“Tết của mẹ tôi” trong thơ Nguyễn Bính

GD&TĐ - Trước đây, khi nghĩ đến những bài thơ hay về Tết của các nhà thơ thời kì thơ mới, người ta thường hay nhớ đến bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng thật ra bài thơ “Tết của mẹ tôi” của Nguyễn Bính cũng không kém phần đặc sắc. 

Bằng lối kể chuyện tự nhiên, Nguyễn Bính đã nêu bật sự đảm đang lo cái Tết của gia đình, hoàn toàn nằm trên vai người mẹ:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều

Sân gạch tường hoa người 
quyét lại

Vẽ cung trừ qủy, giồng cây nêu

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa

Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”

Trữ gạo nếp thơm, mo bó gói

Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.

Và đến Hai tám Tết, bởi “Tháng thiếu cho nên hụt một ngày”, mẹ lại phải thân chinh đi chợ Tết, sắm sửa đủ mọi thứ, lo các đồ nấu cỗ, thờ cúng tổ tiên và không quên cả quà cho trẻ con vui chơi ngày Tết:

Không như mọi bận người 
mua quà

Chỉ mua pháo chuột và tranh gà

Cho các em tôi đứa mỗi chiếc

Dán lên khắp cột, đốt inh nhà

Chợ về, mẹ tất bật trong cảnh
bếp núc:

Giết lợn đồ xôi lại giết gà,

Cỗ bàn xong cả từ hôm qua 

Lại cũng chính mẹ gửi tấm lòng thành lên đức Phật, không phải cầu riêng Phật phù hộ độ trì cho mình, chính là cầu phật phù hộ cho gia đình luôn luôn hạnh phúc:

Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức

Lẩm nhẩm cầu kinh Đức phật Bà

Người dạy bảo các con về phong tục tốt đẹp của ngày Tết:

Mẹ tôi gọi cả các em tôi

Đến bên mà dặn: Sáng ngày mai

Các con phải dậy sao cho sớm

Đầu năm năm mới phải lanh trai

Mặc quần mặc áo lên trên nhà

Thắp hương thắp nến lễ ông bà

Chớ có cãi nhau chớ có quấy

Đánh đổ đánh vỡ như người ta

Những nét phong tục thân quen thói kiêng kị, tục mừng tuổi, rửa mặt đầu năm được miêu tả khá đầy đủ:

Sáng sớm mồng Một sớm 
tinh sương 

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường 

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi 

Rửa mặt nước mùi nước 

đượm hương ...

Những chi tiết “Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi”, rửa mặt bằng nước hạt mùi, một loại nước thơm đượm đầy phong vị cổ truyền của những cái Tết xưa...

Hình như nói hơi nhiều về bà mẹ tất bật, tác giả cũng chen vào tả ông bố một chút, một con người chỉ biết chữ nghĩa, ngoài ra tay không đụng vào việc gì:

Thầy tôi lấy một tờ hoa niên 

Bút lông đâm mực viết lên trên 

Trên những gì gì tôi chẳng biết 

Giữa đề năm tháng, dưới đề tên ...

Những câu thơ đượm một chút châm biếm, nhưng đầy vẻ đáng yêu. Và cũng là sự chuẩn bị để tác giả tả những nét đẹp nhất của tâm hồn người mẹ:

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi 

Rón rén lên bàn thờ ông tôi 

Đôi mắt người trông thành
kính quá 

Ngước xem hương cháy đến đâu rồi

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu 

Mặt người đỏ tía vì hơi men 

Người rủ cô tôi đánh tam cúc,

Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

Có lẽ cái phút sống thoải mái và cho mình nhất chính là phút ấy, cái phút uống cả một cốc rượu cho say, ngồi vào đánh tam cúc, rồi cười ầm lên khi tính được một nước bài cao “Tốt đỏ đè tốt đen”.
Nhưng những phút đẹp đẽ nhất lại vụt tắt lụi ngay. Tiếp sau đó lại là công việc và nghĩa vụ:

Tôi mặc một chiếc quần mới may 

Áo lương, khăn lượt chân đi giày

Cho tôi sang lễ bên quê ngoại

Người dặn con đừng uống
rượu say

Xong ba ngày Tết mẹ tôi lại

Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con

Rồi một đôi khi người dậm gạo

Chuyện trò kể lại tuổi chân son 

Trong thơ nguyễn Bính, cách khắc họa chân dung, bằng lối kể chuyện thật khó ai bằng. Có yêu mẹ lắm, hiểu mẹ lắm, và cả gần mẹ nữa mới viết được đến thế. Bài thơ tròn trặn đầy dư vị, dư âm. Đọc xong, cứ thấp thoáng một nỗi buồn, nỗi thương cảm sâu lắng với người xưa, và những nét xưa một đi không trở lại cứ bám chắc tâm hồn mình. Tài thơ của Nguyễn Bính là ở chỗ đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ