Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019 - 2020 của Bộ Y tế, chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia, đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tăng 3,7 cm so với năm 2010
Chỉ sau 3 năm học, Nguyễn Ngọc Đạt, 18 tuổi, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Long Thành, Đồng Nai) đã cao vọt lên 1,8m, dù những năm tiểu học, chiều cao của em khá khiêm tốn. Anh Nguyễn Ngọc Trí - cha của Đạt cho biết: “Tôi ngạc nhiên vì hai vợ chồng chỉ tầm 1,65m nhưng Đạt lại cao như vậy. Chiều cao này là xếp vị trí nhất nhì trong dòng họ”.
Gia đình cho biết thêm, bên cạnh ăn uống bảo đảm, Ngọc Đạt chơi thể thao như cầu lông, bơi lội, võ thuật ngay từ nhỏ. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân giúp nam sinh đạt chiều cao tốt. Với chiều cao và sức khỏe tốt, học lực giỏi, Đạt trúng tuyển vào 2 trường đại học về thể dục thể thao tại TPHCM.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM) cũng quan tâm đến việc rèn luyện thể lực đối với sức khỏe thể chất cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Theo cô Đặng Bích Trâm - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5, đơn vị chú ý cải thiện thể lực và trí lực, khuyến khích các em tham gia hội thi thể thao, vận động. Do đó, tầm vóc của học sinh ngày nay được cải thiện, tỷ lệ thấp còi giảm.
Nguyễn Ngọc Đạt là một trong những trẻ em Việt Nam có chiều cao được cải thiện đáng kể. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019 - 2020 của Bộ Y tế, có sự thay đổi mạnh về chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi.
Cụ thể, thanh niên 18 tuổi Việt Nam vào năm 2020 đạt chiều cao trung bình 168,1cm (tăng 3,7cm so năm 2010), nữ năm 2020 đạt chiều cao trung bình 156,2cm (so với 154,8cm vào năm 2010).
Cô Lê Thị Hường - nhân viên y tế Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang (TP Thủ Đức, TPHCM) nhận định: Trong 3 năm trở lại đây, học sinh tăng về chiều cao và cân nặng so với trước. Những học sinh dư cân phát triển nhanh cả chiều cao, cân nặng; còn một số em thiếu cân, suy dinh dưỡng phát triển chậm hơn. Trung bình sau 6 tháng cân và đo chiều cao, học sinh tăng 1 - 2kg và 2 - 3cm. Dịp nghỉ hè, các em thường tăng cân và chiều cao nhanh hơn.
Mỗi năm học, nhà trường tổ chức 2 lần khám sức khỏe. Đầu năm học mới, nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP Thủ Đức khám sức khỏe cho học sinh.Vào giữa học kỳ 2, y tế nhà trường tổ chức cân và đo chiều cao. Qua đó, nhà trường nắm tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của học sinh; sàng lọc các em béo phì, thừa cân, suy dinh dưỡng để phối hợp cùng gia đình đưa ra chế độ ăn, nghỉ và tập thể dục hợp lý.
Học sinh tham gia giải Bóng rổ học sinh TPHCM năm 2023. Ảnh: ITN |
Thu hẹp khoảng cách
Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019 - 2020 của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức 1925kcal/người/ngày năm 2010. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) từ 23,4% vào năm 2010 giảm còn 14,8% vào năm 2020.
Dinh dưỡng tốt đã tạo tiền đề cho việc tăng trưởng chiều cao của trẻ. Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chế độ dinh dưỡng cho học sinh theo từng độ tuổi đóng vai trò quyết định đến sự phát triển toàn diện, cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái, tiếp thu tốt trong học tập. Đối với trẻ từ 6 - 15 tuổi, mỗi năm chiều cao sẽ tăng khoảng 5,5 - 7,5cm. Ở giai đoạn này, chế độ ăn ngoài đáp ứng nhu cầu năng lượng thì mục tiêu chính là đảm bảo trẻ được phát triển tối đa chiều cao.
Bên cạnh chăm lo dinh dưỡng từ gia đình, nhà trường, việc tạo điều kiện cho trẻ phát triển vận động cũng đóng vai trò quan trọng để quyết định chiều cao. Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, giúp bộ môn Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường được quan tâm toàn diện. Qua đó, nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh, thúc đẩy phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe trong và ngoài nhà trường.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011, trong đó đảm bảo chất lượng dạy và học thể dục chính khóa, hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa; xây dựng chương trình giáo dục thể chất hợp lý có kết hợp với giáo dục quốc phòng, triển khai đồng bộ với công tác y tế học đường và dinh dưỡng học đường; cải thiện và tăng cường điều kiện phục vụ hoạt động thể dục, thể thao trong trường học...
Với sự quan tâm của Nhà nước, trường học và gia đình về dinh dưỡng và vận động, chiều cao và thể lực của học sinh Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ. Sở Y tế Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế giai đoạn 2022 – 2030; trong đó, đặt mục tiêu tới năm 2030, chiều cao của nam thanh niên sẽ đạt 170,5cm và nữ là 159cm. Còn TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình nam là 168,5cm và nữ là 157,5cm.
Các chuyên gia nhận định, mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990 - 2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản (giai đoạn 1955 - 1995). Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì sự cải thiện này trong những năm tới, Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với các nước khác ở châu Á.
Một số quốc gia trên thế giới đã đưa vào chương trình giáo dục nội dung về dinh dưỡng cho học sinh. Nhật Bản có Luật Dinh dưỡng học đường năm 1954 và luật Giáo dục dinh dưỡng năm 2005. Vì vậy, Chương trình Bữa ăn học đường của quốc gia này được xem là thành công trong việc thúc đẩy chiều cao. Úc cũng giáo dục trẻ em về thực phẩm trong Chương trình lựa chọn thực phẩm thông minh.