Bài khen cũng có nhưng dường như số lượng các bài chê lại nhiều hơn, thậm chí nhiều ý kiến chỉ trích thiếu hiểu biết. Từng là giáo viên, tôi thấy đáng lưu tâm trước hiện tượng này.
Những ý kiến trái chiều trên không gian mạng thời gian qua dần sẽ lắng xuống, âu cũng là một cách ghi nhận xã hội luôn quan tâm tới ngành Giáo dục, tới cách chọn sách giáo khoa cho học sinh. Cá nhân tôi thấy “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà là một bài thơ hay; là bài thơ thật sự giàu tính nhân văn, giúp hiểu sâu hơn về cuộc sống của những học sinh khiếm thính. Từ đó, trân trọng cuộc sống, biết yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Và đó cũng là một trong những mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 mà Bộ GD&ĐT đã đặt ra.
Tiếng hạt nảy mầm
Mắt sáng, nhìn lên bảng
Lớp mươi nụ môi hồng
Đôi tay cô cụp mở
Báo tưng bừng thanh âm...
Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi
Các bé vẫn lặng chăm
Nhìn theo cô mấp máy...
Sau ngón tay cô đấy
Là tiếng hạt nảy mầm...
Tiếng lá động trong vườn...
Tiếng sớm mai mẹ gọi...
Tiếng cuộc đời sâu vợi
Con tàu biển buông neo...
Ngôi sao mọc rừng chiều
Vó ngựa ran vách đá...
Bao nghĩ suy vất vả
Trong mắt người lo toan
Để từng âm có nghĩa
Bật lên từ môi em...
Nghe cánh vỗ chim non
Trước diệu kỳ tiếng hót
Giữa hồn nhiên lớp học
Ai nụ cười rưng rưng...
Trước hết, xin được chúc mừng tác giả Tô Hà vì một bài thơ được chọn đưa vào sách giáo khoa là kết quả của một quá trình thẩm định, đánh giá và lựa chọn của hội đồng khoa học (chứ không phải của cá nhân một ai).
Nhiều ý kiến bàn luận cũng là điều đáng quý bởi chính nhờ đó mà “phổ đọc” rộng hơn, không chỉ giới hạn trong nhà trường, giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 5, học sinh lớp 5 học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Dư luận chia thành hai luồng ý kiến khá rõ nét. “Bên khen” thì cho đây là bài thơ thành công, giàu giá trị nhân văn. “Bên chê” thì nói gieo vần còn trúc trắc và chê hai câu “Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi” là câu thơ khó hiểu, thậm chí là “không biết nên dạy như nào”.
Tất cả những luồng ý kiến trái chiều đó được phản ánh trên không gian mạng khiến cộng đồng mạng xôn xao. Đời sống văn học được một phen sôi động. Tuy nhiên, “bên nào” cũng vậy, cần hiểu chính xác xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Tiếng hạt nảy mầm là bài thơ viết cho trẻ khiếm thính.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh của một lớp học đặc biệt:
Mắt sáng, nhìn lên bảng
Lớp mươi nụ môi hồng
Đôi tay cô cụp mở
Báo tưng bừng thanh âm...
Là lớp học đặc biệt, trước hết bởi lớp ít học sinh. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì một lớp phải tầm 30 - 45 em. Ở đây là 10 em - mươi nụ môi hồng. Đặc biệt còn vì các em chăm chú Mắt sáng, nhìn lên bảng nhưng ánh mắt tập trung nhìn vào “Đôi tay cô cụp mở” bởi nơi đó là tín hiệu “Báo tưng bừng thanh âm...”.
Như vậy, nếu là một người nhạy cảm sẽ thấy lớp trẻ này thật sự đáng thương, đáng thương bởi các em khiếm khuyết, không nghe được thanh âm bình thường như mọi người, “tưng bừng thanh âm...” các em cảm nhận được phụ thuộc vào đôi tay cô giáo, chứ không phải phụ thuộc vào âm lượng của âm thanh to hay nhỏ. Đó là sự khác biệt, đặc biệt được gợi ra ngay từ khổ thơ đầu bài.
* * *
Đọc toàn bài sẽ thấy sự lưu loát trong mạch cảm xúc, hiển hiện qua liên kết của câu chữ, gợi ra những hình ảnh sống động, đẹp như một bức tranh bằng thơ. Ngay sau khi đọc bài thơ này lần thứ nhất, nếu chọn câu hay nhất tôi chọn:
Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi
Lý do bởi chỉ hai câu thơ mà phác họa được cả một bức tranh đẹp, hội tụ đủ ánh sáng, âm thanh, sắc màu; ở đó có sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lẽ thường tiếng hót phải là để nghe, nó là âm thanh dành cho thính giác.
Ở đây là “Hót nắng vàng ánh ỏi”, từ cảm nhận của thính giác được chuyển đổi qua cảm nhận của thị giác. Và cũng nhờ thế, nó phác họa một nét đẹp lạ thường nhờ từ ánh ỏi. Đã có người đặt câu hỏi sao không là inh ỏi mà lại là ánh ỏi? Nếu là inh ỏi thì chỉ thuần túy cảm nhận qua thính giác. Mà ở đây, viết bài thơ này cho trẻ khiếm thính, với các em, âm thanh không có nghĩa.
Ánh ỏi trước hết là nói màu sắc đẹp, sau đó cũng gợi ra âm thanh. Âm thanh đẹp, mượt mà, vang xa trong ánh nắng, một vẻ đẹp chân thực nhưng khiến người đọc có cảm giác vẻ đẹp đó cận kề với huyền thoại.
Có một thực tế ông cha ta đúc kết “Trời không cho ai tất cả cũng không lấy đi của ai tất cả”. Những trẻ khiếm thính thì các giác quan khác lại có độ nhạy hơn, tinh hơn. Ở đây, chuyển đổi cảm giác trong cách biểu đạt, âm thanh được gợi ra từ thính giác chuyển sang thị giác là cách sử dụng ngôn từ tài tình, khéo léo, sáng tạo, lại chuyên chở nội dung nhân văn, chắc chắn các em học sinh khiếm thính hình dung được, cảm nhận được.
Và nếu chọn khổ thơ hay nhất tôi chọn:
Cánh sẻ vụt qua song
Hót nắng vàng ánh ỏi
Các bé vẫn lặng chăm
Nhìn theo cô mấp máy...
Hai câu trên là bức tranh rất đẹp đối với mỗi người bình thường, nhưng với trẻ khiếm thính thì không nghe thấy âm thanh nên có vẻ như các em không quan tâm hình ảnh, hoặc chí ít là trong lớp, các em chỉ tập trung vào đôi bàn tay cô giáo, vào khuôn miệng và nụ cười ấm áp của cô. Các em còn cần chăm chú nhìn theo cô. Với các em, cô giáo là cả một bầu trời tri thức, hơn thế, nhờ cô thì các em mới hình dung được về cuộc sống đầy đủ hơn như nó vốn có.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhận định “Bạn hình dung không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu. Các em học ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô… Bài thơ rất tròn vẹn, dùng từ rất đắt, chọn lọc…”.
Và không chỉ tiếng chim hót, cả Tiếng hạt nảy mầm và Tiếng lá động trong vườn.../ Tiếng sớm mai mẹ gọi... đều được trẻ hình dung qua cách mô phỏng âm thanh từ đôi bàn tay kỳ diệu của cô giáo. Nếu là người có quyền lực, tôi nhất định dành lời khen tặng và phần thưởng cao quý cho cô giáo dạy trẻ khiếm thính. Cô vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm huyết, trách nhiệm, kiên trì lắm mới giúp được trẻ hòa nhập vào cuộc sống như các trẻ bình thường.
Bao nghĩ suy vất vả
Trong mắt người lo toan
Để từng âm có nghĩa
Bật lên từ môi em...
Nghe cánh vỗ chim non
Trước diệu kỳ tiếng hót
Giữa hồn nhiên lớp học
Ai nụ cười rưng rưng...
Và mỗi sự trưởng thành dù nhỏ của các em cũng khiến cô vui mừng. Đó chính là thành quả của người lo toan để có được nụ cười rưng rưng, và đó là cả một hành trình gian khổ.
* * *
Tôi yêu bài thơ này vì nhiều lẽ. Nhưng trước hết bởi cách sử dụng ngôn ngữ thơ giàu sức sáng tạo, lại đong đầy cảm xúc của giáo viên - người mẹ hiền từ nhẫn nại, nhân hậu và thông minh để có được kết quả tốt khi dạy trẻ khiếm thính; phản ánh sự nỗ lực phi thường của người giáo viên trong việc chuyển tải âm thanh và ý nghĩa của cuộc sống đến những học sinh khiếm thính và cũng phản ánh niềm hạnh phúc khó gọi thành tên khi cô dạy có kết quả, đã đưa các em đến gần hơn với thế giới âm thanh, giúp các em hiểu và cảm nhận cuộc sống qua một góc nhìn khác.
Bao nghĩ suy vất vả
Trong mắt người lo toan
Để từng âm có nghĩa
Bật lên từ môi em...
Các em khiếm thính là không nghe được hoặc rất khó để nghe được, nhưng tại sao để bật lên từ môi em lại khiến cô giáo vui như vậy? Mục tiêu của cô là dạy các em nói những gì đáp ứng yêu cầu của bài học, để bật lên từng âm có nghĩa. Quy trình của nhận thức là “từ suy nghĩ đến hành động”, bộ não ghi nhận, suy nghĩ rồi mới hành động. Khổ thơ vừa nói lên sự vất vả, kỳ công, kiên nhẫn của cô giáo “Bao nghĩ suy vất vả/ Trong mắt người lo toan”, vừa nói lên cái Tâm của cô giáo - người mẹ thứ hai của học trò.
Dạy học trò bình thường đã khó, dạy trẻ khiếm thính còn khó hơn gấp nhiều lần. Làm người mẹ hiền thứ hai tại lớp bình thường đã khó, tại lớp dạy trẻ khiếm thính còn khó hơn nhiều. Làm mẹ chỉ phải quan tâm dạy dỗ 2 con, nhà nhiều con cũng có thể 3 - 4 con. Ở đây, người mẹ hiền thứ 2 dạy dỗ cho 10 con trẻ đến 45 con trẻ/lớp. Sự vất vả ấy hiện lên trong nghĩ suy, trong ánh mắt… và càng lo toan bao nhiêu thì khi có thành quả càng vui bấy nhiêu.
Nghe cánh vỗ chim non
Trước diệu kỳ tiếng hót
Giữa hồn nhiên lớp học
Ai nụ cười rưng rưng...
Lại tiếp tục xuất hiện nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác Nghe cánh vỗ chim non. Còn nhớ khi câu thơ Một tiếng chim kêu sáng cả rừng của Khương Hữu Dụng xuất hiện, được đông đảo công chúng đón nhận, ngợi ca bởi đó là câu thơ thành công về việc chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác. Còn ở đây Nghe cánh vỗ chim non là sự chuyển đổi cảm giác ngược lại, từ thị giác sang thính giác. Trẻ khiếm thính nhìn bầy chim non vỗ cánh hình dung ra âm thanh, không chỉ là âm thanh bình thường mà là âm thanh diệu kỳ Nghe cánh vỗ chim non/ Trước diệu kỳ tiếng hót.
Tiếng chim non với người bình thường đã là âm thanh ríu rít, vui vẻ; với trẻ khiếm thính thì đó là âm thanh kỳ diệu bởi âm thanh đó không phải được cảm nhận bằng thính giác mà được cảm nhận bằng trái tim. Đó chính là kết quả của tình yêu thương, của tài năng, tâm huyết và trách nhiệm của cô giáo. Thành quả đó khiến Giữa hồn nhiên lớp học/ Ai nụ cười rưng rưng... Cười là vui, rưng rưng là hạnh phúc. Chắc hẳn độc giả cũng hạnh phúc, cũng vui lây niềm vui của cô giáo trong bài thơ này.