Bài thơ 6 chữ Phía sau của Hồ Minh Thông: Những thông điệp về cuộc sống

GD&TĐ - Trong chương trình Ngữ văn THCS, sách Cánh Diều biên soạn theo đặc trưng thể loại. Thể loại thơ 6 chữ được đưa vào giảng dạy.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Bài viết này đi sâu tìm hiểu một bài thơ 6 chữ của nữ sĩ Hồ Minh Thông.

Y Phương - nhà thơ của miền non nước Cao Bằng đã từng tâm niệm: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ”. Quả thực, thơ ca thực sự là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến Kỳ nam trong rừng trầm hương, là hạt minh châu trong biển hạt trai, là tinh hoa trong vườn phương thảo. Quá trình sáng tạo của nhà thơ là sự kết tinh của “hồn thơ”, sự hòa quyện giữa cảm xúc mãnh liệt và tư tưởng nhân văn cao đẹp cất lên từ hiện thực cuộc đời… Đó là những ấn tượng của tôi khi đọc thơ Hồ Minh Thông.

Hồ Minh Thông trước hết là một nhà giáo làm thơ. Chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh lắm nắng mưa nhiều nhưng tình người luôn gừng cay muối mặn. Đam mê văn chương từ sớm và chị trở thành một nhà thơ được nhiều người biết đến sau khi công bố “gia tài” hiện có. Những tập thơ tài hoa như “Những cánh rêu”, “Đêm trở dạ”, “Ngồi tựa vào trăng” hay những tập tản văn ngọt ngào, quyến rũ như “Miền tĩnh lặng dịu dàng”, “Mùa về trên ngói”… thể hiện nguồn cảm hứng về con người và cuộc sống luôn dạt dào trong tâm hồn chị.

Đọc thơ Hồ Minh Thông giống như được cùng chị bước vào những cuộc kiếm tìm mải miết “cái đẹp luôn ở phía chân trời”. Cái đẹp ấy ẩn trong những rung động tinh tế, ngọt ngào của đêm sâu; trong giấc mơ thăm thẳm về người thân xa khuất; hóa thân thành “con cá thia lia” đi tìm con sóng của đời mình... Để rồi ở đó ta bắt gặp những ào ạt xúc cảm, khao khát cháy bùng lên, mãnh liệt và thẳng thắn trên hành trình trở về với bản ngã của chính mình.

Tôi có cơ duyên gặp gỡ Hồ Minh Thông từ ngày còn trên ghế nhà trường. Điều tôi ấn tượng về chị là tình yêu với từng khoảnh khắc của cuộc sống, với những gì thân thương, tưởng như bé nhỏ trong cuộc đời. Đặc biệt, chị có nội lực sáng tác mãnh liệt. “Phía sau” là một bài thơ mới của chị, để lại nhiều dư hương trong tâm hồn bạn đọc.

***

Nhan đề bài thơ ngắn gọn, hàm súc, được lặp đi lặp lại nhiều lần đầu mỗi dòng thơ chứa nhiều dụng ý nghệ thuật. “Phía sau” có thể là không gian cũng có thể là thời gian, vừa cụ thể vừa không cụ thể nhưng gợi nhiều suy ngẫm. “Phía sau” cũng mang nhiều lớp nghĩa, là thiên nhiên, con người, cuộc đời, là cái nhìn đa chiều về cuộc sống… Chọn thể thơ 6 chữ dung dị, quen thuộc, nhẹ nhàng hòa quyện thơ và nhạc hết sức tự nhiên phù hợp với mạch cảm xúc, nhà thơ đã giãi bày tất thảy những nỗi niềm, trăn trở của mình:

Phía sau bóng mây là trăng

Phía sau mưa là bão nổi

Phía sau làn hương bay tới

Là ngọn gió vừa thoảng qua

Trước hết, mở đầu bài thơ là những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc được gợi ra. Bóng mây để lại nơi ráng chiều để rồi trăng xuất hiện. Không miêu tả trực tiếp vầng trăng vàng thắm mà gợi tả một cách gián tiếp qua làn mây. Không gian trở nên lung linh, bí ẩn hơn. Đó là ngọn gió nhẹ nhàng thoảng đưa mùi hương thơm ngọt ngào của đồng nội. Không tả hương mà chỉ gợi hương. Bên cạnh những hình ảnh đẹp đẽ của mây, trăng, hương, gió còn là mưa, là bão. Hồ Minh Thông đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều.

nhung thong diep ve cuoc song (1).jpg
Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Tĩnh năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: ITN

Quả thật niềm vui, hạnh phúc và biến cố, trắc trở luôn luôn đan xen, song hành. Giữa niềm đau có cả hy vọng, cả thênh thang dài rộng những điều tốt đẹp mà ta chưa thể nhận ra ngay. Tất cả đều được tác giả cảm nhận hết sức tinh tế và thể hiện ra bằng một thứ ngôn ngữ rất đẹp, rất mềm, rất êm, tựa một hơi thở giữa thinh không nhưng nhiều lúc vẫn kịp chạm vào hồn những đớn đau, bỏng rát.

Những biến chuyển của thiên nhiên, cuộc đời đã vận hành, lưu chuyển vào khoảng lặng của tâm hồn. Hồ Minh Thông đã chọn đôi mắt - “cửa sổ tâm hồn” để diễn tả những nỗi niềm sâu kín:

Phía sau mắt biếc ngọc ngà

Là giọt lệ đêm sầu muộn

Lang thang đường trần khắp chốn

Về tựa vào ánh mắt cha

Hình ảnh “mắt biếc ngọc ngà” khiến người đọc nghĩ đến đôi mắt long lanh, trong sáng và tưởng chừng đong đầy niềm vui. Tuy nhiên, ẩn sâu sau đó là những lo âu, trăn trở, những nỗi niềm giấu kín chưa biết thổ lộ cùng ai. Những lúc như vậy, chúng ta tìm thấy một nơi chốn để quay về, là gia đình yêu thương và bóng hình người cha.

Trong thơ Hồ Minh Thông, hình ảnh người cha hiền từ, tình yêu thương của người cha, nỗi nhớ người cha đã đi về nơi xa vạn dặm luôn là suối nguồn không bao giờ vơi cạn. Chị đã tìm thấy ở đó điểm tựa tinh thần vững chãi nhất. Chị đã viết về Người bằng sự quặn thắt của trái tim yêu thương.

Khi tôi tỉnh giấc, cha tôi đã đi xa

Nắng đầu hạ, gió Lào lùa rát mặt

Con đường xưa bỗng nhiên xa ngút mắt

Giữa thăm thẳm muôn trùng, tôi biết níu vào đâu?

Khi tôi biết đau đời cha đã quamấy cuộc bể dâu

Giọt rượu đắng đọng khô trong đáy mắt

Cuối nỗi buồn là nụ cười trong vắt

Cha đi trọn kiếp người, cay đắng vẫn còn nguyên!

(Khi tôi tỉnh giấc)

Quả thật, mỗi con người có muôn vạn nẻo để đi nhưng chỉ có một nơi để trở về. Ấy là gia đình, đặc biệt khi mái ấm ấy còn in đậm dáng hình đấng sinh thành mỗi buổi chiều chờ con. Khi ấy những giọt lệ đêm sầu muộn cũng sẽ vơi đi bởi ở đó chỉ còn nụ cười ấm áp, ánh nhìn yêu thương. Nó tựa như sợi dây bền chặt, là gốc rễ thiêng liêng để ta tiếp tục đi trên hành trình của hạnh phúc. Nhà thơ đã thực sự trở về, trở về với cội nguồn, trở về với mẹ cha, trở về với không gian của gia đình và những gì thân thương nhất của một đời người. Một ánh mắt yêu thương của người cha, một áng mây chiều, một làn gió thổi… tất cả đều khiến hồn thơ Hồ Minh Thông xao động, run rẩy. Những hình ảnh thân thuộc, bình dị đến nao lòng ấy nhiều khi níu kéo xúc cảm của chị, dẫn lối nhà thơ tìm về với những vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc, nguyên sơ của sự sống.

nhung thong diep ve cuoc song (2).jpg
Cô Dương Thị Huyên (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp trò chuyện với nhà thơ Hồ Minh Thông (thứ 2 từ phải qua). Ảnh: NVCC

***

Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn đề cập đến tương lai và sự chắt chiu, bồi đắp:

Phía sau sương phủ nhạt nhòa

Là bình minh không kịp tới

Phía sau núi cao chót vót

Là đất bồi suốt trăm năm

“Sương phủ nhạt nhòa” chính là những gì đã qua, là những cơ hội đã bỏ lỡ như hiện tại nhạt nhòa, không dấu ấn. Nhưng trong cuộc đời sẽ luôn ít nhất một lần ta bỏ lỡ, đó là khi ta lỡ chậm đi một nhịp, đánh mất những hy vọng, những bình minh. Nhà thơ không sử dụng từ phủ định “chưa” mà dùng từ “không”. Nhưng hãy nhìn về phía trước bởi cuộc đời còn rất nhiều sớm mai cùng bình minh đỏ rực. Vậy nên điều quan trọng là sau tất cả, con người cần đứng lên và tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống.

Cũng như núi cao chót vót - thành công, hạnh phúc phải được vun bồi bằng cả một quá trình dài lâu, thậm chí cả đời người, cả trăm năm. Hồ Minh Thông đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, tạo vật để nhẹ nhàng nhắn gửi đến chúng ta những quy luật của cuộc sống. Không có gì là ngẫu nhiên nếu không có sự chắt chiu, nỗ lực, không biết hướng về phía trước. Đồng thời nhà thơ đã thể hiện niềm băn khoăn, ám ảnh hơn trong những suy tư về thế sự, về phận người bằng chiều sâu của sự hướng nội:

Phía sau thăm thẳm non ngàn

Một con nai vàng lạc lối

Phía sau một lời người nói

Đi tìm…tôi chỉ gặp tôi

Phía sau hun hút cõi người

Một bóng chim chiều vừa tới…

Hồ Minh Thông trở về với những suy ngẫm về thân phận cõi người. Phía sau những ồn ào náo nhiệt, những thăng trầm giữa cuộc đời rộng lớn, mỗi người lại quay về với trái tim để thấu hiểu nhiều hơn và yêu thương nhiều hơn. Con người thường chông chênh giữa đường trần thăm thẳm, thường ngập ngừng trước ngã rẽ của cuộc đời. Con nai vàng ngơ ngác giữa rừng lá xào xạc mùa Thu trong những dòng thơ này gần gũi như máu thịt mà cũng lại xa xăm như mây trời - một cuộc trở về theo đúng nghĩa của một người cầm bút giàu suy ngẫm.

Nhận thức được những gì còn khuất lấp phía sau bức tranh đa chiều của thế giới rộng lớn và bí ẩn cũng có nghĩa là nữ sĩ trở về với chính mình, là những khoảnh khắc chị đối diện với cõi lòng, với bản ngã, với một tâm hồn có những vết thương, mất mát, tiếc nuối nhưng vẫn trong trẻo, thánh thiện. Nhưng vượt qua nỗi đơn độc, bé nhỏ trên hành trình đi tới, sau tất cả, người con gái ấy tỉnh giấc và tìm thấy chốn đi về.

Một cánh chim cô đơn nhưng đã kịp bay về tổ khi bóng chiều đổ xuống, một con thuyền cô lẻ kịp đậu bến khi ngày đã sắp tàn, một con người kịp trở lại mái ấm khi màn đêm sắp buông. Gia đình vẫn mãi là nơi thiêng liêng nhất, nơi tiếp cho ta sức mạnh và dũng khí để ta bước đi giữa dòng đời cuộn chảy. Nghệ thuật ẩn dụ tài tình khép lại bài thơ, ánh lên niềm tin và tình yêu cuộc sống. Hồ Minh Thông đã trân trọng tất cả những vẻ đẹp của đời sống thiên nhiên, con người hồn nhiên quanh mình.

Dù ra đời trong hoàn cảnh nào, thơ Hồ Minh Thông vẫn hiện lên vẻ đẹp trí tuệ, giàu cảm xúc, tấm lòng tin yêu cõi người tha thiết. Trong hành trình không hề ngắn mà chị đã đi qua, Hồ Minh Thông đã gom nhặt được vô vàn những cái đẹp trong cõi đời. Và chị cũng luôn xác định được trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời.

Điều đó đã làm nên tính thống nhất, toàn vẹn trong phong cách thi ca của chị, thể hiện qua hành trình sáng tạo nghệ thuật bền bỉ với những tập thơ dày dặn mang sức nặng - điều không phải ai cũng làm được trong cuộc sống bộn bề này. Nhưng điều quan trọng nhất chính là sự cảm nhận tinh tế, những rung động rất đời ấy đã lan truyền sang ta như một tiếng nói đồng điệu mà nhà thơ, nhà lý luận phê bình TS Lê Thành Nghị từng khẳng định “Thơ là bí mật của tâm hồn, sự lan tỏa của tâm trạng”.

PHÍA SAU

Phía sau bóng mây là trăng

Phía sau mưa là bão nổi

Phía sau làn hương bay tới

Là ngọn gió vừa thoảng qua

Phía sau mắt biếc ngọc ngà

Là giọt lệ đêm sầu muộn

Lang thang đường trần khắp chốn

Về tựa vào ánh mắt cha

Phía sau sương phủ nhạt nhòa

Là bình minh không kịp tới

Phía sau núi cao chót vót

Là đất bồi suốt trăm năm

Phía sau thăm thẳm non ngàn

Một con nai vàng lạc lối

Phía sau một lời người nói

Đi tìm…tôi chỉ gặp tôi

Phía sau hun hút cõi người

Một bóng chim chiều vừa tới…

Hồ Minh Thông

Thể thơ 6 chữ là một thể loại thơ đặc trưng của Việt Nam, trong đó mỗi câu thơ chỉ bao gồm sáu chữ, gieo vần liền hoặc gieo vần gián cách. Thể thơ này rất được ưa chuộng bởi nó thường mang âm điệu nhẹ nhàng và vui tươi, dễ gieo vần và dễ thuộc, đặc biệt với các em học sinh. Nội dung của các bài thơ 6 chữ không bị giới hạn, và người viết có thể sáng tác theo nhiều chủ đề khác nhau. Thể thơ 6 chữ là một phần không thể thiếu trong văn học Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.