Ấm lòng Tết của mẹ

GD&TĐ - Trong tâm thức của người Việt, Tết đến Xuân về là dịp để cả nhà quây quần, đoàn tụ trong tình yêu thương ấm áp.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Nguyễn Hữu Thịnh

Tết của mẹ

Đây Tết của mẹ gói bánh chưng

Là bao hương vị đến thơm lừng

Quanh nồi bánh luộc từng câu chuyện

Ngọn lửa bếp chiều kể rưng rưng.

Đây Tết của mẹ nắm cây mùi

Trên nồi bánh luộc lẫn buồn vui

Chậu nước xôn xao vòng khói tỏa

Cuối năm gột sạch lớp bụi đời.

Đây Tết quê nhà của mẹ tôi

Góc vườn đốt lá khói xanh trời

Run run ngọn bấc chiều ren rét

Vẫn ấm cội đào thắm cánh môi.

Đây Tết của mẹ đơn giản thôi

Dưa hành thịt mỡ biết bao đời

Đi xa nỗi nhớ về như thể

Thấy Tết quê hương mắt mẹ cười.

(In trong tập “Bước qua cánh đồng làng” - NXB Hội Nhà văn, năm 2022)

Hạnh phúc của Tết đoàn viên với nhiều người không phải là được thưởng thức những món ăn cao lương mĩ vị hay xúng xính quần áo đẹp dịu dàng, mà chỉ đơn giản là được về bên gia đình, về với mẹ. Với bài thơ “Tết của mẹ”, tác giả Nguyễn Hữu Thịnh đã đem đến cho người đọc những dư vị lắng sâu cùng cảm xúc ngọt ngào qua những ngôn từ mộc mạc và hình ảnh quen thuộc:

“Đây Tết của mẹ gói bánh chưng

Là bao hương vị đến thơm lừng

Quanh nồi bánh luộc từng câu chuyện

Ngọn lửa bếp chiều kể rưng rưng”.

Xã hội phát triển với những dịch vụ phong phú nên chỉ cần ra đầu ngõ là có thể mua được bánh chưng hay nhấc điện thoại lên, đặt hàng online là shipper chở bánh về tận nhà.

Việc gói bánh chưng ngày Tết không còn là tục lệ của tất cả mọi gia đình, nhất là đối với những gia đình hiện đại, bận rộn. Nhưng ngay từ khổ đầu bài thơ, Nguyễn Hữu Thịnh đã giới thiệu về “Tết của mẹ” rất đặc trưng, rất truyền thống bởi quan niệm “Tết là phải gói bánh chưng”, “gói bánh chưng mới có không khí Tết”.

Cả nhà tất bật, mỗi người một việc: Người thì rửa lá dong, người thì chẻ lạt, người thì thái thịt, ướp thịt, nấu đỗ... Bao hương vị “thơm lừng”, bao công sức mẹ chắt chiu mới làm nên những chiếc bánh chưng vuông vắn. Hạnh phúc nhất là được xúm xít bên nồi luộc bánh, trông bếp và tíu tít những câu chuyện kể. Thật vui và xúc động làm sao khi được về bên mẹ, được kể và được nghe kể chuyện.

Cái hay của câu thơ là tác giả không chỉ diễn tả thông thường mà như thổi hồn vào bếp lửa, ngọn lửa: “Ngọn lửa bếp chiều kể rưng rưng”. Bếp kể, lửa kể hay chính là người nhóm bếp, trông bếp, canh chừng nồi bánh chưng đang kể chuyện? Câu thơ có sức gợi và khiến ta hình dung ra cảnh tượng ấm áp vô cùng vào một chiều cuối năm.

“Đây Tết của mẹ nắm cây mùi

Trên nồi bánh luộc lẫn buồn vui

Chậu nước xôn xao vòng khói tỏa

Cuối năm gột sạch lớp bụi đời”.

Tết của mẹ còn được kể ra với những hình ảnh mộc mạc mà yêu thương. Mẹ chăm chút gia đình, chăm chút các con từ những điều nhỏ nhặt nhất. “Nắm cây mùi” trở thành hình ảnh gắn với hương thơm đặc trưng ngày Tết. Mẹ đã “giữ Tết” bằng việc níu giữ truyền thống từ ngàn xưa. Nước lá mùi thơm tho của mẹ dùng để tắm, gội đầu, rửa mặt, để “gột sạch lớp bụi đời”, để rửa trôi những muộn phiền, ưu tư, buồn lo của năm cũ; để chào đón một năm với bao niềm tin và hi vọng.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Về với mẹ là về với quê nhà, với góc vườn tuổi thơ ngập tràn kỉ niệm:

“Đây Tết quê nhà của mẹ tôi

Góc vườn đốt lá khói xanh trời

Run run ngọn bấc chiều ren rét

Vẫn ấm cội đào thắm cánh môi”.

Nguyễn Hữu Thịnh rất tài tình khi dùng hai từ láy trong một câu thơ: “Run run ngọn bấc chiều ren rét”. “Run run” và “ren rét” là những từ láy giàu sức gợi hình nhưng dường như cái rét run người đã bị xua tan bởi ngọn lửa đốt lá “khói xanh trời”, làm “ấm cội đào” và “thắm cánh môi”. Hình ảnh quê nhà thân thương luôn hiện hữu trong tâm hồn tác giả nên mọi sự vật, hình ảnh được viết ra bằng niềm thương, nỗi nhớ và sự gắn bó máu thịt. Nguyễn Hữu Thịnh như đang kể ra lần lượt từng thứ một, Tết của mẹ có bánh chưng, có mùi thơm, có hoa đào và có cả những thứ rất “đơn giản”:

“Đây Tết của mẹ đơn giản thôi

Dưa hành thịt mỡ biết bao đời

Đi xa nỗi nhớ về như thể

Thấy Tết quê hương mắt mẹ cười”.

“Tết của mẹ” với Nguyễn Hữu Thịnh, với bao người con Việt Nam là thế đó. Hình ảnh muôn đời của Tết cổ truyền là “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Dù thời gian có làm nhạt nhòa vơi đi những gì thuộc về truyền thống thì những vẻ đẹp dân dã mẹ vẫn luôn nâng niu, cất giữ và truyền lại cho con, cho cháu để nếp nhà mãi mãi vẹn nguyên. Để mỗi khi đi xa, nỗi nhớ của con vẫn ăm ắp hình ảnh “Tết của mẹ”: Đơn sơ, giản dị mà vẫn sang trọng, đủ đầy. Hình ảnh khép lại bài thơ có lẽ là hình ảnh đẹp nhất: “Thấy Tết quê hương mắt mẹ cười”. Phải chăng còn mẹ là còn Tết? Phải chăng thấy mắt mẹ cười là thấy Tết quê hương?

Bài thơ có bốn khổ, với cấu trúc điệp lại ở đầu mỗi khổ thơ: “Đây Tết của mẹ...” như giới thiệu, như liệt kê... nào có chi nhiều nhưng cũng đủ làm nên hương vị ngày Tết cổ truyền và niềm hạnh phúc của sum vầy. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Hữu Thịnh không cầu kỳ, bay bổng bởi tất cả như được viết ra bằng cảm xúc tự đáy lòng của một người con luôn cất giữ mẹ và quê nhà, mẹ và Tết yêu thương ở trong trái tim mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.