Ngày 12/12 tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức hai hội thảo lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo luật quan trọng này. Các hội thảo lần lượt diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Phúc; với sự tham dự của lãnh đạo Sở GD&ĐT và đại diện các cơ sở GD ĐH đến từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cần thiết thay đổi chính sách nhà giáo
Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu tại hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD diễn ra sáng 12/12. dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng. Nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý GD cũng cho rằng, đề xuất lương giáo viên cao nhất thang bảng lương là cần thiết để tạo sự thay đổi triệt để cả về chất lượng đào tạo.
Ông Phan Sỹ Quang, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, nêu quan điểm: “Tăng lương giúp giáo viên yên tâm đầu tư vào chuyên môn giảng dạy, có thời gian tìm tòi các phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo hơn thay vì hết giờ lên lớp lại phải dành phần lớn thời gian vào việc bươn chải thêm nghề khác nhằm đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Vấn đề là tăng như thế nào, tăng ra sao để có thể đảm bảo được đời sống cho nhà giáo”.
TS Thái Tuyết Dung, thành viên nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TPHCM cũng nhìn nhận: Chính việc lương khởi điểm hiện quá thấp khiến việc thu hút những người có năng lực vào nghề bị hạn chế. Bà cũng chỉ rõ, Nghị quyết 29 của Đảng đã đưa ra mục tiêu tăng lương cho giáo viên, điều quan trọng là Quốc hội và Nhà nước có hướng nghiên cứu như thế nào để tìm nguồn ngân sách cho yêu cầu này.
“Hiện Ban soạn thảo đề án cũng đã có những phương án cụ thể. Theo các phương án đề xuất sắp tới đội ngũ giảng viên ĐH sẽ không hưởng lương từ ngân sách, thay vào đó lương sẽ chuyển về khối phổ thông, tiểu học (trọng tâm ngân sách đầu dồn về cấp dưới). Việc tăng lương sẽ thực hiện theo lộ trình, tăng từ nhóm nào trước, đối tượng giáo viên nào sẽ được tăng trước sẽ đều có Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể… tất cả phương án đều đang được tính toán, lấy ý kiến cho hợp lý nhất” - TS Tuyết Dung cho biết.
Cũng quan tâm tới giải pháp thực hiện việc tăng lương cho giáo viên, PGS.TS Hoàng Thị Thanh Nguyệt - Học viện Tài chính – nhấn mạnh: Vấn đề lương của giáo viên cần phải gấp rút thực hiện. Để triển khai hiệu quả đề xuất của dự thảo Luật không cách nào khác chúng ta phải thực hiện một cách linh hoạt, chuyển đổi đầu tư từ cấp học cao xuống cho cấp học thấp ngay khi Luật GD sửa đổi đi vào cuộc sống. Song song đó là tái cấu trúc ngân sách, tinh giảm biên chế một cách có hiệu quả.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10 TPHCM - nhận xét: Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật GD, Điều 29 ghi: Bộ trưởng chịu trách nhiệm chương trình, nội dung sách giáo khoa. Đây là điểm ông và nhiều đồng nghiệp hài lòng nhất, bởi theo ông, khi vị tư lệnh ngành chịu trách nhiệm chính về cái khung của hệ thống, sự chỉ đạo sẽ sát sao, việc đổi mới sẽ hiệu quả hơn.
Để chất lượng đào tạo thật sự tốt, ông Phát kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định rõ Tổ chức kiểm định GD phải là tổ chức độc lập với các cơ sở GD-ĐT, nhằm tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như thời gian qua. Với yêu cầu nâng chuẩn giáo viên trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhiều đại biểu tán thành đó là mục tiêu đúng và cần thiết để hội nhập và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đánh giá lại các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết những ý kiến chia sẻ, góp ý của các đại biểu cho Ban soạn thảo. Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết: Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo này, cũng như tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các CBQL, giáo viên, chuyên gia bằng mọi hình thức gửi về Bộ GD&ĐT, với mong muốn: Ngành GD có được một Dự luật hoàn chỉnh, bao quát và đảm bảo mọi quyền lợi của đội ngũ nhà giáo lẫn HS.
Tự chủ đồng nghĩa với tự chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo
Về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các đại biểu đều thống nhất ý kiến về việc tự chủ đại học là đòn bẩy để GDĐH phát triển với yêu cầu cao về trách nhiệm trong chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng xoay quanh việc xây dựng Hội đồng trường theo hướng đa dạng thành phần nhằm tạo đà phát triển.
Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Y dược TPHCM nhìn nhận: Tự chủ là điều tiên quyết các trường ĐH phải hướng đến trong quá trình phát triển và hội nhập. Thực tế hệ thống GDĐH của các nước, các trường đi theo lộ trình tự chủ đều phải qua 5 nấc thang như: Tự chủ về sự điều phối của Nhà nước, về quản trị, học thuật và NCKH, tính cạnh tranh, mức độ tự do của giảng viên…
“Theo tôi, dưới góc độ quản lý Nhà nước thì nên tập trung vào 3 vấn đề chính là nguồn nhân lực, cấp ngân sách, xây dựng quy chế đảm bảo chất lượng và tính giải trình. Và nên giao cho các trường toàn quyền tự chủ. Có như thế, việc tự chủ của các trường mới toàn diện và hiệu quả” - PGS.TS Trần Diệp Tuấn nêu quan điểm.
Ông Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing cũng tin rằng, các quy định về tự chủ trong Điều 32 của Dự thảo tuy đã bao quát mọi khía cạnh về quyền tự chủ của một cơ sở GDĐH. Nhưng vẫn cần phải mở rộng nhiều hơn nữa. Nhất là ở quyền tự chủ về mở ngành, liên kết đào tạo quốc tế…
Không chỉ góp ý cho các chính sách về trường tư, quản trị đại học và mô hình trường ĐH không vì lợi nhuận. Nhiều đại biểu còn bàn sâu về khía cạnh quản lý của HĐQT trong trường đại học tư thục mà Dự thảo nêu.
Theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), trường tư thục nên có một quỹ đầu tư, đại diện quỹ đầu tư đó sẽ tham gia vào HĐQT nhà trường, như vậy sẽ phù hợp hơn.
Về vai trò, vị trí của Hội đồng trường trong các trường ĐH theo quy định của Dự thảo Luật, nhiều đại biểu bổ sung một số chi tiết đáng chú ý. GS Nguyễn Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng tỉ trọng người ngoài trường đứng chân trong Hội đồng trường cần tăng lên 50% theo mô hình quốc tế, nhằm tạo cơ hội cho việc thúc đẩy nhà trường phát triển. Ông cho biết, Chủ tịch Hội đồng trường ở các nước thường là những vị có chức sắc, vị thế xã hội lớn nên sự hiệu quả của tổ chức này rất cao. Vì vậy, theo GS Nguyễn Lộc, Bộ GD&ĐT nên xem đưa thêm tiêu chí về vấn đề năng lực vào cho chức danh Chủ tịch Hội đồng trường.
Ghi nhận những góp ý, kiến nghị của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những góp ý tâm huyết mà các đại biểu đã nêu trong Hội thảo.
“Những ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia tại Hội thảo lần này là căn cứ xác thực để Ban soạn thảo Dự thảo Luật GDĐH cùng Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét để sớm xây dựng được một Dự thảo Luật GDĐH hoàn chỉnh trong thời gian tới” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh