Chủ động điều chỉnh 'chuẩn' bàn ghế học sinh

GD&TĐ - Theo các nhà giáo và chuyên gia giáo dục, một số tiêu chuẩn về bàn ghế không còn phù hợp với thể trạng học sinh hiện nay.

Cô Lý Thị Thu trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Lý Thị Thu trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Trong lúc chờ sửa đổi, điều chỉnh một số quy định liên quan đến vấn đề này, các cơ sở giáo dục, địa phương cần chủ động gỡ khó, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học trò.

Cô Lý Thị Thu (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Máng, Mèo Vạc, Hà Giang): Không nên “đồng phục” bàn ghế

Tôi được giao chủ nhiệm lớp 2C, với 26 học sinh. Đa số học sinh trong lớp có chiều cao 1 - 1,1m, thậm chí có em chưa được 1m. Thực trạng này cũng tương tự ở các lớp trong cùng khối 2. Cũng vì thế mà một số bàn ghế học tập trong lớp thuộc diện “quá khổ” so với học sinh thấp, còi. Khắc phục tình trạng này, chúng tôi phải kê, đệm ghế ngồi hoặc lựa chọn ghế ngồi có độ cao phù hợp với từng học sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế và mang tính chất tương đối.

Tôi cho rằng, không nên thực hiện “đồng phục” về kích thước bàn ghế học tập của học sinh trên toàn tỉnh hoặc toàn quốc. Thay vào đó, chỉ nên quy chuẩn về chất lượng tối thiểu. Còn tùy theo điều kiện của cơ sở giáo dục, địa phương sẽ lựa chọn chủng loại, chất lượng khác nhau nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu.

Còn về kích thước bàn ghế, các quy định nên có độ mở và giao cho địa phương thực hiện khảo sát hiện trạng và thực tế thể trạng của học sinh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đặt hàng thiết kế, mua sắm bàn ghế phù hợp; tránh lãng phí và bảo đảm sức khỏe cho người học.

Cô Hà Thị Thu (Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước, Thanh Hoá): Tiêu chuẩn có lỗi thời?

Cô Hà Thị Thu. Ảnh: NVCC

Cô Hà Thị Thu. Ảnh: NVCC

Năm học 2023 - 2024, nhà trường có gần 800 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12; trong đó có gần 200 học sinh THCS, số còn lại là học sinh THPT. So với 10 năm trước, thể trạng của học sinh có nhiều khác biệt cả về cân nặng và chiều cao.

Cách đây 10 năm, trung bình chiều cao của nam học sinh lớp 9 khoảng 1,3 - 1,4m còn học sinh lớp 11, 12 cao khoảng 1,4 - 1,5m, thì nay học sinh của những khối lớp này có sự phát triển vượt trội. Bước vào lớp 8, hầu hết trò phát triển “đột biến” về chiều cao, cân nặng; nhiều em học lớp 9 đã cao hơn 1,7m; một số học sinh THPT cao 1,75m, cá biệt có em còn cao hơn.

Từ thực tế trên, nhà trường phải linh hoạt trong việc sắp xếp bàn ghế cho học sinh. Theo đó, trong một lớp học sẽ có nhiều kích thước bàn ghế khác nhau, nhất là với học sinh từ lớp 8 đến lớp 12, vì ở lứa tuổi này nhiều em trong giai đoạn phát triển nhanh về chiều cao và cân nặng nên có sự khác nhau về chỉ số.

Với những học sinh thấp, bé, chúng tôi sử dụng bàn ghế có kích thước tiêu chuẩn bàn ghế học sinh theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLTBGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của liên Bộ gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế (Thông tư 26). Còn những học sinh cao lớn được bố trí bàn ghế có kích thước “nhỉnh” hơn một chút.

Theo tôi, học sinh vùng thành thị hoặc những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, thể trạng còn phát triển hơn nữa. Vì thế, một số tiêu chuẩn bàn ghế học sinh theo Thông tư 26 không còn phù hợp. Bộ GD&ĐT, các cơ quan hữu quan, địa phương cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26. Theo đó, nên điều chỉnh theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế để phù hợp với thể trạng của học sinh hiện nay.

Nên chăng giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc mua sắm bàn ghế, vì chỉ có thầy, cô giáo trong trường mới hiểu và nắm vững thể trạng của học sinh. Trên cơ sở khảo sát sẽ có “thiết kế” riêng (nếu cần) cho những học sinh thuộc diện đặc biệt, bảo đảm trò nào cũng có bàn ghế học tập phù hợp với thể trạng. Muốn vậy, các quy định cần có độ mở, linh hoạt để cơ sở giáo dục và địa phương có thể vận dụng. Tất nhiên, thông tư hoặc văn bản hướng dẫn cũng cần có những quy chuẩn chung ở mức tối thiểu để các trường có “điểm tựa” khi triển khai.

Ông Lê Tuấn Tứ (đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa): Chủ động ứng phó

Ông Lê Tuấn Tứ. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Lê Tuấn Tứ. Ảnh: Quochoi.vn

Thông tư số 26 quy định bàn ghế trong trường học được chia thành 6 cỡ số cho học sinh có chiều cao từ 1m - 1,75m. Mỗi cỡ số được quy định cụ thể về kích thước cơ bản của bàn ghế, cách bố trí bàn ghế trong phòng học, bảo đảm phù hợp với đa số học sinh có thể trạng bình thường.

Thông tư số 26 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2011, đến nay được hơn 12 năm, do đó có thể có một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Bởi thể trạng của học sinh khác nhiều so với 10 năm trước đây. Nhất là các thành phố, thị xã, thị tứ… điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nên các em được nuôi dưỡng tốt; do vậy, thể trạng cũng phát triển hơn trước. Nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 đã có chiều cao hơn 1,7m; thậm chí là 1,7m - 1,8m. Vì thế, một số quy định về tiêu chuẩn bàn ghế tại Thông tư 26 cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 26 cần được làm bài bản, khoa học dựa trên nghiên cứu khảo sát thực tiễn và phân tích chuyên môn về sức khỏe học đường. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức khảo sát tại tất cả vùng, miền trên cả nước nhằm đánh giá thực tế thể trạng học sinh. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra quy chuẩn sát với thực tế. Các quy chuẩn nên có tầm nhìn ít nhất ở mức trung hạn, tránh bị “lạc hậu” sau một vài năm thực hiện.

Tuy nhiên, khi Thông tư 26 vẫn có hiệu lực và chưa được điều chỉnh, các địa phương nên chủ động khảo sát, đánh giá thực tế thể trạng học sinh trên địa bàn để lựa chọn kích cỡ số bàn ghế phù hợp. Các địa phương, trường học không nên máy móc thực hiện khi nhận thấy bất cập về kích thước bàn ghế với thể trạng của các em. Hãy nghĩ đến những gì tốt đẹp nhất và coi các em là trung tâm của mọi hoạt động về giáo dục, dạy học.

“Chúng tôi mong muốn và đề xuất, các lớp học được đầu tư, trang bị những bộ bàn ghế thông minh. Theo đó, bàn ghế có thể nâng lên, hạ xuống hoặc thu gọn… nhằm đáp ứng nhu cầu của từng học sinh”, cô Hà Thị Thu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...