Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, giá gạo tăng mạnh là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau...
Còn trong Báo cáo trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách bởi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của các vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ...
Theo thống kê, sản lượng xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2023 của nước ta đạt 4,84 triệu tấn. Về giá, hiện loại gạo 5% tấm xuất khẩu đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua; giá gạo 25% tấm là 598 USD/tấn.
So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% và 25% tấm của nước ta đã tăng khoảng 85 USD/tấn. Các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu cũng tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Về diện tích, năm nay cả nước gieo trồng 1,7 triệu ha, sản lượng dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, tăng 1,8 - 2% so năm 2022. Trong khi đó theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN&PTNT, lượng lúa dùng cho bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác như chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống... khoảng 29,5 triệu tấn/năm nên vẫn còn khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 7 - 8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.
Như vậy, về tổng thể, từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, không vì thế mà cả cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp có thể “lơ là” trách nhiệm của mình trong bảo đảm an ninh lương thực cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp, nông dân.
Bởi như quan điểm của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thì phải đánh giá kỹ và phải hết sức bình tĩnh trước các vấn đề để có giải pháp phù hợp nhất. Ngay từ đầu năm Bộ NN&PTNT đã bàn bạc kỹ với Bộ Công Thương và khẳng định năm nay vẫn bảo đảm sản xuất 43,1 triệu tấn lúa, tương đương 20 triệu tấn gạo.
Nhưng sau khi có biến động về tình hình lúa gạo những ngày qua, Bộ càng phải quan tâm hơn tới các vùng sản xuất và đã cử nhiều đoàn công tác đến các tỉnh để đánh giá tình hình vì an ninh lương thực rất quan trọng.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho rằng, các cơ quan chức năng phải quản lý được sản xuất vì đây là yếu tố tiên quyết trong định hướng sản xuất trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường có thể ảnh hưởng tới năm sau.
Bộ Công Thương cũng cần xem xét đưa cơ chế quản lý hợp đồng vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 107 của Chính phủ vì trước Nghị định 107, Nghị định 109 có nội dung quản lý, theo dõi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng và lượng tồn kho để khi điều hành vĩ mô có chỉ đạo kịp thời nhưng hiện nay chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc...
Phải nhấn mạnh thêm rằng trong Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Cho nên vấn đề là phải vừa tận dụng được cơ hội để xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.