Chung tay đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, “Tuần lễ an ninh lương thực và đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” chính thức được diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 18/8.

Chung tay đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu

Hoạt động của Tuần lễ an ninh lương thực bám sát và góp phần làm nổi bật một trong những ưu tiên của năm APEC 2017 là Tăng cường An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự kiện này do Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Ban thư ký APEC tổ chức, dự kiến có gần 1.500 lượt đại biểu tham dự đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách…

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, trong nhiều thập kỷ qua, tình hình sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là ở các nước đang phát triển.

Số liệu từ Tổ chức lương thực và nông nghiệp (Liên Hiệp Quốc) cho thấy trên thế giới hiện có gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

Đáng lo hơn là tình trạng đất nông nghiệp đang suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp ngày càng khan hiếm. Đặc biệt là những tác động tiêu cực của biến đối khí hậu ngày càng gay gắt đã đặt ra những thách thức to lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực đối với 7,5 tỉ người trên thế giới.

Riêng vùng ĐBSCL của Việt Nam trong năm 2016 đã gánh chịu đợt hạn hán, xâm nhập mặn được xem là khốc liệt nhất trong lịch sử, ước thiệt hại nông nghiệp lên đến hàng ngàn tỉ đồng…

Chính vì vậy, đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Việc làm này không thể giải quyết đơn lẻ mà tiên quyết phải có các giải pháp tổng thể giữa chiến lược phát triển nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn nhân lực, cùng nhiều bất cập khác đã tạo ra những rào cản cho việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Để vượt qua những rào cản đó, phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao… là những vấn đề trọng điểm, cần được tăng cường hợp tác sâu rộng trong các nền kinh tế thành viên.

Tuần lễ an ninh lương thực tại Cần Thơ sẽ diễn ra từ ngày 18 - 25/8 với nhiều hoạt động quan trọng. Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm góp phần đảm bảo an ninh lương thực đang là mối quan tâm chung, trọng điểm và cần được tăng cường hợp tác sâu rộng của tất cả các nền kinh tế APEC.

Hoạt động này nhằm triển khai các Tuyên bố của lãnh đạo cấp cao năm 2015 về thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, tăng cường hợp tác với các bên liên quan trong ứng phó với các thách thức chung; Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa và cụ thể hóa cam kết đã nêu trong Tuyên bố cấp Bộ trưởng về An ninh lương thực và Tuyên bố cấp Bộ trưởng Thủy sản và Đại dương (2012, 2014 và 2016)…

APEC - viết tắt của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, là một diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên vành đai Thái Bình Dương. Đây là khu vực có sản lượng nông nghiệp lớn, xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, dân số khoảng 2,8 tỉ người (chiếm khoảng 40% dân số thế giới); chiếm 57% GDP của thế giới.

APEC - viết tắt của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, là một diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên vành đai Thái Bình Dương. Đây là khu vực có sản lượng nông nghiệp lớn, xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, dân số khoảng 2,8 tỉ người (chiếm khoảng 40% dân số thế giới); chiếm 57% GDP của thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ