'Chống sốc' cho an ninh lương thực

GD&TĐ - Nga rời thỏa thuận quốc tế 'Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen' và vấn đề nóng lên toàn cầu đã khoét sâu vào tình trạng mất an ninh lương thực của thế giới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chỉ trong tháng 7, việc Nga rời thỏa thuận quốc tế “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” và vấn đề nóng lên toàn cầu đã khoét sâu vào tình trạng mất an ninh lương thực của cả thế giới. Ấn Độ đã nhanh chóng phản ứng bằng cách cấm xuất khẩu gạo khiến thị trường lương thực tiếp tục đón cú sốc.

Hồi tháng 7/2022, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng thoả thuận với Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực sau xung đột Nga – Ukraine. Sau khi sáng kiến đi vào hoạt động trong một năm, hôm 17/7 vừa qua, Nga thông báo không gia hạn thêm thỏa thuận.

Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 32,9 triệu tấn ngũ cốc đã rời Biển Đen, trong đó có 16,9 triệu tấn ngô và 8,91 triệu tấn lúa mì. Hầu hết nguồn cung đến từ Ukraine, vựa lúa mì của châu Âu và di chuyển đến khoảng 45 quốc gia trên 3 châu lục. Thoả thuận đã giúp hạ giá nhiều loại lương thực như lúa mì sau khi mặt hàng này tăng giá chóng mặt vì lạm phát.

Tuy nhiên, Nga cho biết nguồn cung lương thực được vận chuyển qua hành lang ngũ cốc không đến được các nước nghèo nhất thế giới nên đã rút khỏi thỏa thuận.

Điều này có nguy cơ cắt đứt nguồn viện trợ của Chương trình Lương thực Thế giới đối với các quốc gia có nguy cơ xảy ra nạn đói như Somalia, Ethiopia, Afghanistan... và khoét sâu vấn đề an ninh lương thực ở những khu vực đang vật lộn với xung đột, khủng hoảng kinh tế và hạn hán.

Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, thế giới ghi nhận các đợt nắng nóng gay gắt gây nguy cơ mất mùa, khiến toàn bộ hệ thống lương thực toàn cầu gặp nguy hiểm. Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo tháng 6 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu còn trong tháng 7 sẽ có một số ngày, tuần nóng vượt ngưỡng kỷ lục của các tháng trước đó.

Nhiệt độ tăng cao khiến nguy cơ mất mùa tăng theo, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực và giá cả. Vào năm 2022, những đợt nắng nóng đã giết chết hơn 61 nghìn người ở châu Âu và làm giảm sản lượng nông nghiệp của lục địa này. Cùng năm, một đợt hạn hán lịch sử xảy ra tại Trung Quốc đã dẫn đến mất mùa còn nắng nóng ở Ấn Độ làm giảm khả năng xuất khẩu lúa mì.

Những thảm họa trên kết hợp với xung đột Nga – Ukraine đã góp phần làm gia tăng nạn đói trong năm nay và nhiều năm tới. Chương trình Lương thực Toàn cầu tại Anh cảnh báo nếu không có giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu, nhân loại sẽ chứng kiến nạn đói khủng khiếp chưa từng thấy.

Dù vậy, tại nhiều quốc gia trên thế giới, thực phẩm được sử dụng lãng phí. Hai thực trạng trái ngược đã chỉ ra các hệ thống lương thực toàn cầu bị mất cân bằng, gây bất bình đẳng trong xã hội và bất bình đẳng giữa các quốc gia.

Tình trạng mất an ninh lương thực đã được cảnh báo trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ lại trở nên cấp bách như hiện nay. Cùng với việc hỗ trợ các nước nghèo thoát khỏi nạn đói, thế giới cần phát triển hệ thống lương thực bền vững và đưa vấn đề an ninh lương thực vào các chương trình nghị sự đa phương trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.