Bà giáo già muốn từ thiện tấm lòng

GD&TĐ - Đã hơn 25 năm trôi qua, lớp học tình thương của bà giáo Nguyễn Thị Côi vẫn được duy trì đều đặn, chắp cánh ước mơ đến với con chữ của những bạn nhỏ khuyết tật. 

Bà Nguyễn Thị Côi – phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Minh Thiện 
Bà Nguyễn Thị Côi – phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Minh Thiện 

Ở tuổi 79, cái tuổi xưa nay hiếm thấy, nếu như là người bình thường đã lựa chọn cuộc sống an nhàn, vui vầy bên con cháu. Thế nhưng, bà giáo Côi lại gắn bó với lớp học đặc biệt này bởi nặng lòng với sự nghiệp trồng người. 

Lớp học đặc biệt 

Năm 1994, lớp học được tổ chức với chủ trương của quận Hoàng Mai, Hà Nội là giúp đỡ các em bị khuyết tật về trí tuệ, lang thang, cơ nhỡ tránh xa các tệ nạn xã hội. Bà giáo khi ấy là hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp đảm nhận lớp. Sau đó thì cứ tranh thủ đến những xóm nghèo như xóm Liều ở khu Thanh Nhàn để vận động các em tham gia lớp học. 

Khu vực này trước đó được coi là điểm nóng về ma túy nên có rất nhiều tệ nạn. Những đứa trẻ của xóm này hầu hết đều là dân tỉnh lẻ theo bố mẹ lên Hà Nội sinh sống. Ban ngày trẻ em ở đây đi đánh giày, bán báo, bán bánh mỳ…

Chị Lê Hồng Tâm (bên phải từ trái qua) - phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Chị Lê Hồng Tâm (bên phải từ trái qua) - phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Sau nhiều lần chuyển đổi, hiện lớp học được mở ở nhà văn hóa khu dân cư số hai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lớp học chỉ vỏn vẹn 40m2. Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị phần nhiều được ủng hộ và tận dụng lại, nhưng vẫn rất ấm cúng và đủ đầy bởi tình yêu thương của bà giáo. 

Ở đây, hầu hết các em đều là trẻ khuyết tật về trí tuệ nên dù có bạn đã ngoài đôi mươi nhưng vẫn mang tâm hồn đứa trẻ lớp một. Hoặc có những bạn bị chứng tăng động, tự kỉ dù đã học hết tiểu học nhưng vẫn không nhớ nổi mặt chữ. 

Dạy vì thiện tâm

Bà giáo Côi tận tình dạy chữ cho các bạn nhỏ tại lớp học linh hoạt
Bà giáo Côi tận tình dạy chữ cho các bạn nhỏ tại lớp học linh hoạt

Bà giáo Côi chia sẻ, phương pháp dạy các em được sáng tạo qua quá trình đứng lớp. Vì mỗi em có trình độ và mức độ tiếp thu khác nhau nên không thể dạy đại trà, mà phải dạy từng em. Đối với những em mắc chứng tăng động, mất kiểm soát, bà kiên nhẫn, dùng tình thương và những lời nói động viên, khích lệ dù chỉ là những việc làm nhỏ nhất. 

 Ngoài những khó khăn trong quá trình giảng dạy, bà còn gặp phải những hiểu lầm, nhận những lời đàm tiếu không hay về mình. Bà chia sẻ: “Họ tưởng là cô dạy các em để những người từ thiện đến đây cho cô, để cô làm kinh tế. Nhưng không phải, cô dạy các em để muốn từ thiện tấm lòng mình, giúp các em thoát khỏi cảnh mù chữ. Các em đi làm kiếm sống nuôi mình và giúp cho gia đình, giúp cho các em không đi vào con đường tệ nạn xã hội.” 

Tốt nghiệp lớp rửa bát, gấp quần áo

Bằng tình yêu thương và sự nhẫn nại, bà đã giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ biết đọc, biết viết và biết làm những phép tính giản đơn. Một trong số rất nhiều những em học sinh trưởng thành từ lớp học này, phải kể đến chị Lê Hồng Tâm (21 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) – người con gái bé nhỏ nhưng có sức mạnh và nghị lực phi thường. 

Theo chia sẻ, bản thân chị Tâm bị dị tật não bẩm sinh phải uống thuốc điều trị thường xuyên, hai chân co quắp từ nhỏ. Việc đi lại khó khăn đã khiến bố chị lựa chọn lớp học cô Côi để gửi gắm, giúp chị có thể tự lập được nếu không may bố mẹ không còn. Chị chia sẻ: “Học cô Côi được dạy kỹ năng sống như rửa bát, quét nhà, gấp quần áo…”. 

Sau khi tốt nghiệp lớp học đặc biệt này, chị được giới thiệu học lớp vi tính văn phòng và hiện nay đã có thể tự kiếm tiền bằng công việc quảng cáo trên Internet.

Nhận thấy sự thay đổi tích cực từ các con, nhiều bậc phụ huynh đã biết đến và xin cho con em mình được tham gia lớp học bà giáo Côi. Đặc biệt là hoàn cảnh của anh Chu Ngọc Tùng (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bố mẹ li tán, bản thân lại mắc dị tật về trí tuệ, do biến chứng của căn bệnh viêm não Nhật Bản. Bởi vậy mà dù đã gần ba mươi tuổi nhưng anh vẫn mang tâm hồn đứa trẻ lên năm. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng anh luôn cố gắng đến lớp, được bà giáo kèm cặp và giao trọng trách quản lý lớp học mỗi khi bà đi vắng. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc – phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc – phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc - bà nội của anh Chu Ngọc Tùng chia sẻ cháu mình sau khi học lớp bà Côi trở nên ngoan ngoãn hơn, biết đọc, biết viết và giúp đỡ bà những công việc nhà đơn giản. Bà cũng bày tỏ: “Cô giáo Côi là người có tâm, có đức. Dù đã về hưu nhưng không mưu cầu lợi ích cá nhân mà vẫn ra đứng lớp, dạy dỗ các em trở nên ngoan ngoãn.” 

Mỗi em học sinh là một mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh còn chưa được hoàn thiện nhưng vẫn đẹp và lung linh bởi bàn tay nâng đỡ của bà giáo Côi. Bức tranh mang ý nghĩa đặc biệt bởi tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu mà bà giáo Côi đã lan tỏa tới cộng đồng. 

Hơn hai mươi lăm năm ươm mầm những giấc mơ xanh, điều bà Côi nhận lại không phải là những món quà mang giá trị vật chất mà là tình cảm và sự biết ơn của các em đối với người giáo viên nhân dân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...