Khi bàn ghế lớp học 'làm khó' thầy, trò

GD&TĐ - Nhiều trường học vẫn sử dụng bàn - ghế liền nhau; bàn ghế không đúng kích cỡ.

Học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Duy Tân ngồi học trong những bộ bàn ghế cũ, ghế được gắn cứng với bàn.
Học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Duy Tân ngồi học trong những bộ bàn ghế cũ, ghế được gắn cứng với bàn.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh, đặc biệt là những lớp cuối cấp phải ngồi bó gối, lệch người trong thời gian dài. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong lớp theo chương trình mới cũng gặp nhiều khó khăn khi xê dịch bàn ghế.

Cũ và không phù hợp

Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có 14 phòng học/32 phòng sử dụng bàn ghế kiểu cũ. Thầy Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Đây là những bộ bàn ghế thiết kế theo kiểu ghế đi liền với bàn. Số bàn ghế này được sử dụng từ rất lâu nhưng chưa thể thay thế vì nhà trường không đủ kinh phí. Do kích cỡ bàn ghế khá nhỏ so với chiều cao của học sinh các lớp cuối cấp tiểu học nên nhà trường bố trí ở phòng học của khối lớp 1-2 là chủ yếu. Tuy nhiên, vẫn có một số phòng học ở các lớp 4 - 5 sử dụng bàn ghế liền”.

Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có khoảng 1/3 số lớp ở cấp THPT đang ngồi bàn ghế theo kích cỡ của học sinh THCS. Theo cô Trần Thị Kim Vân, có tình trạng này do sự không đồng bộ trong trang bị cơ sở vật chất khi chuyển sang mô hình trường 2 cấp học.

Dù bàn ghế được thiết kế rời nhưng với học sinh THPT, nhất là những em phát triển vượt trội về chiều cao thì rất chật chội và không thoải mái khi ngồi học trong thời gian dài”, cô Vân trao đổi.

Dạy học Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Minh Xuân - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/7, Trường Tiểu học Duy Tân sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực như khăn trải bàn, qua trạm, phòng tranh, ổ bi… Với bàn ghế được thiết kế ghế gắn cứng, học sinh rất khó để di chuyển và quan sát với bàn khi tham gia trò chơi phòng tranh.

“Lớp được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm có khoảng 8 em. Sau khi các em thảo luận, thống nhất sẽ di chuyển đến bảng nhóm được gắn ở tường để đính kết quả. Với hình thức tổ chức này, học sinh phải di chuyển nhanh và nhiều. Trong khi đó, ghế được gắn cứng với bàn, nếu không ngồi ở vị trí ngoài cùng, các em bước ra khỏi bàn rất vướng; khó quan sát bài tập của nhóm mình ở bảng nhóm”, cô Xuân phân tích.

Không chỉ làm khó học sinh, chia sẻ của cô Minh Xuân, kiểu bàn liền ghế khiến giáo viên mất thời gian khi tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng làm việc nhóm. Lớp học phải mất từ 5 - 7 phút để dịch chuyển bàn ghế. Chưa kể, bàn liền với ghế nên khi sắp xếp bàn để học sinh làm việc nhóm rơi vào tình huống thừa bàn; học sinh khó để quan sát do bàn quá dài. Nhưng nếu chỉ sử dụng 2 bàn để các em ngồi tập trung thì lại thiếu ghế.

Bàn ghế cùng chung kích cỡ nên học sinh ngồi những dãy sau cùng rất gò bó, chật chội. “Đây đều là em cao hơn các bạn cùng lớp nên rất khó để duỗi chân. Muốn duỗi chân phải nghiêng người. Nếu bàn ghế rời, chỉ cần kéo dịch ghế ra sau một chút là có không gian rộng hơn”, cô Xuân cho biết. Vì vậy, với học sinh ở các dãy bàn cuối lớp, cô Xuân luôn khuyến khích các em có thể đứng dậy vươn vai ngay cả trong tiết học để đỡ… mỏi người.

Học sinh cấp THPT của Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến ngồi bàn ghế theo kích cỡ của cấp THCS.

Học sinh cấp THPT của Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến ngồi bàn ghế theo kích cỡ của cấp THCS.

“Nới” kích cỡ bàn ghế

Thầy Nguyễn Hỷ cho biết, khi thống kê số lượng bàn ghế cần trang bị mới, nhà trường thường đề xuất kích cỡ để sử dụng cho khối lớp 4 - 5. “Thể trạng học sinh thành phố đã phát triển vượt xa so với quy định về kích cỡ bàn ghế. Vì vậy, để phù hợp với chiều cao, cận nặng của trò, chúng tôi luôn đăng ký bàn ghế theo kích cỡ lớn nhất của cấp tiểu học. Với những em có thể trạng nhỏ, nhà trường có sẵn những bộ bàn ghế cũ để bố trí phù hợp. Nếu chỉ đặt đúng kích cỡ bàn ghế cho học sinh khối 1 - 2 thì có em phải khom lưng ngồi học”, thầy Hỷ chia sẻ.

Tại Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, theo nhận xét của cô Trần Thị Kim Vân, dù nhà trường đặt bàn ghế theo kích cỡ lớn nhất của cấp học thì vẫn bị “lệch” khi học sinh lên lớp cuối cấp. “Nếu chúng tôi đồng loạt đặt bàn phù hợp với thể trạng của học sinh lớp 9 theo quy định thì trong thực tế, số bàn ghế đó phù hợp cho khối lớp 6 - 7 - 8. Khi lên đến lớp 9 không còn hợp với vóc dáng của các em nữa”, cô Vân phân tích.

Vì vậy, theo cô Kim Vân, giải pháp tối ưu nhất vẫn là thiết kế bàn ghế thông minh. Học sinh có thể tự điều chỉnh độ cao bằng cách nâng, hạ và cố định bằng ốc vít. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh kích thước bàn ghế trong quy định của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLTBGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của liên Bộ gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

“Hằng năm, các trường đều tổ chức khám sức khỏe học sinh vào đầu năm học. Trong số này, có số đo và cân nặng của học sinh. Đây là thông số có thể tham khảo để làm căn cứ điều chỉnh quy định liên quan đến bàn ghế phù hợp với thể trạng của học sinh”, cô Vân gợi ý.

Em Đức Khang, học sinh lớp 11/2, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến chia sẻ, khi chép bài, em và các bạn phải cúi người xuống mới viết được. Muốn duỗi chân sẽ đụng phải các bạn ngồi ở phía trước; những bạn ngồi dãy đầu có khi chân chạm tới bục giảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ