Ăn nấm độc, mòn mỏi chờ thay gan

Trong số 14 người bị ngộ độc nấm ở Thái Nguyên và Tuyên Quang chuyển về Hà Nội cấp cứu đã có 3 người tử vong, 10 người nguy kịch vì hôn mê và suy gan nặng.

Ăn nấm độc, mòn mỏi chờ thay gan

 Ngày 20/3, tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong số 12 người bị ngộ độc nấm đang điều trị đã có thêm một người tử vong, 10 người nguy kịch, chỉ có một người đang hồi phục.

Theo tiến sĩ Lợi, bệnh nhân phục hồi duy nhất là ông Triệu Nho Phú (58 tuổi, Thái Nguyên), số còn lại đang hôn mê, suy gan rất nặng. Bệnh viện đang kết nối với các Bệnh viện Việt Đức, 108, 103... để tìm kiếm nguồn gan để thay cho những bệnh nhân nguy kịch, ưu tiên trẻ em.

Trước đó trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 20/3, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 14 bệnh nhân bị ngộ độc nấm ở Thái Nguyên và Tuyên Quang, trong đó 3 ca đã tử vong. Tất cả đều ăn loại nấm độc tán trắng, mọc hoang dại ở rừng, khe suối... Loại nấm này mọc nhiều vào mùa xuân và hè, khó phân biệt với các loại nấm tự nhiên không chứa độc tố.

Để phòng ngừa khẩn cấp ngộ độc loại nấm này, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các tỉnh phía Bắc tăng cường thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc đến tận hộ gia đình, qua các trưởng tộc, trưởng bản để đến những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng.

Đồng thời, kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường để mọi người tuyệt đối không thu hái, chế biến và hay ăn nấm mọc hoang dại.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chú ý sử dụng than hoạt tính và thuốc nhuận tràng cho bệnh nhân và cả ca bệnh nghi ngờ.

Theo tiến sĩ Lợi, than hoạt tính có thể dự trữ trong gia đình để sử dụng khi cần thiết vì bất cứ loại ngộ độc nào cũng có thể sử dụng được. Các trung tâm y tế ở vùng cao cũng cần lưu trữ để sơ cứu bệnh nhân kịp thời, tránh tình trạng, khi bệnh nhân đến các trạm y tế chỉ được truyền dịch và chuyển lên tuyến trên, bỏ lỡ cơ hội thời gian sử dụng than hoạt tính cho bệnh nhân.

Trên thị trường hiện có loại thuốc hỗn hợp dịch uống điều chế từ than hoạt tính giá 96.000 đồng, còn than hoạt bột giá chỉ vài nghìn đồng một gói.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...