Ba ngân hàng bị lừa 400 tỷ đồng

GD&TĐ - Cơ quan tố tụng cho rằng “nữ quái” Nguyễn Thị Hà Thành đã “lợi dụng sự vi phạm” của một số nhân viên tín dụng để chiếm đoạt gần 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 63 tỷ đồng của 4 cá nhân

Toàn cảnh phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.

“Vay người sau, trả người trước”

TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984 tuổi, lao động tự do) và 5 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng vụ án, 19 bị cáo khác hầu tòa về các tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.

Trong 25 bị cáo, có 17 người là cựu cán bộ, nhân viên của 3 ngân hàng khác nhau. Có 53 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo hoặc bảo vệ người liên quan trong vụ án.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2016 – 2018, Hà Thành kinh doanh thua lỗ nên nhiều lần vay tiền người quen với lãi suất cao bằng cách lấy của người sau trả người trước. Ban đầu, nữ bị cáo này trả đúng hẹn nên tạo được lòng tin với cả người dân và cán bộ ngân hàng.

Đến năm 2018, Thành làm ăn thua lỗ và đang nợ khoảng 80 tỷ đồng nên cùng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977) bàn nhau mua dự án nhà MHD, lấy dự án để giới thiệu năng lực tài chính, vay tiền hoặc hứa hẹn hợp tác làm ăn với nhiều người nhằm mục đích lừa đảo.

Tại Ngân hàng Việt Á, Nguyễn Thị Hà Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Do Thành không có tài sản đảm bảo nên không thể vay tiền trực tiếp, cô ta nghĩ cách để họ gửi tiền vào Việt Á rồi đưa Sổ tiết kiệm cho mình quản lý và dùng chính sổ này làm tài sản đảm bảo để vay tiền.

Để thực hiện, Thành nhờ bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1983, cán bộ Ngân hàng Việt Á, Phòng giao dịch Đông Đô) nói với Quản Trọng Đức (SN 1977, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) việc sẽ cùng đồng sở hữu gửi số lượng tiền lớn vào ngân hàng rồi cầm cố Sổ tiết kiệm để vay tiền. Thu Hương và Đức sau đó tự chế biểu mẫu cho Thành ký dù việc này sai quy định.

“Người đồng sở hữu” với Thành trong sổ tiết kiệm sẽ cùng đến Phòng giao dịch Đông Đô sẽ được Thu Hương đưa vào phòng họp, thực hiện giao dịch. Nhân viên tại đây sẽ ký các chứng từ của bộ hồ sơ gửi tiền trước khi khách hàng ký hoặc ký khống chứng từ nộp tiền khi Hà Thành chưa có tiền nộp vào ngân hàng.

Người đồng sở hữu với Thành sẽ được đưa cho “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”, “Giấy đề nghị phong tỏa” và giải thích: “Do ngân hàng đã phong tỏa Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nên nếu không có mặt cả 2 người đồng sở hữu sẽ không thể rút tiền ra được”. 

Câu kết cán bộ ngân hàng

Quá trình thực hiện gửi tiền đồng sở hữu, để cho Người đồng sở hữu tin và bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu với Thành, cô ta cần phải có một nửa hoặc một phần tiền. Khi Thành không có tiền, qua Thu Hương, Thành đặt vấn đề nhờ vay “nóng” tiền hộ mình, hứa trả lãi cao.

Nhân viên Việt Á liền nói với những khách VIP của mình cho Thành vay và sẽ trả trong ngày. Khách hàng dù không quen biết Thành nhưng do có cán bộ ngân hàng bảo lãnh nên đồng ý cho vay. Nhiều trường hợp khi chưa vay được tiền, phía ngân hàng đã “ký trước chứng từ nộp tiền” mở Sổ tiết kiệm đồng sở hữu trong đó có số tiền của Thành dù thực tế, bị cáo này không có tiền.

Ngay sau khi có Sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Thành câu kết với một số nhân viên ngân hàng thực hiện việc thế chấp Sổ tiết kiệm để vay tiền của ngân hàng số tiền lên tới 95% giá trị của sổ. Để vay thành công, Thành còn giả chữ ký của người liên quan và qua đây, Ngân hàng Việt Á bị thiệt hại 273 tỷ đồng.

Với ông Đặng Nghĩa Toàn, Thành có thủ đoạn vay tiền bằng hình thức đề nghị Toàn gửi tiền vào Ngân hàng Việt Á sau đó đưa cho Thành giữ Sổ tiết kiệm gốc và trả lãi suất ngoài 4,2%/tháng. Tại tòa, ông Toàn cho hay đã được Thành trả khoảng 4 tỷ đồng tiền lãi.

Cuối tháng 9/2018, Việt Á ra văn bản yêu cầu các khoản vay trên 100 triệu đồng phải giải ngân vào tài khoản của người vay. Do vậy, Thành đề nghị Thu Hương giúp lập tài khoản thứ hai gọi là tài khoản vay (tài khoản thanh toán) đứng tên Người đồng sở hữu với Thành để sử dụng trong việc nhận tiền giải ngân. Tuy nhiên, Người đồng sở hữu “không biết mình có tài khoản này”.

Đến ngày 28/3/2018, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương phát hiện việc Thành ký giả chữ ký của những Người đồng sở hữu để làm hồ sơ vay tiền tại ngân hàng Việt Á nên yêu cầu Thành phải trả các khoản vay và viết bản cam kết có nội dung: “Trong thời gian từ tháng 11/2016 đến nay, chúng tôi huy động tiền của khách hàng gửi vào ngân hàng Việt Á, tuy nhiên chúng tôi đã giả mạo chữ ký của khách hàng làm hồ sơ vay lại số tiền đó để chi tiêu riêng… T

ôi hứa sáng 29/3/2018 sẽ cùng chị Hương làm vi bằng xác nhận sự việc do tôi giả mạo chữ ký lập hồ sơ để chiếm đoạt tiền. Đến ngày 10/4/2018, tôi sẽ hoàn trả lại đầy đủ số tiền trên cho khách hàng”. Trên thực tế, Thành không trả nợ mà tiếp tục lừa đảo các ngân hàng, cá nhân khác để có tiền.

Ngân hàng thiếu trách nhiệm

Cũng theo cáo trạng, tháng 10/2018, ông Đặng Nghĩa Toàn có ý định đấu giá dự án khu đô thị Đông Hương (Thanh Hóa) nên nhờ Thành và bị cáo Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty MHD để lấy tư cách pháp nhân tham gia đấu giá nhưng không thành.

Thành sau đó đề nghị cho mình vay bằng hình thức gửi 52 tỉ vào PVcomBank và đưa sổ tiết kiệm cho mình. Ông Toàn đã gửi số tiền này vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ đồng mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ ông rồi đưa tất cả cho Thành giữ.

Thành và Tùng sau đó làm giả hồ sơ mua bán thép giữa Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm trên. Các nhân viên ngân hàng là Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Thu Trà đã đưa hồ sơ cho Thành đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm.

“Siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành lợi dụng việc này để giả chữ ký và tự điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn, dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank. Cơ quan tố tụng cho rằng trong việc này, các nhân viên ngân hàng đã “thiếu trách nhiệm”. Sau khi ngân hàng giải ngân hơn 49 tỷ đồng, Thành đã rút toàn bộ số tiền này để chi tiêu cá nhân.

Tương tự, tại Ngân hàng NCB, Thành vay của ông Toàn 50 tỷ đồng bằng cách yêu cầu ông gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa sổ tiết kiệm cho mình giữ. Cô ta tiếp tục giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để lập hồ sơ vay và được NCB giải ngân 47,5 tỷ đồng.

Ngoài hành vi lừa đảo và vi phạm quy định về ngân hàng nói trên, cơ quan tố tụng cho rằng nhóm bị cáo do Triệu Đình Hoan (SN 1979, Giám đốc Công ty Hải Linh) cầm đầu có hành vi cho Thành vay 160 tỷ đồng.

Trong đó có 20 tỷ đồng vay với lãi 5.000 đồng/triệu/ngày và 140 tỷ đồng lãi 4.000 đồng/triệu/ngày. Số tiền nhóm Hoan thu lời bất chính được xác định là hơn 41 tỷ đồng. Do vậy, có 6 người bị truy tố về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.

Trong vụ án, cơ quan tố tụng cho hay hồ sơ không đủ căn cứ xác định vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn là đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành trong việc lừa đảo các ngân hàng Việt Á, NCBPVcomBank. Lý do, ông Toàn không nhận được văn bản của ngân hàng thông báo sổ tiết kiệm của mình bị cầm cố; các tài khoản của ông không bị phong tỏa, hằng tháng chủ sở hữu vẫn nhận được các khoản lãi.

Sau một ngày công bố cáo trạng, bị cáo Thành cho hay đã trả nợ ông Toàn 35 tỷ đồng. Ngược lại, ông Toàn bác bỏ, nói chỉ nhận được 4 tỷ đồng tiền lãi từ “siêu lừa”. Hội đồng xét xử sau đó quyết định trả hồ sơ vì cơ quan điều tra chưa cho 2 người đối chất, làm rõ thực chất có việc vay nợ giữa Toàn và bị cáo Thành hay không.

Ngoài ra, cần làm rõ đến nay, Thành còn nợ ông Toàn bao nhiêu; các sổ tiết kiệm của ông Toàn tại 3 ngân hàng đến nay có số lãi bao nhiêu? Hội đồng xét xử cũng cho rằng, phải xác định ông Toàn có đồng phạm với Thành trong việc lừa đảo hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ