Tất cả vì sức khỏe của học sinh
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho hay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường luôn là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo huyện Ba Vì.
Lãnh đạo ngành Giáo dục Ba Vì yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, các thông tin về an toàn thực phẩm (ATTP). Đồng thời, nâng cao kiến thức về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm góp phần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Trong đó nhấn mạnh đến nội dung "5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn" theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo ông Nguyễn Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về ATTP.
"Đặc biệt, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại trường học, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở, trường học, đơn vị không đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.
Công tác chế biến, bảo quản và vận chuyển thức ăn của trẻ phải đảm bảo đúng các quy định. |
Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Ba Vì cũng yêu cầu các trường học cần lựa chọn, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn. Vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh qua đường thực phẩm. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học, phòng chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học.
Tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm
Ghi nhận tại Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì), cô Phương Thị Bích Liên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này toàn trường có 15 phòng học với tổng số 402 học sinh. Công tác nuôi và dạy trẻ từ đầu năm được thực hiện theo đúng kế hoạch của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội. Cơ sở vật chất của trường vẫn còn một số khó khăn về điện ở khối 4 tuổi.
Toàn trường có 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công tác bán trú có phần mềm tính lượng dinh dưỡng cho trẻ để cân đối trong tuần. Nhà trường luôn tuân thủ các chỉ đạo của cấp trên về ATTP ngay từ khâu hợp đồng thực phẩm, ký, giờ giao nhận có đủ thành phần, khâu chế biến thực hiện đúng quy trình. Thức ăn được chế biến nóng sốt và được bố trí theo mùa để trẻ ăn ngon miệng. Phòng bếp có mành chắn côn trùng.
Trẻ được đổi món liên tục trong tuần để đảm bảo đủ dinh dưỡng theo định lượng có sẵn. |
Cũng theo cô Liên, công tác phối hợp giữa nhà trường với hội phụ huynh được thực hiện chặt chẽ. Phụ huynh học sinh rất nhiệt tình trong trao đổi với giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ phụ huynh nhận thức còn chưa cao nên chưa sát sao với con em mình. Còn lại đa số phụ huynh luôn đồng hành cùng các cô phòng chống dịch cho trẻ. Trường cũng tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Bố mẹ trẻ và cô giáo còn tìm vật liệu tái chế để làm đồ dùng, đồ chơi cho học sinh.
"Theo kế hoạch dự kiến, nhà trường sẽ được huyện đầu tư xây dựng để mở rộng thêm khoảng 5.000 m2. Trong tháng 10/2022, Ban quản lý dự án huyện sẽ khởi công. Hiện tại, sĩ số trẻ/lớp đủ số lượng theo đúng điều lệ trường mầm non. Khối Nhà trẻ có 80 trẻ/3 lớp, mỗi lớp không quá 30 trẻ và có 2 cô giáo. Công tác bán trú luôn đảm bảo đúng quy trình và chất lượng bữa ăn nên phụ huynh rất yên tâm khi gửi con tại trường" - cô Phương Thị Bích Liên cho hay.