Ai thiệt hại hơn?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngay sau khi Nga phát động cuộc xung đột với Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã lập tức đứng về phía Kiev.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tổng thống Vladimir Putin ngày 11/1 tuyên bố Nga vẫn đang phát triển bình thường bất chấp hàng chục nghìn lệnh cấm vận, trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức lại đang phải trải qua thời kỳ khó khăn.

Ngoài viện trợ vũ khí và tài chính có quy mô lịch sử cho Ukraine, các nước phương Tây còn liên tục áp đặt hàng nghìn lệnh cấm vận và trừng phạt thương mại nhằm vào Nga, với mục tiêu khiến nền kinh tế nước này suy yếu đến mức phải rút khỏi cuộc xung đột vì thiệt hại.

Theo thống kê từ tháng 11/2023 của ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, vào thời điểm đó, các nước phương Tây đã áp đặt hơn 17.500 lệnh trừng phạt lên Moscow. Đến đầu năm 2024, con số này còn tăng lên vì EU mới áp các lệnh hạn chế thương mại bổ sung, trong đó có hoạt động buôn bán kim cương của Nga.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm chống chọi, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này đến đầu năm 2024 vẫn đứng vững trước bão trừng phạt và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Ông tuyên bố việc Nga là một quốc gia có khả năng tự cung tự cấp gần như mọi lĩnh vực nên đã giúp nước này ứng phó hiệu quả, vẫn đang phát triển bình thường, trong khi chính các nước trừng phạt là phương Tây lại đang phải trải qua thời kỳ khó khăn khi đóng cửa với Nga.

Tổng thống Nga tự tin tuyên bố trong chuyến thăm vùng Viễn Đông ngày 11/1 rằng, thực tế đã cho thấy các nền kinh tế châu Âu phụ thuộc vào Nga hơn là Nga phụ thuộc vào châu Âu.

Do đó khi đóng cửa với Nga thì các nền kinh tế hàng đầu châu Âu chịu thiệt hại hơn là so với Nga. Ông không nói rõ cụ thể nền kinh tế hàng đầu châu Âu là nước nào, nhưng dựa trên các số liệu kinh tế mới nhất thì các nhà phân tích cho rằng đó chính là nước Đức.

Bloomberg dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, nền kinh tế được coi là đầu tàu của châu Âu này đang đối diện với tình trạng khó khăn kéo dài, với sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ 6 liên tiếp hồi tháng 11/2023.

Năm 2024 nền kinh tế Đức cũng được dự báo tiếp tục phát triển chậm lại và xu hướng này còn tiếp tục trong những năm tiếp theo. Dự kiến đến năm 2027 thì Đức có thể sẽ bị Ấn Độ soán ngôi vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới do suy thoái kéo dài.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Đức bị đánh giá là suy yếu đi trong những năm qua và các năm tới chủ yếu là do lĩnh vực sản xuất của nước này vốn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, có 40% khí đốt tiêu thụ tại Đức là mua từ Nga. Do đó khi Đức áp đặt lệnh cấm vận và Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đã khiến nền sản xuất của Đức bị ảnh hưởng nặng nề. Quá trình tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế để “cai” năng lượng Nga của nước Đức cũng không hề dễ dàng và cần nhiều thời gian để thực hiện.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, điều đó đồng nghĩa các nước châu Âu và Nga sẽ vẫn duy trì thế đối đầu nhau về kinh tế và chính trị trong thời gian tới. Thời gian xung đột càng kéo dài càng thử thách sức chịu đựng và ứng phó của các bên trong cuộc chơi trừng phạt kinh tế lẫn nhau hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.