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM), một học sinh bị kẻ xấu dụ dỗ với kịch bản “ba bị bệnh nhờ chú đón con tới bệnh viện”. Mới đây nhất, ngày 4/4, ở trước cổng Trường Tiểu học Cái Khế 2, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cũng xuất hiện nghi án người lạ mặt tìm cách tiếp cận học trò.

Bảo đảm an ninh trường học, an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng song song với hoạt động giáo dục. Bởi chất lượng chăm sóc, giáo dục chỉ có được khi nhà trường thực hiện tốt việc bảo đảm sức khỏe về thể chất, tinh thần cho học sinh; tạo cho các em không gian an toàn, thân thiện để học tập, vui chơi.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản về việc bảo đảm an toàn cho học sinh, trong đó có các Chương trình, Kế hoạch của Bộ GD&ĐT về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường. Tại các sở/phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh cũng được đặt lên hàng đầu.

Không chỉ quan tâm ở mọi khâu, có phương án xử lý khi sự việc phát sinh; kiểm tra kỹ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị như điện, thiết bị thực hành; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các trường còn tăng cường truyền thông, giáo dục kỹ năng sống để phụ huynh, học sinh nhận diện rõ nguy cơ và phòng tránh. Nhiều trường học không chỉ lắp camera, mà còn thực hiện mô hình bảo vệ chuyên nghiệp.

Công tác bảo đảm an toàn cho học sinh trong trường học được thực hiện khá chu toàn, hiệu quả, nhưng an toàn cho các em phía bên ngoài cổng trường lại khá cam go. Về nguyên tắc, nhà trường chỉ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh trong khuôn viên trường, nhưng trước nguy cơ mất an toàn cho các em từ những người có ý đồ, hành vi xấu, hàng rong, giao thông..., các nhà trường hiện nay đều đặc biệt quan tâm đến an ninh, an toàn trước cổng trường.

Tùy theo điều kiện thực tế về địa bàn dân cư hoặc tình hình an ninh, giao thông quanh khu vực trường và lứa tuổi học sinh mà mỗi trường có phương án triển khai khác nhau. Điểm chung là cơ sở giáo dục và chính quyền, công an địa phương ký kết quy chế phối hợp về việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.

Sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền địa phương, công an cơ sở đã góp phần hạn chế những “điểm nóng” gây mất ổn định an ninh bên ngoài cổng trường. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn tình trạng lỏng lẻo trong phối hợp; việc tuân thủ các nội quy, quy định của ngành và pháp luật ở không ít nơi, một số người chưa nghiêm túc. Quy trình tổ chức các hoạt động phối hợp đôi khi còn thiếu chặt chẽ, mang tính hình thức, chưa rõ người, rõ trách nhiệm.

Có nơi lực lượng dân phòng tham gia hỗ trợ trường tiểu học đầu và cuối buổi học, nhưng thay vì tập trung gác cổng, đảm bảo không có học sinh nào đến gần cổng trường mà không có người lớn đi kèm, thì chăm chăm nhiệm vụ trông giữ xe cho phụ huynh.

Những vụ việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh tại một số địa phương vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh trước cổng trường. Bên cạnh nỗ lực của nhà trường, phối hợp chặt chẽ của phụ huynh, cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ, thực chất hơn từ chính quyền địa phương, công an cơ sở và các tổ chức đoàn thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.