Ấn tượng đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên

GD&TĐ - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học (Euréka) do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm, nhằm khuyến khích sinh viên ngoài việc học còn phải “hành”. 

Ấn tượng đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Euréka 2016 vừa khép lại đã để lại nhiều ấn tượng cho ban giám khảo với nhiều đề tài thiết thực trong việc xây dựng phát triển thành phố. Đặc biệt có đề tài nhanh chóng được doanh nghiệp “mua” để áp dụng ngay cho doanh nghiệp.

Những đề tài thiết thực cho thành phố

Vòng chung kết với sự tham gia tranh tài của 267 tác giả gồm 115 công trình nghiên cứu khoa học ở 11 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội nhân văn, giáo dục, công nghệ thông tin, quy hoạch - kiến trúc - xây dựng, pháp lý, công nghệ hóa dược, tài nguyên môi trường, nông lâm ngư, công nghệ sinh - y sinh. Theo Hội đồng giám khảo, đây là những đề tài xuất sắc vừa mang ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn cao

Có thể kể đến đề tài “Chương trình xe đạp công cộng và việc đưa xe đạp vào sử dụng ở khu vực trung tâm” của SV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Đây được xem là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống giao thông hiện nay cũng như giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực đô thị. Mô hình xe đạp công cộng này sẽ được đưa ra với mong muốn tăng tính khả thi của đề tài nhằm hỗ trợ cho các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp triển khai chương trình xe đạp cũng như đưa xe đạp vào sử dụng phổ biến ở trung tâm quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề tài đánh giá tác động của Dự án xây dựng đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đến đời sống dân cư đô thị của SV Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng rất được chú ý. Luận điểm của SV cho thấy, ngoài những tác động tích cực thì dự án đã và đang gây ra các tác động tiêu cực đến đời sống dân cư trong vùng dự án đi qua.

Điểm mới và nổi bật của nghiên cứu là phát hiện được dự án đã không hoàn toàn giúp cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho những hộ dân có nhà nằm ở mặt tiền, như giả thuyết của nhóm. Ngoài ra, còn có vấn đề nhà ở có nền cao hoặc thấp hơn mặt đường do quá trình thực hiện dự án gây ra, cụ thể là do vấn đề quy hoạch cốt nền.

Từ thực trạng nghiên cứu, đối chiếu và so sánh với tình hình thực tế, nhóm SV đề xuất một số giải pháp mang tính chất gợi mở và định hướng, nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, góp phần vào việc xem xét; đánh giá tác động của các dự án giao thông tương tự trước khi thực hiện, để bảo đảm hiệu quả về đời sống kinh tế - xã hội của người dân, hướng đến thành phố đáng sống trong tương lai…

Đề cao tính ứng dụng

Ở lĩnh vực giáo dục có nhiều đề tài được đánh giá cao, trong đó đề tài “Xây dựng cẩm nang tuyên truyền nhằm phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trung học” của nhóm SV Nguyễn Thị Bích Thảo (Trường ĐH Sư Phạm TPHCM) được chú ý nhiều: Cẩm nang là một sản phẩm ứng dụng được xây dựng nhằm phục vụ, hỗ trợ công tác phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ).

Đây là giải pháp thiết thực và phù hợp với thực tiễn. Bài viết mô tả đánh giá của học sinh sau khi sử dụng quyển cẩm nang tuyên truyền nhằm phòng chống BLHĐ. Kết quả đánh giá cho thấy cẩm nang có sức thu hút, đáp ứng được những yêu cầu về hình thức và nội dung, có hiệu quả tuyên truyền, mang lại những lợi ích nhất định trong công tác tuyên truyền phòng chống BLHĐ.

Đề tài “Hệ thống pha chế cocktail tự động”, nhóm sinh viên thuộc khoa Điện - Điện tử (ĐH Duy Tân) đã “ghi điểm” với Ban tổ chức với hệ thống pha chế tự động các loại cocktail có tính ứng dụng cao và đã được Công ty TNHH Cafe Ý tưởng nhận chuyển giao công nghệ. Với hệ thống pha chế thức uống thông minh này, người dùng có thể tự chọn thức uống theo ý thích qua menu tương tác trên smartphone ngay tại bàn mà không cần đến người phục vụ.

Trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nghiên cứu “Sản xuất “giấy xanh” - giấy từ phế phẩm nông nghiệp” của Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư. “Giấy xanh” với nguyên liệu đầu vào có giá thành rẻ, gồm các phi thân gỗ (như giúp tận dụng 30 - 35% phế phẩm rơm rạ của 3.081,5 nghìn ha lúa gieo trồng và các thân cỏ, bã dừa, bã mía, xác hữu cơ thực vật...) để sản xuất giấy có khả năng ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Kết quả thử nghiệm, ứng dụng “giấy xanh” trong thực tiễn cho thấy, giấy từ phế phẩm nông nghiệp có phạm vi ứng dụng rộng rãi, như: Giấy viết, vẽ, giấy in, giấy dán tường... Nghiên cứu đã đáp ứng vấn đề cấp bách hiện nay là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, do quá trình xử lý phế phẩm hoàn toàn không sử dụng chất hóa học, không sử dụng chất kết dính và đặc biệt bột giấy không qua tẩy trắng mà vẫn giữ màu vàng ngà tự nhiên của xơ sợi. Điều này giúp việc nghiên cứu ứng dụng viên nén bột giấy từ phế phẩm nông nghiệp dùng hút ẩm cho thực phẩm là hoàn toàn có triển vọng.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của 621 đề tài của 1.435 SV đại diện cho 75 trường đại học, cao đẳng, học viện đến từ 18 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ở vòng chung kết, Ban tổ chức ghi nhận nhiều đề tài mang tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao, là cơ hội cho nhiều SV khởi nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ