Cơ hội rộng mở với nhân sự ngành vi mạch bán dẫn

GD&TĐ - Việt Nam đang có nhu cầu lớn về nhân sự ngành vi mạch bán dẫn. Đây cũng là công việc có mức thu nhập cao cho sinh viên mới ra trường.

Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn.

Nhu cầu cao về nhân lực

Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, các chuyên gia kinh tế dự báo, trong khoảng 5 năm tới ngành bán dẫn tại Việt Nam cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện khoảng 5.000 người.

Trên một số trang tin tuyển dụng công khai, vị trí kỹ sư bán dẫn với kinh nghiệm trên 5 năm, mức lương được hứa hẹn trên 1.000 USD/tháng

Tại Mỹ, mức lương trung bình hàng của kỹ sư bán dẫn lên tới gần 8.500 USD/tháng. Trong khi đó, nhà sản xuất chip Tokyo Electron của Nhật Bản trả gần 305.000 yên (gần 2.200 USD/tháng) cho sinh viên mới ra trường có thể làm việc ngay.

Tại Đài Loan, thống kê của Cơ quan Giáo dục Đài Loan cho thấy kỹ sư bán dẫn có bằng cử nhân nhận lương khởi điểm khoảng 38.000-42.000 Đài tệ (25-33 triệu đồng). Cùng vị trí này nhưng có bằng thạc sĩ, người lao động có thể nhận 33-37 triệu đồng, hoặc 46-55 triệu đồng nếu có bằng tiến sĩ.

Số liệu của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam lại cho biết, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng (hơn 18 triệu/tháng) và sẽ tăng dần theo từng năm. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng một năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 và 1,3 tỷ đồng nếu có 15-20 năm kinh nghiệm.

Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.

Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Trên toàn cầu, thị trường chất bán dẫn sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030, theo tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS).

Quy mô thị trường lớn khiến nhu cầu về nhân sự cũng bùng nổ. Theo WSTS, đến năm 2030 cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

image001.jpg

Cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp

Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Tháng 5/2024, đoàn làm việc của 19 doanh nghiệp, đại học Đài Loan đến Việt Nam để phỏng vấn sinh viên cho chương trình cao học hoặc thực tập với nhiều hỗ trợ.

Cùng lúc đó, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã mở chuyên ngành đào tạo về bán dẫn hoặc mở khóa học chuyển đổi từ các ngành có liên quan sang làm việc chuyên sâu.

Trường Đại học FPT tuyển 1.000 chỉ tiêu Thiết kế Vi mạch bán dẫn và xem xét cấp học bổng lên đến 100% chương trình học cho tất cả thí sinh đăng ký chuyên ngành này. Đại học Bách khoa Hà Nội, hai Đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Phenikaa, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… cũng mở ngành mới và đưa ra nhiều chính sách thu hút sinh viên theo học.

Trao đổi về định hướng đường dài cho nhân sự ngành bán dẫn, đại diện Tập đoàn FPT cho biết: Cơ hội việc làm là điều có thể nhìn thấy rõ ràng từ Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vấn đề lớn là cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Từ đó, nhân sự Việt Nam có thể làm việc cho doanh nghiệp Việt như FPT hay các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thậm chí, các bạn có thể nắm bắt cơ hội đi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác làm việc.

“25 năm trước đây, khi FPT quyết định vươn ra thế giới (Go Global) bằng con đường xuất khẩu phần mềm, chúng tôi bị hoài nghi: Người ở đâu ra mà làm? Liệu người Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài không? Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư CNTT. Chúng tôi tin với khả năng, sự cần cù và tinh thần chiến của các bạn trẻ Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục được thế giới ở lĩnh vực bán dẫn”, đại diện FPT cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ