Bài toán chất lượng đào tạo ngành bán dẫn

GD&TĐ - Dự kiến, tuyển sinh năm 2025 sẽ có thêm nhiều trường đại học mở ngành thiết kế vi mạch, vi điện tử - thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch bán dẫn...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Động thái này càng mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và mới đây Nvidia, hãng chip 1.000 tỷ USD ký kết thành lập trung tâm AI với Chính phủ, khai sinh Nvidia Việt Nam.

Công nghiệp bán dẫn có vị trí quan trọng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu do nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và công nghệ số. Các nước tiên tiến trên thế giới đang trong cuộc đua về bán dẫn, với những kế hoạch dài hạn và chương trình hỗ trợ hàng tỷ USD. Việc cơ sở đại học rộ mở nhóm ngành thuộc lĩnh vực này là tín hiệu tích cực, cho thấy nhà trường đang nỗ lực bắt kịp xu hướng công nghệ và thị trường lao động. Tuy vậy, nhìn vào nguồn lực của nhiều trường hiện nay, vấn đề bảo đảm chất lượng đào tạo nhóm ngành vi mạch - bán dẫn vẫn là nỗi trăn trở lớn.

Thực tế cho thấy để đào tạo các ngành học như công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch… đạt chất lượng là việc không phải dễ dàng. Một số trường đại học lớn chuyên về kỹ thuật hiện cũng thận trọng, chưa mở sớm nhóm ngành này ở hệ đại học, mà chỉ đào tạo sau đại học, với ít chỉ tiêu.

Mặc dù thiết kế vi mạch, vi mạch bán dẫn là các môn học trong các ngành khác như cơ điện tử, kỹ thuật tự động hóa... nhưng đến nay, việc tách ra đào tạo ngành riêng nhiều trường vẫn chưa có kinh nghiệm. Đáng chú ý, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ phục vụ đào tạo nhiều nơi còn trống vắng.

Hầu hết tiến sĩ trong lĩnh vực vi mạch - bán dẫn tốt nghiệp ở nước ngoài thường không về nước giảng dạy do mức lương và điều kiện làm việc hạn chế, trong khi đó việc đào tạo trình độ sau đại học trong nước còn khiêm tốn. Đó là chưa kể đào tạo nhóm ngành vi mạch - bán dẫn đòi hỏi cơ sở vật chất tốn kém, các phần mềm và thiết bị đo kiểm chuyên dụng rất đắt tiền và liên tục phải cải tiến nâng cấp. Trong lúc hệ sinh thái hiện còn thiếu các phòng thí nghiệm và công cụ thiết kế, các trường đại học khó có thể đầu tư nổi nếu chỉ dựa vào nguồn thu học phí.

Việc mở và triển khai đào tạo nhóm ngành vi mạch - bán dẫn trong điều kiện khó khăn bộn bề hiện nay là quyết định dũng cảm, sự năng động, chủ động của các trường đại học. Tuy vậy, bên cạnh một số trường hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng, cũng có không ít trường… chạy đua theo “trend”, chỉ vì bán dẫn đang “hot”, dễ thu hút tuyển sinh.

Việc chạy đua mở ngành ồ ạt theo xu hướng trong khi nền móng không vững chắc, không chỉ không bảo đảm chất lượng đào tạo mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Câu chuyện phát triển “nóng” nhưng không bền của ngành kỹ thuật hạt nhân từng xảy ra trước đó là một bài học đắt giá.

Mục tiêu có 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 không chỉ là câu chuyện số lượng, mà còn là yêu cầu về chất lượng. Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” đã đưa ra giải pháp nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hợp tác các bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, được kỳ vọng là bệ đỡ quan trọng cho các cơ sở đại học trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Tuy vậy, từ nghiên cứu, xây dựng chính sách đến thực thi là một quá trình, không phải ngày một, ngày hai.

Trước mắt, trong bối cảnh rộ mở nhóm ngành vi mạch - bán dẫn, rất cần có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”. Trong khi chờ kết quả đánh giá từ lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp nhóm ngành này, sự chủ động hợp tác từ các trường đại học để tạo ra một cộng đồng thống nhất, trao đổi khung đào tạo, chuyên gia tiềm năng là việc làm cần thiết, cần nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Kim Sang-sik đặt niềm tin vào Quang Hải ở trận gặp Myanmar.

HLV Kim Sang-sik 'họp khẩn' với Quang Hải

GD&TĐ - Trước buổi tập mới đây, HLV Kim Sang-sik đã có cuộc trò chuyện khá lâu với tiền vệ Quang Hải, ngôi sao được kỳ vọng rất lớn ở trận gặp Myanmar.

Cô Trần Thị Kim Liên dạy học trên truyền hình. Ảnh: NVCC

Những nữ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

GD&TĐ - Phấn đấu “Giỏi việc trường”, nhiều cô giáo đã ghi dấu ấn không chỉ bằng sự say mê, sáng tạo về chuyên môn, mà cả ở đạo đức nghề nghiệp.