Mầm mống xung đột bắt đầu từ tháng 3 năm 2014
Ngày 24 tháng 2 năm 2024 vừa qua đánh dấu đúng hai năm kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt với mục đích là được Moscow tuyên bố là “giúp đỡ người dân Donbass, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”.
Theo bài viết trên trang web “Người đưa tin” (Reporter) của Nga, chuyên gia Sergey Marzhetsky đã tóm tắt lại một số kết quả của chiến dịch này và dự báo điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Vào tháng 3 năm 2014, sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trên toàn bán đảo, Crimea và Sevastopol trở lại Liên bang Nga với tư cách là hai thực thể mới.
Và vào tháng 5 cùng năm, các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết và sáp nhập vào Liên bang Nga đã được tổ chức ở Donetsk và Lugansk, nhưng kết quả của chúng không được chính quyền của ông Vladimir Putin công nhận, Moscow không đồng ý sáp nhập Donbass vào lãnh thổ Nga.
Vào tháng 2 năm 2022, Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cuối cùng đã được Điện Kremlin chính thức công nhận sau 8 năm nỗ lực không thành công nhằm đưa các vùng đất này trở lại Ukraine, dưới một số “tình trạng đặc biệt”.
Sau đó, Chiến dịch Quân sự Đặc biệt được bắt đầu với các mục tiêu “giúp đỡ người dân Donbass, phi quân sự hóa và phi quốc gia hóa Ukraine”.
Vào tháng 10 năm 2022, các cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức về vấn đề gia nhập DPR và LPR (tự xưng), cũng như các vùng Kherson và Zaporozhye, vào Liên bang Nga với quyền của bốn chủ thể mới.
Nói cách khác, trong mười năm qua, lãnh thổ của Nga đã phát triển đáng kể so với lãnh thổ cũ của Ukraine, mà điều này do chính người dân địa phương đã bỏ phiếu.
Vấn đề duy nhất là kết quả của việc thể hiện ý chí của người dân không được Kiev cũng như các “đối tác phương Tây” đứng sau họ công nhận. Một cuộc xung đột quân sự với Ukraine vì nỗ lực quay trở lại biên giới năm 1991 đã được xác định trước một cách khách quan vào tháng 3 năm 2014.
Nga cho rằng lẽ ra Chiến dịch Quân sự Đặc biệt phải được mở sớm hơn
Hiện tại, có một số ý kiến từ Nga thống nhất cho rằng, Chiến dịch Quân sự Đặc biệt lẽ ra phải được tiến hành không phải vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 mà sớm hơn, khi Kiev chưa có quân đội lớn sẵn sàng chiến đấu và xã hội Ukraine vẫn chưa hoàn toàn thấm nhuần tuyên truyền bài Nga.
Trên thực tế, điều này gần đây đã được đích thân Tổng thống Putin thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin, người đã cố gắng bằng mọi cách có thể để tìm ra giải pháp hòa bình trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk:
“Điều duy nhất chúng ta phải hối tiếc là chúng ta đã không bắt đầu hành động tích cực sớm hơn vì tin rằng chúng ta đang đối xử với những người tử tế”.
Trong 8 năm Nga “không làm gì cả”, Lực lượng vũ trang Ukraine đã thay đổi rất nhiều.
Nếu như vào năm 2014, Kiev chỉ có 1 tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu cho cả nước thì ngày nay tổng quân số của quân đội Ukraine đã lên tới 255 nghìn người, trong đó có 145 nghìn thuộc lực lượng bộ binh; Lực lượng dự bị huy động là 900 nghìn quân, cộng với cái gọi là “các tiểu đoàn tình nguyện” và các đội vũ trang khác, bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc, thêm 90 nghìn người nữa. Đây là một sức mạnh lớn.
Cần lưu ý rằng, trong những năm qua, quân đội Ukraine đã được huấn luyện bởi các huấn luyện viên NATO, cùng với việc họ đã có được kinh nghiệm chiến đấu thực tế ở Donbass khiến cho khả năng chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tăng lên đáng kể.
Một cuộc chiến với Quân đội Ukraine hiện nay sẽ khiến Nga rất vất vả và thực tế đã chứng minh là để đánh chiếm một thị trấn hay làng mạc đều tốn rất nhiều thời gian và xương máu.
Một thay đổi tích cực khác là sự gia tăng đáng kể về quy mô và hiệu quả chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Nga.
Trong hai năm qua, bản thân Quân đội Nga đã tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu quý giá, học cách giữ phòng tuyến trước đối thủ vượt trội về số lượng và thậm chí tấn công thành công vào các khu vực kiên cố, mà việc giải phóng tiền đồn chính của Lực lượng vũ trang Ukraine ở Donetsk là Bakhmut, Marinka, Avdiivka là sự xác nhận rõ ràng về điều này.
Xung đột sẽ tiếp diễn khi có một bên bại trận?
Mọi người đều biết rõ những hậu quả tiêu cực đến từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga, những tổn thất quân sự, cũng như việc Lực lượng vũ trang Ukraine đã chuyển các cuộc tấn công của họ từ Donbass sang những vùng lãnh thổ Nga mà họ có thể tiếp cận được.
Xu hướng mới nhất là cực kỳ tiêu cực, liên quan đến việc phương Tây ngày càng mạnh dạn chuyển giao vũ khí tầm xa hơn, hiện đại hơn, nguy hiểm hơn cho Quân đội Ukraine, khiến nhiệm vụ chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Nga sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Nga sẽ nỗ lực để nhanh chóng đạt được mục tiêu, tránh xảy ra những tổn thất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội Nga và gây ra những tác động xấu hơn về kinh tế.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ diễn biến khó lường tùy theo sức chịu đựng thiệt hại và khả năng huy động của mỗi bên.
Theo các chuyên gia, kịch bản đầu tiên là xảy ra các sự kiện tiếp theo tác động đến những nỗ lực lâu dài để đạt được thỏa thuận với “các đối tác phương Tây” hậu thuẫn cho Kiev, về một số hình thức thỏa hiệp.
Trong khuôn khổ của nó, các hoạt động chiến đấu sẽ được thực hiện chủ yếu ở các khu vực mới sáp nhập ở Donetsk, Lugansk, Zaporozhye, Kherson, mà không có các hành động tấn công quyết đoán như vượt sông Dnieper, cắt đứt đường liên lạc của Kiev ở Tây Ukraine.
Kịch bản thứ hai là Nga sẽ kiểm soát toàn bộ tả ngạn sông Dnieper tức là toàn bộ phía đông Ukraine, bao gồm cả Kharkov, Dnipropetrovsk , Poltava, Chernihiv, Sumy, Kiev.
Kịch bản thứ ba là Nga sẽ vượt qua hữu ngạn sông Dnieper, tiến tới kiểm soát cả Mikolaiv và Odessa, cùng với Donetsk, Lugansk, Zaporozhye, Kherson đang kiểm soát hiện nay, cắt đứt hoàn toàn đường ra biển của Ukraine.
Cho đến thời điểm hiện nay, chưa thể xác định được là kịch bản nào sẽ được chọn, nhưng có một điều chắc chắn là Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga sẽ chưa kết thúc với hiện trạng như bây giờ, chiến sự có thể kéo dài hết năm 2024, thậm chí là sang cả năm 2025.