Bài học khởi nghiệp cho lao động nông thôn

GD&TĐ - Đã nhiều thanh niên có trình độ đã rời bỏ công việc ở thành phố. Họ quay về địa phương để khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã, phát triển nông nghiệp. Vấn đề cho thấy, đào tạo khởi nghiệp cho lao động nông thôn cần làm tốt hơn nữa để thu hút lao động trẻ, chất lượng cao.  

Đào tạo khởi nghiệp nông thôn để người lao động được trang bị kiến thức và công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất.
Đào tạo khởi nghiệp nông thôn để người lao động được trang bị kiến thức và công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp

Trong những năm trở lại đây, đã xuất hiện khá nhiều điển hình thanh niên thay vì tạo dựng sự nghiệp tại thành phố, họ trở về quê để lập nghiệp từ những mô hình nông nghiệp nông thôn, gắn với sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường…

Có thể kể đến điển hình cụ thể như: Anh Phạm Văn Thiện (xã Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định), từ một công nhân làm việc trong khu công nghiệp ở thành phố đã quay về quê để xây dựng mô hình trồng Nấm.

Nhờ có kỹ thuật, ngay trong mùa vụ đầu tiên đã thu được 8 tấn nấm thương phẩm, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng. Tính ra, với nghề trồng Nấm, anh Thiện có thu nhập chừng 25 triệu đồng/tháng… Cho đến nay, gia đình anh Thiện đã phát triển mở rộng được khoảng 1.000m2 nhà xưởng trồng nấm bào ngư, trung bình mỗi tháng xuất bán ra thị trường được từ 3 - 4 tấn nấm thương phẩm, cho thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng.

Điển hình khác là anh Lê Xuân Hà, sinh năm 1989, ở Thường Xuân, Thanh Hóa từng bỏ trường đại học, lăn lộn với nhiều nghề, rồi quay về quê để phát triển mô hình nông trại, khởi nghiệp từ những sản phẩm thân thiện với môi trường như thìa, muỗng, đũa, ống hút từ tre. Sản phẩm được chào bán trên trang thương mại điện tử đã cho kết quả khả quan…

Phát triển sản xuất đúng hướng, đến nay những sản phẩm từ xưởng của Xuân Hà đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 30 lao động địa phương có thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Từ những điển hình thanh niên về quê khởi nghiệp cho thấy, ngay tại địa phương đã có những thế mạnh tiềm năng còn chưa được khai thác. Xu hướng này đang có chiều hướng tích cực. Vì vậy, chính sách đào tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút lao động trẻ.

Cơ hội phát triển đào tạo nông nghiệp 4.0

Theo bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong một thời gian dài, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp, tuy nhiên với sự xuất hiện của nông nghiệp 4.0, thế giới khởi nghiệp đã thay đổi tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong CMCN 4.0 bao gồm các lĩnh vực dịch vụ web, truyền thông, công nghệ sinh học,…

Điều này đã tạo nên phong trào đổi mới sáng tạo, trong tương lai gần, nhu cầu về lao động nông nghiệp thô sơ, lao động phổ thông sẽ sụt giảm, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn mở ra cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển các chương trình đào tạo nhằm tăng cường nhận thức, xây dựng các mô hình thành công cho các đối tượng tiềm năng là sinh viên, thanh niên nông thôn trí thức phục vụ phát triển khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0.

Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy định về thành lập và vận hành hệ thống trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các cơ chế chính sách tài trợ vốn, ưu đãi tài chính. Đào tạo nhân lực, kỹ sư lĩnh vực nông nghiệp kết hợp yếu tố công nghệ ngay từ thời sinh viên để có yếu tố thực tế. Gắn kết khởi nghiệp nông nghiệp với chương trình mục tiêu quốc gia…

Liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đây cũng là một kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn vừa qua. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đào tạo khởi nghiệp được xem là một giải pháp. Đặc biệt là khởi nghiệp từ các hợp tác xã nông nghiệp, một số địa phương đã bắt đầu triển khai chương trình này.

Quá trình thực hiện cho thấy, nếu đào tạo khởi nghiệp từng hộ, thì sẽ rơi vào tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, cần tập trung định hướng cho các hộ liên kết với nhau để sản xuất lớn, tạo môi trường cho các kỹ sư, cán bộ trẻ đã qua đào tạo chuyên nghiệp tham gia vào các hợp tác xã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.