Ba thanh niên mang nước biển về thủ đô... nuôi tôm

GD&TĐ - Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ba chàng trai chung ý tưởng nuôi tôm để khởi nghiệp. Dự án nuôi tôm của 3 em đã vào Chung kết cuộc thi “Thanh niên nông  thôn khởi nghiệp sáng tạo” do Trung ương Đoàn tổ chức.

3 chàng trai trẻ thực hiện mô hình “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội”.
3 chàng trai trẻ thực hiện mô hình “Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội”.

Nuôi tôm biển ở thủ đô

“Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” là mô hình đang được nhóm bạn trẻ gồm: Tống Văn Liên, Nguyễn Viết Bằng, Nguyễn Đình Tuấn thực hiện ở Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Mô hình này đã thực hiện được 2 năm và cung cấp tôm tươi nuôi trong môi trường nước lợ ngay tại Thủ đô.

Từ mong muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tư tưởng đã làm nông nghiệp phải có sự khác biệt, nhóm bạn trẻ đã mạnh dạn nghiên cứu và đưa ra mô hình nuôi thủy sản ở nơi ít người nghĩ đến là Thủ đô Hà Nội.

Dù theo học chuyên ngành Cơ khí động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng cả 3 chàng trai trẻ lại khao khát khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nên quyết tâm thực hiện mô hình này.

Theo Nguyễn Đình Tuấn, công nghệ Biofloc (BFT) là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi tôm không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống…

Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo.

Thực tế cho thấy, nuôi tôm Biofloc đem lại lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với việc nuôi trong điều kiện bình thường bởi công nghệ này mang lại năng suất cao. Phương pháp này không những được áp dụng trong nuôi tôm thương phẩm mà còn được áp dụng trong nuôi tôm siêu thâm canh.

“Việc ứng dụng công nghệ Biofloc để nuôi tôm áp sát thành phố sẽ là hướng đi bền vững bởi nó thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng được mua tôm tươi sống ngay tại thành phố. Họ được kiểm soát chất lượng với sản phẩm tôm an toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong toàn bộ quá trình nuôi.

Ngoài ra người sử dụng biết rõ nguồn gốc của sản phẩm nên bớt lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, Nguyễn Đình Tuấn cho biết.

Việc đưa tôm nước lợ, nước mặn vốn chỉ thích nghi với miền biển về nuôi giữa Thủ đô là bước ngoặt lớn và là thách thức không nhỏ với 3 chàng trai. Tuy nhiên, với định hướng và nghiên cứu thị trường tôm nội địa, 3 bạn trẻ đã vượt qua khó khăn đầu tư mô hình nuôi thí điểm.

Đây cũng là mô hình đầu tiên khi mang nước biển về Hà Nội để nuôi tôm biển ở thủ đô. Nói dễ hiểu đây là dự án nuôi tôm sử dụng các vi sinh vật có lợi để xử lý môi trường nuôi bao gồm có phân, khí độc… và ức chế các vi sinh vật có hại tọa điều kiện cho con tôm phát triển tốt nhất.

Điểm độc đáo của dự án là có thể nuôi thủy hải sản mà không sử dụng bất kỳ kháng sinh hay hóa chất nào trong quá trình nuôi, đảm bảo sản phẩm đầu ra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU và Nhật.

Với giải pháp của dự án việc nuôi tôm không cần phải thay nước như truyền thống vì vậy có thể ứng dụng nuôi bất kỳ đâu từ miền biển cho tới miền núi, giảm thiểu rủi ro và giảm thiểu xả thải ra môi trường.

Chuyển giao công nghệ - hướng đi mới

Nói thì dễ nhưng chỉ khi bắt tay vào thực hiện mới thấy được muôn vàn khó khăn, thử thách.

Ban đầu, chưa tính đến vốn, địa điểm nuôi đã tốn nhiều công sức của nhóm. Rồi đến khi tôm được thả, cứ xuống ao là chết trắng. Mất nhiều lần như thế, ba chàng trai trẻ vừa làm vừa quan sát, rút kinh nghiệm, đặc biệt chú trọng đến các thông số kỹ thuật trong nuôi tôm.

Sự kiên trì, quyết tâm đã giúp họ gặt được thành công, khi thu hoạch tôm bán ra thị trường đạt sản lượng 300kg/80m3 nước và được người tiêu dùng đón nhận.

“Đây chỉ là thành công bước đầu vì dự án còn hướng tới nhiều mục tiêu khác. Trước mắt, người dân thành phố được hưởng lợi từ mô hình khi con tôm đưa đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất”, Tống Văn Liên - chủ dự án chia sẻ.

Hiện nay, mô hình của 3 chàng trai trẻ cung cấp ra thị trường tôm tươi, tôm đông lạnh (đóng gói 500g, hút chân không) và các sản phẩm ăn liền chế biến từ tôm: Tôm chua, tôm khô, tôm bóc nõn. Họ cũng nỗ lực hình thành chuỗi liên kết cung ứng tôm xuất khẩu.

"Nuôi tôm áp sát thành phố, ứng dụng công nghệ Biofloc cung cấp tôm tươi tại Hà Nội” giải quyết được 2 vấn đề: An toàn, giảm thiểu rủi do, thân thiện với môi trường; Có thể nuôi ở thành phố, vùng phụ cận và những vùng đất xấu không canh tác được sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tương lai.

Vì vậy, mô của 3 chàng trai trẻ được đánh giá rất cao và lọt vào chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức.

“Việc nuôi tôm áp sát thành phố giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo quản nên người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn. Đặc biệt, nó là giải pháp hữu hiệu trong vấn đề bảo vệ môi trường khi các vùng nuôi tôm tập trung đang là vấn nạn của câu chuyện ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm”, Nguyễn Viết Bằng chia sẻ.

Thời gian tới, Nguyễn Đình Tuấn cho biết, nhóm sẽ mở rộng thêm diện tích ao nuôi tôm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng. Đồng thời, nhóm cũng đang nghiên cứu việc chuyển giao công nghệ nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.