Bàn cờ điều binh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau hơn 2 năm xung đột, chiến trường Ukraine chứng kiến những diễn biến mới về lực lượng trong đó mở ra lo ngại có sự tham dự của binh sĩ bên thứ ba.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước tuyên bố không loại trừ khả năng NATO đưa quân đến Ukraine đã dẫn đến lo ngại có thể khiến cuộc xung đột hiện nay tiến lên một cấp độ hoàn toàn mới. Chủ đề này cũng liên tục được giới chức Nga cảnh báo như một làn ranh đỏ mà các đồng minh của Ukraine không được phép vượt qua.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu một lần nữa cảnh báo nếu Pháp triển khai quân đến Ukraine sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Dù sao cuộc điện đàm này diễn ra cũng được coi là một tín hiệu tích cực vì đây là lần đầu tiên bộ trưởng quốc phòng hai nước có sự trao đổi trực tiếp kể từ tháng 10/2022.

Do tuyên bố gây tranh cãi nên bản thân Tổng thống Pháp Macron và Bộ trưởng Quốc phòng Lecornu liên tục khẳng định hiện Paris không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine tham chiến. Các nước NATO khác như Mỹ, Anh, Đức cũng nhận thức rõ mức độ nguy hiểm khó lường của động thái này nên liên tục phủ nhận ý tưởng của ông Macron.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3/4 lại đưa ra bình luận rằng, Pháp có thể đưa hơn 1.500 quân nhân tới Ukraine vào tháng 4 tới.

Hiện, thông tin này chưa có quan chức Pháp nào xác nhận nhưng Bộ Ngoại giao nước này từng thông tin việc sẽ gửi chuyên viên rà phá bom mìn và các nhân viên phi chiến đấu khác tới Ukraine vào thời điểm thích hợp.

Cũng liên quan đến việc điều binh trên chiến trường, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo hôm 3/4 cho biết không thể nói chính xác Kiev cần điều động thêm bao nhiêu binh sĩ vào cuộc chiến. Nhưng ông cáo buộc phía Nga đang chuẩn bị tuyển mộ thêm 300.000 quân trước ngày 1/6 để tung vào mặt trận Ukraine.

Ngay lập tức, thông tin này bị quan chức Nga là người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ và cho rằng, đây là thông tin không đúng sự thật. Kế hoạch của Nga điều thêm quân tới Ukraine từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông tin khá chi tiết hồi tháng 12/2023. Ông cho biết, nước này có tổng cộng 617.000 quân tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong đó 244.000 người được huy động từ lực lượng dự bị vào mùa Thu năm 2022.

Đó là đợt điều động quân dự bị đầu tiên và duy nhất cho đến nay kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Moscow khẳng định hiện chưa có kế hoạch điều động lực lượng quân dự bị lần thứ hai như phía Ukraine cáo buộc, vì Nga vẫn đang có gần 500.000 binh sĩ đang có hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng tham chiến bất cứ lúc nào.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, tính đến tháng 4/2024 đã có hơn 100.000 công dân Nga đăng ký tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự kể từ đầu năm, trong đó khoảng 16.000 người đăng ký sau vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Còn tại Ukraine, Tổng thống Zelensky hôm 2/4 đã ký một đạo luật cho phép nam giới tối thiểu 25 tuổi được nhập ngũ, giảm 2 tuổi so với quy định trước đó. Nước này cũng đang trong quá trình cải tổ hệ thống nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là trong việc tuyển quân để đáp ứng nhu cầu mới.

Những diễn biến mới trong việc điều binh khiển tướng đang diễn ra sôi động hiện nay là chỉ dấu cho thấy cuộc xung đột Ukraine rất khó có thể kết thúc sớm, ngược lại có thể biến đây trở thành cuộc giao tranh kéo dài trong lịch sử hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.