Đa dạng hình thức nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho học sinh

GD&TĐ - Ngay từ đầu năm học, các trường học tại TPHCM đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho học sinh.

Học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Hai ký cam kết thực hiện an toàn giao thông.
Học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Hai ký cam kết thực hiện an toàn giao thông.

Hình thành thói quen tốt

Đúng 2 tuần sau Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, trường THPT Nguyễn Thị Điệu (quận 3) đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Học sinh sinh viên TPHCM tổ chức sinh hoạt “Hành trình văn hóa giao thông” với những trải nghiệm thú vị và đầy bổ ích. Tại buổi sinh hoạt, các em học sinh đã được tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, những quy tắc khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn, đúng luật, hạn chế xảy ra rủi ro tai nạn.

Theo cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đối với học sinh cấp III, các em cần được tiếp cận nhiều hơn nữa kiến thức về Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, cần phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông. Trong đó, cha mẹ, thầy cô luôn nhắc nhở để các em hình thành những thói quen tốt như: Khi đã ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông là phải đội nón bảo hiểm, cài quai đúng cách, đi đường không được dàn hàng ngang, không kéo, đẩy xe...

Buổi sinh hoạt về “Hành trình văn hóa giao thông” tại trường THPT Nguyễn Thị Diệu.

Buổi sinh hoạt về “Hành trình văn hóa giao thông” tại trường THPT Nguyễn Thị Diệu.

Được biết, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Diệu phần lớn tự đi xe đến trường, rất ít em được cha mẹ, gia đình chở đi. Do vậy, việc tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành cho các em là rất quan trọng. Em Phan Hà Dương, cho biết: “Chúng em cũng biết một số kỹ năng và nguyên tắc cơ bản như: Trước khi sang đường thì phải quan sát, an toàn thì mới sang. Hay không được chở quá 2 người phía sau, không lạng lách đánh võng, phải đội nón bảo hiểm”.

Còn em Nguyễn Thị Thu Thảo cho rằng: “Nếu đi ra đường mà chủ quan chạy ẩu thì dễ gây tai nạn cho mình và người khác. Do vậy, buổi tuyên truyền của các cô chú công an mà trường tổ chức vừa qua rồi rất bổ ích, chúng em sẽ cần phải cận thận hơn để bảo vệ tính mạng của mình”.

Cũng trong tháng 9/2022, Trường THPT Phước Kiển (nhà bè) đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông huyện Nhà Bè tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh và giáo viên trong trường. Được biết đây là hoạt động thường xuyên được nhà trường tổ chức vào dịp đầu năm học mới nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh.

Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông đã thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông, hậu quả, di chứng, hệ lụy do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội, một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến...; giới thiệu các quy tắc khi tham gia giao thông; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật.

Học sinh, phụ huynh cam kết chấp hành

Thầy Ngô Huy Tuấn, Trường THPT Phước Kiển chia sẻ, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng an toàn giao thông cho học sinh tới trường-tháng 9 năm 2022” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông. Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng đội cờ đỏ học sinh hỗ trợ trật tự tại cổng trường. Cuối buổi học, nhà trường mở cổng trường cho cha mẹ học sinh vào đón con em và hướng dẫn cha mẹ học sinh đậu xe đúng quy định.

Đặc biệt nhà trường đã tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc đội nón bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe máy; không giao xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; bố trí giờ học, giờ tan học hợp lý để tránh ùn tắc giao thông. Đồng học sinh cũng ký cam kết với nhà trường không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi theo quy định; không tụ tập cổ vũ đua xe trái phép.

Trong đợt tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ tại trường Tiểu học Phạm Văn Hai (Bình Chánh) tổ chức trong cuối tháng 9 vừa qua, học sinh các khối lớp của trường đã được đại diện cảnh sát giao thông huyện Bình Chánh thông tin tuyên truyền “Đội viên, học sinh Tiểu học Phạm Văn Hai thực hiện tốt an toàn giao thông đến trường”, Luật an toàn giao thông đường bộ, giới thiệu về hệ thống biển báo giao thông đường bộ, tổ chức “Hái hoa dân chủ” về Luật an toàn giao thông đường bộ.

Trường THPT Phước Kiển tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Tháng an toàn giao thông cho học sinh tới trường-tháng 9 năm 2022”.

Trường THPT Phước Kiển tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Tháng an toàn giao thông cho học sinh tới trường-tháng 9 năm 2022”.

Thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Hai cho biết, nhà trường luôn chú trọng đến việc xây dựng thói quen cư xử văn hoá, đúng luật pháp, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông nhất là đối tượng học sinh, tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện.

Đặc biệt, hàng năm phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai ký cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không đi sai phần đường, làn đường, không chở quá người quy định, không chạy xe quá tốc độ cho phép. Đồng thời đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện, chấp hành tín hiệu đèn giao thông và người hướng dẫn giao thông, dừng đỗ xe đúng quy định. Đồng thời thực hiện đội mũ bảo hiểm đúng quy định cho học sinh, thực hiện hướng dẫn chạy xe an toàn khi đến trường.

“Việc tuyên truyền pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng, bởi nếu không may xảy ra tai nạn giao thông thì sẽ để lại hậu quả khôn lường. Đa số các em trực tiếp điều khiển xe tới trường, đường sá lại rất đông đúc. Do vậy, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, mục đích cho các em thấy được nguy cơ, tác hại và hậu quả tai nạn giao thông, giúp các em hình thành ý thức tự giác chấp hành luật và các quy định ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó sẽ giảm thiểu tai nạn”, cô Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.